Công nhân phải gửi con về quê vì thiếu trường học
Do thiếu trường, hoặc giá cả đắt đỏ mà nhiều công nhân, người lao động phải gửi con về quê, hoặc chạy vạy khắp nơi tìm chỗ học cho con.
Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, hiện nay cả nước có gần 400 khu công nghiệp (KCN) với hơn 4 triệu công nhân. Nhiều công nhân làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từ khi còn chưa có gia đình cho đến khi lập gia đình và sinh con. Ở hai KCN như Hà Nội và Đồng Nai, tỷ lệ công nhân lập gia đình và có con rất cao, lên tới 60-70%. Điều này đặt ra nhu cầu về học tập rất lớn của con em công nhân ở các bậc giáo dục mầm non, phổ thông cơ sở và phổ thông trung học.
Chị Nguyễn Thị Hoa - xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội) vốn là công nhân làm việc ở KCN Thăng Long nhưng vì điều kiện khó khăn, chồng cũng là công nhân, 2 con thiếu người chăm sóc nên chị phải xin nghỉ việc, ở nhà bán hàng online. Chị Hoa cho biết, lương công nhân được 5-6 triệu đồng/tháng, tháng nào tăng ca liên tục mới nhích lên được 8-9 triệu đồng. Chị cũng thay đổi công ty vài lần do đồng lương bấp bênh nhưng vẫn chưa ổn định.
“Thời điểm khó khăn nhất, các con liên tục ốm đau, ông bà ở quê lên trông hộ cũng chỉ được vài ngày rồi lại về lo đồng áng, trong khi hai vợ chồng liên tục phải tăng ca. Vì vậy, hai vợ chồng không thể xoay xở nổi. Mang con đi gửi thì không yên tâm vì trường, lớp không đảm bảo. Nhiều gia đình công nhân ở đây cũng cố gửi con đi học nhưng lúc nào cũng trong tâm trạng lo lắng vì trường học không đảm bảo. Cực chẳng đã, tôi đành nghỉ việc, ở nhà bán hàng để tiện chăm con” - chị Hoa chia sẻ.
Còn chị Nguyễn Thị Minh - công nhân trú tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) quê ở Sơn La cũng chung hoàn cảnh. Chị Minh vốn là người chịu thương chịu khó, hay lam hay làm nên mức thu nhập cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp ở quê. Thế rồi, những khó khăn thực sự ập đến sau khi con chị Minh đến tuổi vào mẫu giáo. Không có ông bà hỗ trợ, chị xoay sở gửi con từ nhà trẻ sang trường mẫu giáo. Đứa trẻ ốm yếu, hay quấy khóc nên các nhà trẻ đều không mặn mà nhận trông. Đứa thứ nhất đến đứa thứ hai, tình trạng vẫn tái diễn. Chị gần như phải nghỉ việc để trông con. Cho đến lúc con đi học thì thực sự nan giải. Trường đủ điều kiện cho con học thì xa, bố mẹ làm ca không tiện đưa đón. Trường phù hợp thì lại không thể xin vào vì không có hộ khẩu và chi phí vượt quá khả năng của hai vợ chồng… Đắn đo mất mấy tháng trời, cuối cùng, cả hai quyết định trở về quê.
Bà Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện công nhân và công đoàn cho biết, việc gửi con nhỏ về quê là lựa chọn đầu tiên của công nhân nếu bố mẹ ở quê có điều kiện và thời gian chăm sóc. Tuy nhiên, con nhỏ ở xa bố mẹ dài ngày cũng đặt ra vấn đề về mối liên hệ giữa bố mẹ và con cái, cũng như cơ hội giáo dục, dạy dỗ và yêu thương con cái của bố mẹ. Công nhân hàng ngày không được trò chuyện, gần gũi với con, không biết con ăn ở, vui chơi, học hành như thế nào, không được chứng kiến, chăm sóc, dạy bảo con kịp thời. Vì vậy, việc gửi con ở cơ sở tư nhân là lựa chọn của khá nhiều công nhân mặc dù thu nhập thấp với 70% công nhân cả nước thuộc nhóm thu nhập thấp dưới 10 triệu đồng và phải đi ở trọ. Dù vậy, họ vẫn phải “thắt lưng buộc bụng” cho con đi học .
Theo bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã luôn quan tâm, trăn trở, tìm mọi giải pháp để thúc đẩy việc thực hiện chính sách nhà trẻ, mẫu giáo cho con em công nhân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Cụ thể, Tổng Liên đoàn đã kiến nghị để các KCN hình thành và phát triển sau này đều có quy hoạch dành quỹ đất xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo; bổ sung quỹ đất xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho các KCN đã hình thành. Chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện Chỉ thị 09 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường lớp mầm non ở các KCN, KCX. Bên cạnh đó, đẩy nhanh xây dựng vận hành các thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX, trong đó có trường mẫu giáo dành cho con công nhân lao động. Chỉ đạo công đoàn các cấp phối hợp vận động các doanh nghiệp xây dựng các nhà trẻ, mẫu giáo, hỗ trợ tiền gửi trẻ cho con công nhân lao động, điển hình như tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang...
Tuy nhiên, thực trạng thiếu trường học khiến công nhân phải tự xoay xở tìm chỗ học cho con vẫn đang diễn ra. Điều đó đòi hỏi các ngành, các cấp và địa phương cần khẩn trương và sát sao hơn trong việc xây dựng trường học cho các khu công nghiệp.
Thực trạng thiếu trường học khiến công nhân phải tự xoay xở tìm giải pháp gửi con để đi làm và phần lớn phải mang con đi gửi nhóm trẻ, gửi về nhà cho ông bà hoặc trường tư. Qua khảo sát đời sống, việc làm, thu nhập hàng năm của Viện Công nhân và Công đoàn, 40% công nhân phải gửi con về quê cho người thân trông nom, gần 22% gửi ở nhóm trẻ gia đình, nhà trẻ tư nhân. Một bộ phận gửi con ở hàng xóm hay người quen gần khu trọ và một bộ phận vợ hoặc chồng ở nhà chăm con hoặc nhờ người thân ở quê lên. Thậm chí, có công nhân còn để con một mình tại khu nhà trọ trong ca đi làm mặc dù không phải thường xuyên.