Khi mùa bão đến gần
Theo Chỉ số rủi ro thế giới (WRI) mới được công bố, Philippines là quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất thế giới, sau đó là Indonesia và Ấn Độ. Cụ thể, báo cáo cho thấy Philippines đứng đầu danh sách 10 quốc gia có rủi ro thiên tai cao nhất, với 46,86/100 điểm.
Chỉ số rủi ro thế giới xếp hạng 193 quốc gia và vùng lãnh thổ về nguy cơ gặp thiên tai hoặc dễ bị tổn thương trước các hiện tượng thời tiết cực đoan như động đất, sóng thần, lũ lụt và hạn hán. Philippines được ghi nhận là quốc gia nằm trong Vành đai lửa và Vành đai bão Thái Bình Dương, với 7.109 hòn đảo. Trung bình mỗi năm Philippines hứng chịu 20 cơn bão, trong đó nhiều cơn bão có cường độ mạnh với sức tàn phá lớn.
Trong quá khứ, Philippines từng hứng chịu nhiều siêu bão. Siêu bão Thelma, cướp đi sinh mạng khoảng 5.100 người, vào năm 1991. Tới tháng 11/2013, siêu bão Yolanda sau khi tiến vào Philippines đã lập kỷ lục mới: ảnh hưởng tới hơn 3,4 triệu gia đình, tương đương 16 triệu người. 6.318 người đã chết, 28.689 người bị thương, 1.061 người mất tích.
Sáng sớm ngày 1/11/2020, siêu bão Goni cơn bão có sức gió lên tới 225km/h đã đổ bộ vào Philippines, kéo theo những trận mưa dữ dội, gây ra một loạt vụ sạt lở đất ở Catanduanes và Albay. Nước các con sông tràn bờ phá vỡ một số tuyến đê, nhấn chìm nhiều ngôi làng. Hội đồng Quản lý và giảm nhẹ rủi ro thiên tai quốc gia Philippines cho biết, siêu bão Goni là một cảnh báo khốc liệt cho thấy quốc gia này còn phải chịu nhiều thảm họa thiên tai hơn nữa, khi mà thời tiết ngày càng cực đoan.
Tuy nhiên, trận bão chết chóc nhất trong lịch sử Philippines xảy ra vào năm 1881, cướp đi sinh mạng của khoảng 20.000 người. Đây là một trong những cơn bão nhiệt đới mạnh nhất từng được ghi nhận.
Trong vòng 5 năm qua, mỗi năm có từ 19 triệu đến 31 triệu người Philippines phải chịu ảnh hưởng của bão.
Theo giới khí tượng học, rất có thể mùa hè 2024, cũng có nghĩa là mùa bão biển, Philippines sẽ phải đối mặt với nhiều cơn bão, kể cả siêu bão. Trung tâm Giảm nhẹ thiên tai châu Á (ADRC) cho rằng, nếu như tình hình không được cải thiện thì năm 2024 Philippines sẽ tiếp tục đứng đầu danh sách quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất (sau ghi nhận vào hai năm 2022 và 2023).
Trong khi đó, Cục Quản lý thiên văn, địa vật lý và khí quyển Philippines (PASAGA) dẫn lời Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Philippines Renato Solidum cho rằng, do vùng nước ấm gần hơn trong thời kỳ La Nina nên bão có thể đổ bộ vào đất liền nhanh hơn. Điều đó có nghĩa là thời gian ứng phó mùa bão năm nay sẽ ngắn hơn.
Vậy, tại sao bão đổ bộ vào Philippines với tần suất cao và rất mạnh?
Bão hình thành trên vùng nước ấm, thu được năng lượng khi không khí ấm hấp thụ nước và bốc lên. Khi không khí này bay lên cao, nó lạnh đi, tạo thành các đám mây. Đây được gọi là vùng áp suất cao. Phillippines nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương và gần với đường xích đạo, nơi có không khí ấm và nhiệt độ đại dương thường xuyên cao trên 28 độ C, giúp tăng tốc độ bốc hơi của nước, cho phép tích tụ lượng mưa nhanh hơn. Điều này kết hợp với biến đổi khí hậu làm tăng tần suất xuất hiện của các cơn bão.
Bên cạnh đó, do Philippines nằm ở vị trí phía trên vùng biển rộng mở ở phía đông Thái Bình Dương nên có rất ít "rào cản" để hấp thụ năng lượng của các cơn bão trước khi chúng đổ bộ vào đất liền.
Trên phạm vi toàn cầu trong vòng 240 năm qua, người ta đã ghi nhận nhiều siêu bão có sức tàn phá cực kỳ khủng khiếp, khi tốc độ gió từ 160km/h trở lên.
Trong đó có bão Fifi (năm 1974), khiến hơn 8.000 người ở Honduras thiệt mạng. Bão Mitch (năm 1998), khiến gần 11.000 người ở Trung Mỹ thiệt mạng. Bão Great Hurricane (năm 1780) sau khi quét qua Martinique, Saint Lucia và Eustatius rồi đổ bộ vào quần đảo Lesser Antilles, sau đó tấn công vào Puerto Rico cùng phía đông Hispaniola, ước tính 22.000 người thiệt mạng.
Bão Maria (năm 2017) tấn công Dominica, Saint Croix và Puerto Rico với sức gió 280km/h, ước gây thiệt hại 91,61 tỷ USD. Bão Harvey ở Mỹ (năm 2017), ước thiệt hại 120 tỷ USD. Bão Katrina (năm 2005) quét qua bang New Orleans (Mỹ) và các khu vực lân cận khiến hơn 1.800 người thiệt mạng, tổng thiệt hại lên tới 125 tỷ USD, trở thành “cơn bão tốn kém nhất” trong lịch sử.
Còn trận bão khi đổ bộ vào đất liền có sức gió mạnh nhất được ghi nhận cho tới nay (hơn 300km/h) là siêu bão Tip (năm 1979), càn quét qua Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Mùa bão năm 2024 sẽ "cực kỳ dữ dội", dự báo từ các chuyên gia thời tiết Đại học Colorado (Mỹ). Tiến sĩ Phil Klotzbach cho biết: “Chúng tôi đưa ra dự báo sẽ có 23 cơn bão được đặt tên, 11 bão cuồng phong và 5 cơn bão lớn”.
Ông Klotzbach cũng cho rằng nhiều chỉ dấu cho thấy một mùa bão cực kỳ khốc liệt khi mà nhiệt độ nước Đại Tây Dương nóng và quá trình chuyển đổi sang La Nina khá nhanh. Trong khi đó, Robbie Berg - chuyên gia về bão tại Trung tâm Bão quốc gia Mỹ nói: “Không có gì làm tôi ngạc nhiên nữa vì thực tế chúng ta đã và đang phải tiếp tục đương đầu với thiên tai".