Giải bài toán thiếu điện mùa khô: Khơi thông dòng điện năng lượng tái tạo
Nguồn điện tái tạo, điện mặt trời mái nhà, điện gió... vẫn là kho tiềm năng lớn nhưng còn nhiều vướng mắc về chính sách phát triển nên chưa được khai thác một cách toàn diện, mặc dù doanh nghiệp và người dân đã sẵn sàng để cùng “hòa lưới điện quốc gia”.
Tiêu thụ điện dự kiến lập đỉnh mới
Nắng nóng đến sớm khiến cho việc tiêu thụ điện ngay từ những tháng đầu mùa khô tăng cao đã và đang tạo ra áp lực cho hệ thống điện trên cả nước.
Tại miền Nam, mặc dù mới bắt đầu bước vào cao điểm mùa khô nhưng tình hình cung cấp điện cho hệ thống tại khu vực này đã rất căng thẳng. Theo dự báo, trong tháng 4 và tháng 5/2024 sản lượng tiêu thụ điện cực đại tại TPHCM có thể đạt từ 99 đến 100 triệu kWh/ngày; công suất cực đại đạt gần 4.900MW.
Ở khu vực phía Bắc, theo ông Nguyễn Quốc Trung - Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), trong 3 tháng đầu năm, lượng điện tiêu thụ toàn quốc trung bình 762 triệu kWh/ngày. Trong tháng 4, lượng điện tiêu thụ đã tăng vọt tới hơn 900 triệu kWh/ngày, tăng 11% so với đầu năm.
Với mức độ tăng trưởng như vậy, dự kiến lượng điện sử dụng toàn quốc sẽ đạt đỉnh điểm tới hơn 1 tỷ kWh/ngày trong những ngày nắng nóng nhất từ nay đến tháng 7, tăng hơn 10% so với hiện tại, kéo theo nguy cơ cho hệ thống khi tất cả nguồn điện đã được huy động.
Dự báo nhu cầu sử dụng điện mùa khô năm 2024 tăng đến 13%, riêng miền Bắc dự kiến tăng kỷ lục đến 17% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo tính toán của A0, dự kiến tháng 6, công suất khả dụng của tất cả hệ thống ở miền Bắc chỉ từ 23.900 - 24.500MW trong khi giờ cao điểm tiêu thụ điện lên tới 25.245 - 27.480MW. Đồng nghĩa miền Bắc có thể thiếu hụt khoảng 1.600 - 2.900MW vào giờ cao điểm.
Việc sử dụng điện tăng cao cũng hiển hiện rõ ở mỗi hộ gia đình. Chị Thu Phương (34 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, số điện tiêu thụ cho đến thời điểm ngày 20/4 của gia đình chị đã tăng hơn gấp đôi so với số điện của tháng trước do thời tiết thay đổi, những ngày oi nóng gia đình chị buộc phải sử dụng điều hòa làm mát nên việc tăng số điện là không thể tránh khỏi.
Trước những dự báo về việc gia tăng sản lượng tiêu thụ điện, rút kinh nghiệm trong việc thiếu điện nghiêm trọng xảy ra tại khu vực miền Bắc trong tháng 5 - 6/2023, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan thực hiện mọi giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư xây dựng, vận hành...
Trong đó, ngày 15/4/2024, Thủ tướng đã ký Công điện số 38/CĐ-TTg về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.
Những chính sách của Chính phủ sẽ là “chìa khóa” để giúp kịp thời đáp ứng nhu cầu điện thời gian tới, bảo đảm không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào. Tuy nhiên việc thực hiện của các đơn vị được giao nhiệm vụ cần phải nhanh chóng và quyết liệt hơn, nhất là trong thực hiện Quy hoạch điện VIII, tránh để xảy ra tình trạng thiếu điện nhưng lại thừa nguồn năng lượng tái tạo gây lãng phí tài nguyên.
Điện tái tạo còn nhiều vướng mắc
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024 phê duyệt.
Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...), tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất. Đối với nhiệt điện than, chỉ thực hiện tiếp các dự án đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030.
Nhiều ý kiến đánh giá đây là bước trưởng thành đáng kể về tư duy hoạch định thể chế phát triển năng lượng điện so với Quy hoạch điện VII. Dù vậy, việc dịch chuyển sang sử dụng các nguồn điện từ năng lượng tái tạo vẫn đang rất chậm vì bị vướng mắc bởi chưa có các chính sách, quy định cụ thể trong việc khai thác, bán giá điện... Trong đó, điện khí LNG (LNG - khí thiên nhiên hóa lỏng) gặp không ít khó khăn, thách thức.
Ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 có 23 dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành, trong đó 10 dự án sử dụng khí trong nước, 13 dự án điện sử dụng LNG.
Theo ông Bảo, việc triển khai các dự án điện khí hiện đang gặp các vướng mắc, liên quan đến hợp đồng PPA (xác định các điều kiện mua và bán điện trong một khoảng thời gian cụ thể), bảo lãnh Chính phủ và cơ chế mua LNG.
Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Đấu thầu chưa phù hợp với đặc thù và thông lệ kinh doanh LNG quốc tế. Vì thế, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đề xuất, cần phải có quy định về việc mua LNG cho các dự án nhà máy điện LNG phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ngoài điện khí LNG, điện gió ngoài khơi cũng là nguồn điện quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cũng như quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Thế nhưng việc thúc đẩy các dự án trên thực tế lại không dễ dàng do thiếu các quy định, chính sách, quy hoạch không gian, chính sách giá đối với điện, khiến các nhà đầu tư lấn cấn về giá bán.
Đặc biệt, nguồn điện từ năng lượng mặt trời vốn được coi là thế mạnh tại Việt Nam khi dễ lắp đặt không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho người dân lại đang vướng phải những khó khăn trong quy định tiêu thụ, bán giá điện.
Hiện toàn quốc hơn 103 nghìn dự án điện mặt trời mái nhà với công suất đạt hơn 9.500 MW, trong đó hơn 50% công suất huy động từ các khu công nghiệp. Tuy nhiên thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế. Hiện chưa có khung pháp lý cho phát triển và điều tiết điện mặt trời mái nhà. Quyết định 262/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII mới chỉ tập trung phát triển nguồn điện gió, năng lượng mới. Điện mặt trời mái nhà đến năm 2030 chỉ theo hình thức “tự sản, tự tiêu”. Sau khi kết thúc cơ chế giá điện FIT 1 và FIT 2, trong 3 năm qua (2021-2023) chưa ban hành được chính sách cụ thể cho phát triển điện mặt trời mái nhà.
Đối với các doanh nghiệp, việc tận dụng năng lượng mặt trời thành nguồn điện cho sản xuất hướng tới dây chuyền sản xuất xanh là điều rất cần thiết và quan trọng để hướng tới mục tiêu Net Zero đến năm 2050.
Theo phân tích của ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), với diện tích mái nhà xưởng lớn, nhất là khu công nghiệp rất thuận lợi cho lắp đặt, tiết kiệm chi phí, chủ động nguồn cung năng lượng, tăng khả năng cạnh tranh về giá và đáp ứng yêu cầu "xanh hóa" sản phẩm. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp muốn làm điện mặt trời còn một số khó khăn như điều kiện thời tiết; cơ chế về điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp, khu công nghiệp chưa rõ ràng khiến doanh nghiệp lúng túng vì chưa được đưa vào đối tượng và phạm vi điều chỉnh.
Phó Chủ tịch VITAS đề xuất, các cơ quan đưa ra những quy định dưới Luật cần giải thích rất rõ doanh nghiệp mới triển khai được. Ví dụ: định nghĩa xác định về “tự sản, tự tiêu” trong khu công nghiệp, chủ thể trong các khu công nghiệp để sử dụng điện mặt trời áp mái…
"Nhà nước cần sớm ban hành chính sách tổng thể và hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục đầu tư, lắp đặt, an toàn điện, phòng cháy chữa cháy cho doanh nghiệp, khu công nghiệp thống nhất trong cả nước; sớm có quy định cụ thể cơ chế điều tiết, mua bán, sử dụng điện mái nhà trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Đồng thời, sớm ban hành chính sách thay thế cho cơ chế ưu đãi (giá FIT) đã hết hạn, có cơ chế cho doanh nghiệp trong cùng khu công nghiệp mua bán điện…", ông Cẩm nói.
Tại cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, loại điện mặt trời mái nhà có thể được liên kết và bán phần điện dư lên lưới quốc gia với mức giá theo thời điểm. Tức là, người dân, doanh nghiệp có thể được trả tiền khi bán lượng điện dư thừa lên lưới.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị người dân, doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất khi đầu tư thiết bị lưu trữ và được lắp đặt điện mặt trời mái nhà không theo Quy hoạch Điện VIII.
Để khơi thông cho điện mặt trời, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 165/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về xây dựng, ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp.
Theo đó, việc xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà với mục đích "tự sản, tự tiêu" nhằm từng bước thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch là cần thiết. Bộ Công thương sẽ trình dự thảo nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp trước ngày 25/4.
Ông Phan Công Tiến - Chuyên gia nghiên cứu về thị trường điện và năng lượng tái tạo: Phát triển thị trường kinh doanh điện theo cơ chế tự cân bằng
Hiện cơ chế “tự sản, tự tiêu”, cho kinh doanh điện, thực sự có lợi cho các bên tham gia. Ngược lại nếu cơ chế “tự sản, tự tiêu”, không cho kinh doanh, các cơ quan doanh nghiệp không mặn mà đầu tư, từ đó sẽ dẫn đến hạn chế hiệu quả, gây lãng phí năng lượng trong trường hợp công nghiệp ngừng sản xuất và không dùng điện. Ngoài ra, cơ chế cho bán sản lượng điện dư lên lưới hoặc bán nội bộ trong khu công nghiệp sẽ giúp giá bán lẻ điện của hệ thống cho các nhóm khách hàng sử dụng điện thấp đi, kể cả các nhóm từ sản xuất, sinh hoạt, thương mại, hành chính sự nghiệp…
Về lâu dài cần sửa đổi phương pháp tính giá điện và phát triển thị trường kinh doanh điện theo cơ chế tự cân bằng. Muốn có cơ chế cần bằng, chúng ta cần chuyển đổi nhanh qua giá điện 2 thành phần, và cho phép mở rộng kinh doanh điện ở khâu dùng điện cuối; khi đó tách rõ giá điện dịch vụ phụ trợ, và giá điện lưới phân phối và bán lẻ. Như vậy giá điện cuối cùng khách hàng trả sẽ gồm 2 giá, giá cố định và giá biến đổi (trong giá biến đổi có dịch vụ phụ trợ hay còn gọi dịch vụ cân bằng), giá cố định này là thường chính là giá truyền tải, giá phân phối và giá điện công suất nguồn của các nhà máy truyền thống nằm chờ không phát.
Nếu làm được những điều này sẽ giúp việc chuyển dịch năng lượng công bằng hơn, giúp phát triển các nguồn năng lượng tái tạo dễ dàng hơn, từ đó giúp thu hút các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư phát triển nguồn vào năng lượng tái tạo hiệu quả. Ngoài ra để giúp cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người dân biết về khả năng tích hợp năng lượng tái tạo, tức là biết hệ thống hiện tại và tương lai khả năng hấp thụ được bao nhiêu công suất năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng vào hệ thống điện, cần có báo cáo tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện và công bố công khai hằng năm như các nước đang làm.
TS Ngô Đức Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương): Cần xây dựng Luật Năng lượng tái tạo
Đánh giá tổng thể, cả giai đoạn dài phát triển năng lượng tái tạo thì đến nay có rất nhiều điều đáng bàn. Để phát triển lâu dài và bền vững cho nguồn điện tái tạo thì những năm tới đây cần có Luật Năng lượng tái tạo. Có luật mới thúc đẩy được đầu tư, quyền lợi nhà đầu tư được luật bảo vệ. Còn nếu tình trạng như hiện nay, cơ chế chính sách cho điện tái tạo thay đổi liên tục, lúc rất ưu đãi, lúc lại rất không khuyến khích thì sẽ khiến nhà đầu tư bị động, không tính toán được đường dài. Điều đó cũng sẽ làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư vào chính sách phát triển năng lượng tái tạo.
Luật năng lượng tái tạo này sẽ khác rất nhiều so với Luật Điện lực. Điều này cũng nói rõ, luật cho phát triển năng lượng tái tạo không thể đưa vào quy định chung ở Luật Điện lực, mà cần tách bạch riêng biệt. Đó cũng là kinh nghiệm từ quốc tế. Thời gian tới cần hướng tới thị trường điện, đồng nghĩa với việc giải quyết bài toán truyền tải, do đó, những điểm cần nêu rõ ở Luật này là tư nhân làm sao đi mua đất được, làm truyền tải được. Chẳng hạn, ai giải phóng mặt bằng? Việc xây dựng dự án phải tiến hành ra sao? Quá trình nghiệm thu bàn giao tài sản thế nào… Sau đó, quy định quá trình vận hành ra sao? Hiện nay vận hành là phần khó khăn nhất trong phát triển năng lượng tái tạo. Tới đây, phải có quy định nhà đầu tư tham gia vào công tác vận hành như thế nào, đảm bảo tỷ lệ huy động ra sao?
Nếu rõ ràng, minh bạch được những vấn đề trên trong Luật Năng lượng tái tạo thì nhà đầu tư mới yên tâm bỏ tiền đầu tư. Nhờ đó, chúng ta mới thu hút được tư nhân đầu tư vào phát triển nguồn điện tái tạo khi khả năng tài chính của EVN đang ngày càng cho thấy khó lòng đảm đương được nhiệm vụ này.