Giảm áp lực cho 'siêu đô thị'
Đối diện với các thách thức về gia tăng dân số, kẹt xe, ngập nước, TPHCM đã sớm triển khai mô hình đô thị thông minh.
“Khắc tinh” của tội phạm
Từ nhiều năm trước, phường Tân Thới Nhất (quận 12, TPHCM), với mật độ dân số đông và là địa bàn có một số “điểm đen” về an ninh trật tự (ANTT), trong đó nạn cướp giật và trộm cắp tài sản hoạt động phức tạp. Để trấn áp các loại tội phạm, đầu năm 2024, phường Tân Thới Nhất đã tích cực vận động nhân dân cùng đóng góp, xây dựng hệ thống camera giám sát về ANTT.
Ông Nguyễn Hải Lâm - Chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất cho biết, sau thời gian triển khai hiện nay trên địa bàn phường đã có 148 camera giám sát, hỗ trợ rất hiệu quả cho công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm trên địa bàn. Trong số nhiều vụ việc xảy ra nhờ trích xuất được hình ảnh, Công an đã nhận diện và truy bắt kịp thời các đối tượng tội phạm.
Theo ông Lâm, hệ thống camera giám sát cũng đã giúp giải quyết được các vấn đề về trật tự đô thị, như lấn chiếm vỉa hè, gây rối trật tự công cộng.
Ngoài phường Tân Thới Nhất, hiện nay quận 12 có 8/11 phường đã đưa mô hình camera giám sát đi vào hoạt động. Nhờ tầm quan sát xa 50m, tích hợp micro tại các tuyến đường giao thông chính, các điểm đen về ANTT phức tạp, các dữ liệu hình ảnh, video thu thập được kết nối với trung tâm hình ảnh đặt tại các trụ sở Công an phường có máy chủ quản lý và giám sát.
Không chỉ hiệu quả trong giám sát ANTT, các camera giám sát còn giúp Công an truy vết và xử phạt nghiêm các trường hợp “đổ trộm” chất thải độc hại trên địa bàn dân cư…
Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, thành phố cũng trang bị hệ thống camera giám sát ở 28 tuyến đường khác và hệ thống trạm cân tự động để phạt nguội các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Cụ thể, dữ liệu từ nhóm camera giám sát tốc độ ghi nhận sẽ được truyền về trung tâm dữ liệu cho Công an TPHCM kiểm tra, giám sát và xử phạt (nếu có). Đối với các vi phạm khác, dữ liệu “mắt thần” cũng sẽ truyền về cho Công an thành phố hoặc Thanh tra Sở Giao thông vận tải để xử lý các bước tiếp theo.
Quản lý đô thị bằng công nghệ
Hiện nay TPHCM đã triển khai mô hình Trung tâm điều hành đô thị thông minh ở các quận, với mục tiêu quản trị đô thị hoàn toàn bằng công nghệ thông minh. Chia sẻ tại khuôn khổ Diễn đàn và triển lãm quốc tế đô thị thông minh châu Á diễn ra tại TPHCM (từ 17-19/4), ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, hiện nay chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế số, trong đó có đề án đô thị thông minh đang được triển khai.
Mục tiêu là thúc đẩy kinh tế số đóng góp khoảng 25% (năm 2025) đến 40% vào năm 2030 trong tổng GRDP của TPHCM. Để đảm bảo cho các mục tiêu này, TPHCM đã ban hành nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy chuyển đổi số. Trong đó, ngoài đề án đô thị thông minh, TPHCM cũng đã ban hành các chương trình chuyển đổi số; Chiến lược quản trị dữ liệu thành phố và Chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giai đoạn 2020 - 2030,...
Là thành phố đăng cai Diễn đàn quốc tế đô thị thông minh châu Á, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng bày tỏ mong muốn được học hỏi kinh nghiệm của các đô thị phát triển trong khu vực về những giải pháp xây dựng, phát triển đô thị thông minh của các nước. Từ đó, rút ra giải pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề về quản lý giao thông, đô thị, an ninh trật tự,..., vốn là những vấn đề bức thiết hiện nay của đô thị 13 triệu dân.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố sẽ xây dựng lộ trình triển khai chương trình chuyển đổi số và đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh. Các chương trình nhắm đến mục tiêu kết nối, liên thông hệ thống thông tin chính quyền điện tử của TPHCM với các nền tảng do bộ, ngành triển khai. Ngoài ra, thành phố cũng phát triển, khai thác hệ thống quản trị thực thi trên các nền tảng số, hoàn thiện cơ sở pháp lý song song với việc triển khai đảm bảo hệ thống vận hành hiệu quả.
TPHCM ưu tiên vào nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; cập nhật, số hóa dữ liệu; triển khai các nền tảng số trọng tâm và triển khai Trung tâm Điều hành thông minh; ứng dụng AI vào công tác quản lý và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố ưu tiên vào nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; cập nhật, số hóa dữ liệu; triển khai các nền tảng số trọng tâm và triển khai Trung tâm Điều hành thông minh; ứng dụng AI vào công tác quản lý và phục vụ người dân, doanh nghiệp.