Kinh tế

Phát triển thương hiệu kẹo cu đơ Hà Tĩnh

CẨM KỲ 21/04/2024 07:48

Kẹo cu đơ là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hà Tĩnh. Ước tính hiện Hà Tĩnh có khoảng hơn 400 lò kẹo lớn nhỏ, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động.

duoi.jpg
Hà Tĩnh có hàng trăm cơ sở sản xuất kẹo cu đơ, tạo việc làm cho lượng lớn người lao động.

Kẹo cu đơ độc đáo ngay từ tên gọi đến cả nguồn gốc xuất xứ của nó. Có rất nhiều giai thoại và câu chuyện về nguồn gốc của loại kẹo này. Trong đó nổi tiếng nhất là giai thoại về ông Hai, một người trong làng Thịnh Xá (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).

Theo những người lớn tuổi trong làng, ông Cu Hai thực ra có tên là ông Chắt Vy, người con cả trong một gia đình và làm nghề nấu kẹo lạc. Vào thời đó thực dân Pháp đang đô hộ Việt Nam. Khu vực giáp ranh xã Sơn Thịnh có đồn đóng quân của người Pháp, binh lính thỉnh thoảng ghé nhà ông Hai mua kẹo ăn, uống nước chè. Thấy xung quanh ai cũng nhắc tên gia chủ là Hai, họ dịch từ Hai theo tiếng Pháp thành "Deux", phiên dịch từ, sang đọc là “Đơ”. Từ đó kẹo của ông được gọi là “kẹo cu đơ” và lưu truyền cho đến ngày nay.

Người dân Hà Tĩnh xem kẹo cu đơ như là linh hồn của quê hương, vừa giản dị, chân phương lại ngọt ngào tình quê. Kẹo cu đơ là nhịp cầu kết nối những người con xa xứ với mảnh đất nơi “chôn rau cắt rốn”.

Chị Trần Thị Huyền - chủ thương hiệu cu đơ Lệ Phương (đường tránh QL1, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, gia đình chị đã 3 đời làm nghề sản xuất kẹo cu đơ. Tuy là món kẹo quê dân giã, nhưng nghề làm cu đơ cũng có nhiều công đoạn.

Trước tiên phải chọn mật mía nguyên chất, vàng óng. Rồi lạc phải là loại lạc nhỏ hạt, không bị lép hay mốc, không được để trầy hết vỏ lụa ngoài của lạc.

Cuối cùng là bánh tráng - khuôn làm bánh nhỏ hơn kiểu bánh thường, chuyên dành làm kẹo; bánh tráng có các mép quăn đều, lõm giữa, khi nướng không được để nứt, thủng, vỡ và phải chín đều.

“Điều quyết định chiếc kẹo cu đơ ngon chính là kỹ thuật nấu. Mật được đun thật sôi, cho một ít gừng thái nhỏ và lạc rang vào rồi khuấy đều để lạc không bị chìm xuống đáy nồi và bị cháy. Cứ khuấy đều tay đến khi nào ngửi thấy mùi thơm, người thợ làm kẹo sẽ dùng đũa lấy một ít mật nhỏ vào nước lạnh, nhìn thấy giọt mật rơi vào nước không bị bẹp và không tan loãng ra là đạt yêu cầu”, chị Huyền chia sẻ.

Từ cách nấu thủ công, gia đình chị Huyền đã dần dần đưa kỹ thuật, công nghệ vào quy trình chế biến bằng các loại máy móc hiện đại như: máy xay gừng, máy khuấy kẹo, nồi áp suất điện, bộ đóng gói sản phẩm…

Sự đầu tư bài bản trong sản xuất không chỉ giúp cơ sở tiết kiệm công sức, thời gian chế biến mà còn thể hiện tư duy đổi mới, sáng tạo không ngừng nghỉ của người con hết lòng yêu nghề, giữ nghề. Hiện nay, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất từ 200 - 300 miếng cu đơ; mỗi năm hơn 60.000 sản phẩm. Mức giá dao động từ 10.000 -20.000 đồng/miếng.

Cũng như thương hiệu kẹo cu đơ Lệ Phương, nhiều hộ đã mạnh tay đầu tư cơ sở vật chất, cải tiến kỹ thuật để kẹo sản xuất nhanh hơn, chất lượng hơn. Rất nhiều hộ gia đình đã xem kinh doanh nghề kẹo cu đơ như một nghề chính. Cả tỉnh Hà Tĩnh hiệu có khoảng hơn 400 lò kẹo lớn nhỏ, thu hút lượng lao động lớn, nổi bật với nhiều thương hiệu tên tuổi như: Cu đơ Thư Viện, Cầu Phủ, Hương Sơn, Công Thảo, Thu Chiến, Thanh Hạnh, Phong Nga…

CẨM KỲ