Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo cơ chế thử nghiệm có kiểm soát
Quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là vấn đề mới hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là kiểm soát cơ chế thử nghiệm này như thế nào.
Theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), thử nghiệm có kiểm soát là việc thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo trong điều kiện thực tế, với phạm vi được giới hạn dưới sự kiểm soát đặc biệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Lĩnh vực công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới được đề xuất thử nghiệm phải có khả năng mang lại giá trị và hiệu quả cao về kinh tế - xã hội mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc quy định hiện hành của pháp luật không còn phù hợp.
Việc đưa mô hình thử nghiệm có kiểm soát vào Luật Thủ đô (sửa đổi) kỳ vọng sẽ tạo khuôn khổ pháp lý để đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ.
Cơ quan thẩm tra dự án Luật là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, quy định như vậy là phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo cơ sở để Hà Nội có thể thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế các giải pháp công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, đưa Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành một trong các trung tâm đi đầu về đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực. Song do cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là mô hình mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm. Vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện quy định này.
Riêng về phạm vi các nội dung có thể được áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, theo ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, có ý kiến đề nghị nên giới hạn cụ thể hơn những nội dung, lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát. Ví dụ như chỉ gồm công nghệ mới thuộc một số lĩnh vực nhất định như quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội áp dụng đối với TP Hồ Chí Minh do đây là một nội dung mới, cần có bước đi thận trọng.
Về vấn đề trên, ĐBQH Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ quan điểm đồng tình nên có cơ chế thử nghiệm có kiểm soát thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo đối với sáng chế công nghệ, sáng kiến kỹ thuật. Đây là yếu tố tạo điều kiện để Hà Nội thực sự trở thành một trong các trung tâm đi đầu về đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực.
Song, ông Hoà cũng cho rằng, việc thử nghiệm cần có kiểm soát chặt chẽ vì có những thử nghiệm, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật quan trọng có thể ảnh hưởng tới vấn đề của quốc gia, thậm chí có thể có “tác dụng phụ”. Do đó các bộ, ngành có liên quan cũng cần quan tâm và kiểm soát đối với các lĩnh vực thử nghiệm đó.
Ông Phạm Văn Thịnh - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm, nên mạnh dạn mở ra cho Thủ đô, vì Thủ đô là nơi sinh động và tập trung cao nhất về kinh tế - xã hội. Nhất là việc thử nghiệm cần có môi trường đáp ứng yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn.
“Ví dụ nhà nước đầu tư xây dựng một sản phẩm thì đều đưa ra các quy trình. Nhưng có thể mạnh dạn thử nghiệm là chỉ cần cho ra các sản phẩm như: con tàu, tuyến đường. Cứ xong đường, tàu chạy được là được thay vì đã tuân theo các quy trình. Nghĩa là chỉ kiểm tra tính chất của sản phẩm thay vì quy trình trình tự các bước từ A đến Z. Cho nên cần đi sâu vào vấn đề chất lượng, tức chất lượng sản phẩm tốt theo các thông số kỹ thuật đặt ra, gắn với vấn đề trách nhiệm, nếu hỏng thì phải chịu trách nhiệm chứ đừng yêu cầu tuân theo quy trình cũ là phải đào, khoan sâu xuống bao nhiêu mét? Nhồi cọc thế nào?” - ông Thịnh ví dụ và dẫn chứng: “Thử nghiệm công nghệ mới thì nước ngoài đã có. Vậy tính toán thử nghiệm làm sao để phù hợp với khả năng nguồn lực của mình. Thử nghiệm kiểm tra chất lượng theo hướng đầu ra mới kích thích được sự sáng tạo. Ví dụ đất bùn phải cho lớp sỏi vào để tạo độ cứng, nhưng bây giờ có thể có phụ gia làm cho đất bùn cứng như đá, vậy không cần quy trình phải cho lớp sỏi vào nữa. Nghĩa là phải có không gian thử nghiệm thì mới sáng tạo. Chứ cứ “ép” làm theo quy trình, nếu không bị cho là sai và không được thanh toán thì ai dám thử nghiệm?
Về góc độ những sản phẩm công nghệ mới, theo ông Thịnh, trong thí nghiệm, quản lý các đề tài công nghệ không nên yêu cầu bắt phải họp bao nhiêu buổi? Báo cáo bao nhiêu trang? Mà chỉ tính đến nghiên cứu ra sản phẩm thì được thanh toán tiền. “Chứ như hiện nay các nhà khoa học phải đi làm giấy tờ. Rất khổ!” - ông Thịnh nói đồng thời cho rằng, như tư nhân làm thì giảm đi chi phí về thời gian tuân thủ rất nhiều. Sân bay Vân Đồn nếu để nhà nước làm thì mất 6 năm, nhưng tư nhân làm nên chỉ 2 năm là xong. Vậy 4 năm đó xã hội được hưởng lợi vô cùng lớn.
Từ quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ, và môi trường của Quốc hội nêu vấn đề rằng, các nước quy định như thế nào, ưu, nhược điểm quy định của mỗi nước ra sao? Chúng ta đã có nghiên cứu tổng hợp, đúc rút kinh nghiệm gì khi vận dụng xây dựng quy định này trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hay chưa? Các quy định như vậy giới hạn áp dụng cho một địa phương hay trong một lĩnh vực cụ thể? Do đó nên quy định cơ chế, phạm vi, điều kiện, giới hạn theo từng lĩnh vực phù hợp với điều kiện đặc thù, không nên quy định chung để có thể áp dụng tràn lan, dễ sơ hở.