Ô nhiễm nguồn nước, nông dân lao đao
Hàng loạt diện tích trồng trọt của nông dân ở 2 thôn Tân Lễ A và Tân Lễ B, xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đang đối mặt với nguy cơ mất trắng do nước tưới bị ô nhiễm nặng.
Theo phản ánh của người dân, từ sau Tết Nguyên đán, các vườn rau và cánh đồng lúa ở khu vực này bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu như: Rau, hành úa vàng, lụi dần đến tận gốc. Ông Dương Thế Vinh, một nông dân ở địa phương chia sẻ: “Vụ này coi như mất trắng, vì tất cả các luống hành đang lụi dần”. Cảnh tượng tương tự cũng xảy ra trên cánh đồng lúa. Ông Dương Văn Mỹ, một hộ nông dân khác cho biết khoảng 4ha lúa vụ Đông - Xuân của gia đình đều bị cháy vàng lá, không thể trổ bông.
Nguyên nhân được xác định là do nguồn nước tưới từ suối Giao Kèo bị ô nhiễm nghiêm trọng. Suối này chảy qua địa bàn thôn Tân Lễ B hơn 1km, là nguồn nước chính dùng để tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp tại đây. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nguồn nước suối đã bị ô nhiễm nặng, khiến cây cối trong vùng héo úa. “Gia đình tôi có ao trữ nước khoảng 300m2 cách suối Giao Kèo gần 10m. Khi suối bị ô nhiễm, tôi lấy nước trong ao để tưới rau. Đến nay, nước trong ao cũng bị ô nhiễm do mạch nước ngấm từ suối chảy vào” - ông Vinh nói.
Theo ông Phạm Văn Tuân - Trưởng thôn Tân Lễ B, nguyên nhân chính gây ô nhiễm suối Giao Kèo là do hoạt động xả thải bừa bãi của các cơ sở sản xuất trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên. “Nhiều diện tích gieo trồng sử dụng nguồn nước suối để tưới đều bị hư hại, năng suất thấp. Bà con mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc xác định nguyên nhân để có giải pháp khắc phục kịp thời” - ông Tuân đề xuất.
Sau khi nhận được phản ánh của người dân, UBND xã Châu Pha đã có công văn số 322, ngày 28/3/2024 gửi UBND thị xã Phú Mỹ. Công văn nêu, tại thời điểm kiểm tra, khu vực Đập dân Tân Lễ B (đập 3 cửa) có tình trạng nguồn nước chuyển màu đục, đen và có mùi hôi rất khó chịu. Tại khu vực đập tràn (thượng nguồn) ghi nhận nguồn nước có màu đục, hơi vàng, có mùi hôi, không có bọt trắng. Qua khảo sát hiện trạng, một số diện tích rau màu của người dân, đặc biệt là diện tích rau màu của HTX Nông nghiệp – dịch vụ Châu Pha đã sử dụng nguồn nước của suối Giao Kèo để tưới cho cây trồng hiện tại đã bị hư hỏng, gây thiệt hại nặng nề. Theo trình bày của các hộ dân, nguyên nhân cây trồng bị hư hỏng là do đã được tưới bằng nguồn nước từ suối Giao Kèo. Sau khi phát hiện, người dân đã phản ánh từ đầu tháng 2/2024, đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Sau khi nhận được báo cáo từ UBND xã Châu Pha, lãnh đạo thị xã Phú Mỹ đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động của các nhà máy trong Khu xử lý chất thải Tóc Tiên để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi xả thải trái phép. Đồng thời ngày 3/4, thị xã Phú Mỹ có đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp để tìm nguyên nhân.
Vào ngày 10/4, Sở TNMT Bà Rịa – Vũng Tàu đã có văn bản số 2777 gửi UBND thị xã Phú Mỹ cho biết, qua kết quả giám sát tại suối Giao Kèo, Sở TNMT ghi nhận, khu vực suối Giao Kèo (phía dưới đập tràn) tại thôn Tân Ninh, xã Châu Pha có 1 hộ nuôi bò cạnh suối, do đó toàn bộ phân, nước thải đều thải trực tiếp xuống suối Giao Kèo, gây ô nhiễm nguồn nước suối. “Tại hộ gia đình ông Nguyễn Khắc Tuấn, tổ 3, thôn Tân Lễ B, đoàn ghi nhận: Ông Tuấn đang nuôi nhốt 3 con bò, toàn bộ chất thải từ hoạt động chăn nuôi xả trực tiếp xuống suối Giao Kèo. Đoàn yêu cầu ông Tuấn dừng mọi hoạt động xả thải xuống suối, cam kết không tái phạm” - văn bản của Sở TNMT cho biết.
Tuy nhiên, cán bộ kinh tế xã Châu Pha cho biết, hộ ông Tuấn chỉ là hộ mua bán bò, không phải hộ chăn nuôi, tại thời điểm kiểm tra ghi nhận hộ ông Tuấn có hoạt động nuôi nhốt 3 con bò, với số lượng bò như thế thì không thể gây ô nhiễm cả dòng suối…
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình ô nhiễm nguồn nước và những thiệt hại nặng nề cho nông dân, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Việc nhanh chóng xác định nguyên nhân, đưa ra giải pháp hiệu quả và tổ chức thực hiện đồng bộ là rất cần thiết, nhằm bảo vệ môi trường, ổn định đời sống của người dân địa phương.