Giám sát - Phản biện

Sinh viên mòn mỏi chờ cấp bằng nghề

Phương Thanh 22/04/2024 08:35

Được đào tạo theo chương trình chuyển giao của Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức, thế nhưng dù khóa học đã hoàn thành được 1 năm nhưng sinh viên theo học nghề Điện tàu thủy tại Trường cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương II (huyện An Dương, TP Hải Phòng) vẫn chưa được thi tốt nghiệp.

anh-bai-tren(1).jpg
Trường cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương II (huyện An Dương, TP Hải Phòng). Ảnh: Phương Thanh.

Mỏi mòn chờ thi tốt nghiệp

Từ năm 2019, 45 trường nghề trên địa bàn cả nước được tuyển sinh, đào tạo thí điểm 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế chuyển giao từ Đức theo Quyết định số 934 ngày 18/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trường cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương II là 1 trong 3 trường cao đẳng tại Hải Phòng được chọn đào tạo nghề Công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy và Điện tàu thủy. Mỗi nghề, Trường tuyển sinh 1 lớp, mỗi lớp 16 sinh viên. Sau thời gian học 3,5 năm, sinh viên được đánh giá kết quả đầu ra. Nếu đạt yêu cầu, sinh viên được cấp 2 bằng: Bằng tốt nghiệp của Đức (tương đương với trình độ bậc 4 theo khung trình độ quốc gia Đức) và Bằng tốt nghiệp cao đẳng của Việt Nam do trường tổ chức đào tạo cấp.

Nguyễn Văn Đông (24 tuổi, lớp Điện tàu thủy K13, trú tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) cho biết: “Chúng em bắt đầu nhập học từ tháng 11/2019 và đến tháng 4/2023 thì hoàn thành chương trình học. Để theo học lớp thí điểm, chúng em phải nỗ lực rất nhiều bởi yêu cầu của chương trình đào tạo rất bài bản và khắt khe. Ngoài kiến thức chuyên môn, chúng em phải dành nhiều thời gian học ngoại ngữ để đáp ứng “đầu ra” của chương trình”.

Thế nhưng, một năm đã trôi qua, sau khi đã hoàn thành khóa học đào tạo nghề trọng điểm về Điện tàu thủy, các sinh viên vẫn chưa được thi và cấp bằng tốt nghiệp. Trịnh Đức Hùng (24 tuổi, lớp Điện tàu thủy K13, trú tại huyện An Lão, Hải Phòng) bộc bạch: “Cả lớp, ai cũng như “ngồi trên đống lửa”. Chờ đợi suốt 1 năm qua nên có bạn đã đi xuất khẩu lao động, phần còn lại đi xin việc làm tạm thời. Nếu không được cấp bằng của Đức, em mong sớm nhận được bằng của Việt Nam để có cơ hội tìm kiếm việc làm trong doanh nghiệp lớn. Mất gần 4 năm theo học, nếu “trắng tay” thì quả thật chúng em quá thiệt thòi”.

Ngoài ngành Điện tàu thủy, tháng 4/2021, Trường cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương II tiếp tục tuyển 16 sinh viên theo học ngành Công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy, theo chương trình chuyển giao của Đức. Tuy nhiên, Nhà trường chưa được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ký hợp đồng đào tạo nên gặp khó khăn như thiếu kinh phí mua trang thiết bị, vật tư phục vụ học tập và đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên theo quy định của dự án.

Bộ đưa ra giải pháp tình thế?

Ông Nguyễn Duy Vinh - Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương II cho biết: Tiêu chuẩn để được xét tuyển hoặc thi tuyển các nghề thí điểm chuyển giao từ CHLB Đức khá cao. Cụ thể, khi dự tuyển học sinh phải tốt nghiệp THPT trở lên; có hạnh kiểm từ khá trở lên; ưu tiên học sinh có học lực khá trở lên trong năm học lớp 12. Chương trình ưu tiên học sinh có khả năng ngoại ngữ bởi trong giai đoạn học chuyên ngành, sinh viên được học tiếng Đức hoặc tiếng Anh. Kết thúc khóa học, sinh viên phải đạt được trình độ ngoại ngữ B1 theo khung tham chiếu châu Âu.

Ngoài ra, các trường đào tạo các nghề được chuyển giao là những đơn vị được ưu tiên đầu tư để trở thành trường nghề chất lượng cao vào năm 2025, đội ngũ giáo viên giảng dạy các lớp nghề được bồi dưỡng đào tạo tại Đức 5 tháng. Sinh viên tham gia theo học chương trình của Đức được miễn học phí, chỉ nộp học phí cho chương trình đào tạo của Việt Nam. Chất lượng “đầu ra” tốt, 100% sinh viên tốt nghiệp chương trình thí điểm sẽ được doanh nghiệp tiếp nhận và có việc làm ngay.

Dù đã đạt yêu cầu 3 “tốt” (trường tốt, thầy tốt, trò tốt), tuy nhiên, ông Vinh thừa nhận: Đã 1 năm kể từ khi các sinh viên lớp Điện tàu thuỷ K13 kết thúc chương trình đào tạo nhưng đến nay, các em chưa được tổ chức thi tốt nghiệp và cấp bằng theo lộ trình.

Hội đồng thi tốt nghiệp của nghề thí điểm là Hội đồng thi quốc gia, trong đó có: Doanh nghiệp, các chuyên gia Đức, các thầy cô giảng dạy. Tuy nhiên, trước khi tốt nghiệp, nhà trường có nhận được văn bản của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thông tin: Trong quá trình tổ chức đào tạo thí điểm 22 nghề chuyển giao từ Đức có phát sinh một số khó khăn, vướng mắc bất khả kháng nằm ngoài sự kiểm soát của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và đang chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý…

Dù nhà trường đã có nhiều văn bản gửi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp kiến nghị hướng dẫn đơn vị trong công tác đào tạo, tổ chức thi tốt nghiệp hoặc hướng dẫn để chuyển lớp Công nghệ chế tạo vỏ tàu thuỷ sang chương trình đào tạo của Việt Nam. Tất cả phụ huynh và sinh viên đều mong muốn duy trì khóa học để hoàn thành chương trình đào tạo và được dự thi tốt nghiệp.

Mới đây, ngày 15/4, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp có văn bản gửi các trường đào tạo thí điểm 22 nghề chuyển giao từ Đức đánh giá tương thích chương trình chuyển giao từ Đức để cấp bằng Việt Nam. Ngay sau khi nhận văn bản, Trường cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương II đã thành lập hội đồng chuyên môn theo từng nghề và tổ chức đánh giá tính tương thích của chương trình chuyển giao để đề xuất cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng của Việt Nam cho sinh viên tham gia đào tạo thí điểm.

Như vậy, sinh viên theo học chương trình thí điểm này chưa biết đến bao giờ và chưa biết có được cấp bằng tốt nghiệp nghề quốc tế như kỳ vọng ban đầu hay không?

Phương Thanh