Ứng dụng bảo hiểm số trong khám chữa bệnh: Bệnh viện và người dân cùng hưởng lợi
Dùng căn cước công dân (CCCD) gắn chip thay cho thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh nhanh và thuận tiện.
Đang điều trị bệnh lao nên anh Nguyễn Văn Nam (ở xã Ea K’Ly, huyện K.rông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) thường xuyên phải đi khám và lấy thuốc theo định kỳ. Chính vì vậy, từ khi biết tin đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) chỉ cần sử dụng CCCD làm thủ tục anh Nam rất phấn khởi.
“Với người dân nghèo lại có bệnh như tôi thì thẻ BHYT đã trở thành “vật bất ly thân” tuy nhiên nhiều lúc đến viện khám mới biết quên không mang thẻ bảo hiểm, hơn nữa nhiều lần bị mất phải đi làm lại thẻ BHYT rất mất thời gian. Chính vì vậy, có thể sử dụng thẻ CCCD thay thế BHYT tôi thấy rất thuận tiện” - anh Nam chia sẻ.
Tại Hậu Giang, nói về những tiện ích khi sử dụng CCCD, bảo hiểm số (VssID) trong khám chữa bệnh BHYT anh Nguyễn Hồng Phước (ở khu vực 3, phường I, TP Vị Thanh) cho biết: “Hiện nay, sử dụng thẻ CCCD gắn chip, nhân viên y tế chỉ cần quét mã trên CCCD là tôi được thông báo đến phòng khám bệnh luôn, thời gian chờ đợi được rút ngắn hơn trước nhiều”.
Theo thông tin từ BHXH Việt Nam, tới hết quý I/2024, 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT đã triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip nhằm đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD. Đến nay, đã có hơn 68,5 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD thành công, phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT của người tham gia.
Bà Phạm Thị Kim Ba - Điều dưỡng trưởng Khoa khám bệnh (Bệnh viện đa khoa tỉnh Hậu Giang) cho biết, bình quân mỗi ngày Khoa Khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận từ 400 - 600 người đến khám chữa bệnh. Trong đó, người dân sử dụng CCCD để khám chữa bệnh chiếm 80%. Việc sử dụng CCCD gắn chip khám chữa bệnh không chỉ rút ngắn thời gian chờ đợi cho người dân mà còn giảm giấy tờ, giảm áp lực cho nhân viên y tế. Dù vậy, đến nay, một số người dân vẫn chưa tích hợp đồng bộ thẻ BHYT với CCCD gắn chip. Vì vậy, khi đón tiếp, các nhân viên y tế của bệnh viện sẽ kiểm tra, nếu CCCD chưa được tích hợp BHYT sẽ làm thủ tục khám bệnh thông thường.
Với những tiện ích khi sử dụng CCCD gắn chip trong khám chữa bệnh BHYT, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân - Giám đốc BHXH tỉnh Hậu Giang khẳng định, đây là giải pháp tích cực, góp phần cải cách thủ tục hành chính, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác khám chữa bệnh. Qua đó, không chỉ giúp người dân được tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh BHYT tốt nhất, kịp thời mà còn góp phần thực hiện tốt chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh.
“Hiện nay, 95 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chip, đạt tỷ lệ 100%. Tính đến cuối tháng 3, toàn tỉnh có 1.716.836 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chip phục vụ khám chữa bệnh BHYT, trong đó có 1.488.642 lượt tra cứu thành công” - bà Xuân cho biết.
Đánh giá việc triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD, VssID ông Lê Nguyên Bồng - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, BHXH Việt Nam cho biết, việc tích hợp các loại giấy tờ trong ứng dụng BHXH số - VSSID hay tích hợp trong thẻ CCCD gắn chip giúp thuận tiện trong mọi giao dịch, không chỉ khám chữa bệnh BHYT mà cả khi sử dụng dịch vụ công khác. Nhờ đó, đem lại tiện ích “kép” không chỉ với người dùng mà còn tạo thuận lợi cho ngành BHXH trong việc quản lý, sử dụng và ngăn chặn trục lợi quỹ BHYT.