Văn hóa

Thêm một phát hiện giá trị ở di sản Mỹ Sơn

Tấn Thành - Chí Đại 20/04/2024 07:22

Sáng 19/4, ông Nguyễn Công Khiết - Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý (BQL) Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, đơn vị đã có báo cáo kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ học phế tích kiến trúc đường dẫn ở phía Đông tháp K, thuộc khu di tích Mỹ Sơn. Kết quả thăm dò, khai quật là vô cùng giá trị.

anh1baitren.jpg
Đường cổ dẫn từ tháp K vào Khu di tích Mỹ Sơn. Ảnh: Tấn Thành.

Theo ông Khiết, vào tháng 6/2023, BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã phối hợp với Viện Khảo cổ học đào thăm dò diện tích 20m2 tại khu vực quanh tháp K nhằm xác thực những thông tin về dấu tích kiến trúc này.

Kết quả thăm dò, khai quật đợt này khẳng định có một con đường dẫn bắt đầu từ tháp K đi vào Khu di tích Mỹ Sơn ở thế kỷ 12, mà lần đầu tiên giới nghiên cứu khảo cổ - lịch sử trong nước và quốc tế được biết đến. Con đường này kéo dài trên một khoảng không gian trên 500m, khởi đầu từ tháp K hướng đến khu vực sân trước khu tháp F.

“Tháp K là một tháp đơn lẻ nằm khá độc lập với các nhóm tháp khác ở phía Tây Bắc thung lũng Mỹ Sơn. Tháp được xây dựng trên vùng đất phẳng rộng, khá cao bên cạnh dòng suối Khe Thẻ. Đây là lần đầu tiên giới nghiên cứu khảo cổ - lịch sử trong nước và quốc tế được biết đến” – ông Khiết cho biết thêm.

Ngoài ra, đợt công tác khảo cổ đã mở 4 hố thăm dò, mỗi hố có diện tích 20m2. Trong các hố đều phát hiện dấu tích kiến trúc đường dẫn. Về di tích, trong hố khai quật đã làm xuất lộ rõ cấu trúc của một đoạn kiến trúc đường dẫn phía Đông tháp K. Cấu trúc cắt ngang con đường rộng phủ bì 9m gồm lòng đường và hai bức tường xếp gạch bo hai bên. Con đường dẫn từ phía Đông tháp K hướng vào các khu tháp E - F ở sâu bên trong thung lũng Mỹ Sơn.

anh2baitren.jpg
Khai quật con đường cổ có nhiều thông tin quý giá về Khu đền tháp Mỹ Sơn.

Theo TS Nguyễn Ngọc Quý (Viện Khảo cổ học), người chủ trì dự án đợt thăm dò khai quật lần này, qua một số hiện vật gốm men và đất nung có thể thấy những di vật được phát hiện nằm trong khoảng niên đại từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 12, trong trật tự địa tầng ổn định. Những di vật trên tiếp tục củng cố cho nhận định kiến trúc đường dẫn có niên đại thế kỷ 12 (tương đương với niên đại tháp K).

“Việc lần đầu tiên thế giới tìm ra con đường thần đạo ở Mỹ Sơn sẽ bổ sung những câu chuyện văn hóa để di tích thêm sống động, gần gũi hơn với du khách. Việc con đường thiêng vừa phát lộ sẽ cho công chúng thấy rõ hình hài một di sản nguyên vẹn từ cổng vào hành lễ cho đến Thánh địa, tôn giáo của vương quốc đã rất rực rỡ trong lịch sử” - ông Quý nói.

Đánh giá cao kết quả cuộc khai quật lần này, TS Lê Đình Phụng - Ủy viên Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, đây thực sự là một tài liệu cực kỳ quý hiếm. Lần đầu tiên Mỹ Sơn tìm ra những kiến trúc khác mà trong gần 1 thế kỷ nghiên cứu về Mỹ Sơn các nhà khoa học chưa tìm ra. “Sau khi phát lộ ra con đường này, tôi nhận định tháp K là cổng vào của toàn bộ khu Mỹ Sơn” - ông Phụng nói.

Có được kết quả này, BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã phối hợp với Viện Khảo cổ học, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiến hành thăm dò khảo cổ quanh khu vực tháp K thuộc Khu di tích Mỹ Sơn ở xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Kết quả đã hé lộ thêm những điều bí ẩn lâu nay còn chìm sâu trong lòng đất của khu di sản này.

Cụ thể, ở các khu rừng rậm rạp xung quanh tháp K, các chuyên gia đã mở 5 hố thăm dò trên diện tích 20m2 (4m2/hố), qua đó đã phát hiện những dấu tích kiến trúc gồm 2 đoạn của các tường bao kéo dài từ tháp K về phía Đông, hướng vào các khu tháp E - F ở sâu bên trong thung lũng Mỹ Sơn.

Đây là khu vực bằng phẳng, vết tích tường bao được xây dựng bằng cách xây, xếp gạch thành hàng đôi ở hai bên, ở giữa nhồi thêm gạch vỡ. Tường có móng dưới to sau đó xây thu dần lên mặt trên với chiều rộng mặt khoảng 46cm.

Theo TS Nguyễn Ngọc Quý, tính chất của con đường thể hiện đầy đủ nhất trong tên gọi là “Con đường Hoàng gia” - con đường dẫn để vua chúa và tăng lữ Bà la môn giáo đi vào không gian thiêng của Mỹ Sơn.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết: “Kết quả thăm dò khảo cổ lần này và kết luận của các chuyên gia về con đường là vô cùng ý nghĩa, giúp cho chúng ta có thêm tư liệu, hồ sơ để tiếp tục khẳng định những giá trị không gian lịch sử - văn hóa - kiến trúc của Khu đền tháp Mỹ Sơn, góp phần tăng cường công tác quản lý, phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn”.

Theo TS Nguyễn Ngọc Quý (Viện Khảo cổ học): “Cần có kế hoạch tiếp tục khai quật nghiên cứu nhằm làm rõ quy mô, cấu trúc và diện mạo của con đường thiêng, đưa di tích này từ lòng đất Mỹ Sơn ra ánh sáng để du khách trong nước và quốc tế, những người quan tâm đến di sản văn hóa Champa nói chung và Mỹ Sơn nói riêng có thể hiểu biết cặn kẽ hơn về di tích, để Mỹ Sơn thực sự trở thành một chỉnh thể”.

Tấn Thành - Chí Đại