Dư địa lớn xuất khẩu sản phẩm mây tre đan
Mây tre đan của Việt Nam là nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất trong nhóm lâm sản ngoài gỗ. Hàng mây, tre đan của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các nước EU (chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu), thị trường Hoa Kỳ (chiếm 20%) và Nhật Bản (chiếm hơn 9%).
Nhiều cơ hội vươn ra thị trường thế giới
Đây là nhận định chung của giới chuyên gia khi đề cập đến cơ hội phát triển cho ngành hàng mây, tre đan của Việt Nam. Theo đó, quy mô thị trường tre toàn cầu dự kiến sẽ đạt 82,90 tỷ USD vào năm 2028. Dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 5,7% từ năm 2021 đến năm 2028 với các xu hướng nổi bật. Trong khi đó Việt Nam sở hữu một diện tích nguyên liệu tre rất lớn, lên đến 1,5 triệu héc-ta. Cùng với đó cả nước có khoảng trên 1.000 làng nghề mây, tre đan, chiếm 24% tổng số các làng nghề trong cả nước. Đây sẽ là lợi thế để sản phẩm thủ công mây, tre, cói phát triển trên thị trường thế giới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Việt Nam không chỉ có ưu thế về diện tích trồng tre lớn mà còn sở hữu một số loại cây trồng kinh tế cao như luồng, lùng, trúc sào, lồ ô, bương, tầm vông, tre gai.
Thực tế tại nhiều địa phương nhờ nghề thủ công mây, tre, đan, rất nhiều làng quê đã thực sự thay da đổi thịt. Hiện, nhiều làng thủ công đã áp dụng kỹ thuật mới vào sản phẩm cùng với đó là liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, cuộc sống người dân đã được nâng cao rõ rệt.
Xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa là một ví dụ điển hình. Theo thống kê toàn xã có 1.900 hộ dân, thì có tới 520 hộ làm nghề, với khoảng 1.500 lao động tham gia. Bên cạnh việc làm mới sản phẩm truyền thống, các cơ sở sản xuất còn sáng tạo nhiều sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu của khách hàng như tranh phong cảnh, hoành phi, rèm cửa, chao đèn… dùng để trang trí nội thất. Nhiều sản phẩm mây, tre đan của Hoằng Thịnh đã được xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Năm 2023, thu nhập từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp của xã Hoằng Thịnh đạt 30 tỷ đồng, tăng hơn 10 tỷ đồng so với năm 2022. Từ phát triển nghề truyền thống, nhiều hộ gia đình đã trở nên giàu có, khá giả, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt cao hơn mặt bằng chung của huyện.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), sản phẩm mây, tre, cói, thảm tăng trưởng đều đặn trong đầu năm 2024. Còn theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chung quý I/2024, xuất khẩu nhóm sản phẩm mây tre đan đạt 212,07 triệu USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam xuất khẩu sản phẩm này sang 59 thị trường, trong đó 4 thị trường lớn nhất là: Hoa Kỳ đạt 14,48 triệu USD, tăng 8,4%; Vương quốc Anh đạt 2,75 triệu USD, tăng 30,4%; Nhật Bản đạt 2,26 triệu USD, tăng 3,1%; Tây Ban Nha đạt 2,19 triệu USD, tăng 9,1%...
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Nhận định cơ hội để ngành mây, tre, đan Việt Nam thị phần thị trường thế giới rất lớn, song ông Phạm Quốc Khánh - Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội Tre Việt Nam cho rằng, xuất khẩu sản phẩm mây tre hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Trong khi tổng thương mại mây tre trên toàn cầu đạt trị giá hơn 57 tỷ USD, thì mây, tre đan Việt Nam mới chiếm khoảng 3,37% thị phần thế giới. Trong khi Trung Quốc hiện đang dẫn đầu không chỉ về sản lượng mà còn về năng lực kỹ thuật và chất lượng, chiếm 67% tổng giá trị xuất khẩu tre, nứa trên thế giới.
Chỉ ra nguyên nhân, ông Khánh cho hay, các nhà nhập khẩu quan tâm đến các sản phẩm được tiêu chuẩn hóa về chất lượng, xã hội, môi trường, an ninh… Trong khi đó, có chưa đến 20% doanh nghiệp mây, tre đan của Việt Nam đáp ứng được một số tiêu chuẩn hợp quy. Điều này làm giảm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Cũng theo ông Khánh, không giống như những sản phẩm khác, sản phẩm mây tre đan có đặc thù càng đơn giản càng đẹp và có giá trị. Sự đơn giản của sản phẩm thủ công có giá trị và đẹp hay không cần sự sáng tạo rất lớn từ nghệ nhân. “Với nghề thủ công nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng trong khi đó ở các địa phương các thiếu hụt rất lớn nguồn nhân lực có tay nghề. Liên kết giữa các hiệp hội mây, tre, lá với các doanh nghiệp khác cũng như các hiệp hội thủ công mỹ nghệ còn yếu; công tác xúc tiến thương mại đối với ngành thủ công mỹ nghệ và mây tre đan còn hạn chế, kém hiệu quả. Chúng ta cần sớm giải quyết những nút thắt này để ngành thủ công Việt Nam vươn ra thế giới” - ông Khánh chia sẻ.
Thừa nhận thời cơ lớn cho mây, tre Việt Nam nhưng ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ (Vietcraft) cho rằng, xu hướng tiêu dùng và sử dụng sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã thay đổi, đòi hỏi quy trình sản xuất phải minh bạch, rõ ràng, từ vùng nguyên liệu đến cả quá trình làm ra sản phẩm.
Trên cơ sở đó, doanh nghiệp nên nghiên cứu phát triển, tìm kiếm đối tác thông qua thương mại điện tử. Doanh số hàng nội thất và thủ công mỹ nghệ vẫn tăng trưởng vượt bậc trên không gian này. Vì vậy, đây có thể xem là một hướng đi mới cho doanh nghiệp.