Eo biển Hormuz bất an, giá dầu tăng
Tiếp sau những đòn “ăn miếng trả miếng” giữa Israel và Iran, tình hình Trung Đông tiếp tục nóng. Đặc biệt, giới quan sát bày tỏ lo ngại về sự bất ổn có thể xảy ra tại eo biển Hormuz - “cửa ngõ vàng đen” của thế giới.
Ông Jonathan Panikoff - Giám đốc Sáng kiến an ninh Trung Đông thuộc Hội đồng Đại Tây Dương nhận định trên trang web Atlanticcouncil.org, khó có thể xảy ra chiến tranh trên diện rộng ở Trung Đông, nhưng nó có thể trở nên cực kỳ nguy hiểm nếu như có bất cứ động thái nào nhằm kiểm soát eo biển Hormuz.
Carmiel Arbit - thành viên cấp cao của Chương trình Trung Đông cũng cho rằng, nếu xung đột lợi ích diễn ra ở eo biển Hormuz thì rất có thể bạo lực sẽ leo thang và lan rộng.
Trong khi đó, tướng Alireza Tangsiri, tư lệnh tác chiến trên biển của Lực lượng Vệ binh Iran (IRGC) tuyên bố có thể sẽ phong tỏa eo biển Hormuz để đáp trả nếu an ninh quốc gia bị đe dọa.
Eo biển Hormuz nằm giữa Iran và Oman, là cửa ngõ Vùng Vịnh và Ấn Độ Dương. Khoảng 1/5 sản lượng dầu thô và sản phẩm hóa dầu của thế giới đi qua eo biển này, biến nó thành một trong những tuyến huyết mạch hàng hải quan trọng nhất thế giới. Iran từng bắt một số tàu dầu đi qua eo biển Hormuz hồi tháng 4 và tháng 5/2023 với cáo buộc vi phạm pháp luật nước này. Ngay sau đó, Mỹ đã điều thêm chiến hạm và binh sĩ tới khu vực.
Đáng chú ý, trước những lo ngại từ việc gia tăng căng thẳng tại eo biển Hormuz, giá dầu lập tức leo thang. Giới tài chính nhận định giá dầu có thể vượt mốc 100 USD/thùng nếu những ngòi nổ xung đột vũ trang không được tháo gỡ. Ở thời điểm Iran tấn công Israel (đêm 13/4), giá dầu Brent ở mức 81 USD/thùng. Ngay sau đó, giá bắt đầu nhích lên 83 USD/thùng. Tới ngày 20/4, đã lên tới 87,42 USD/thùng, theo ghi nhận của Oilprice. Và ngày 21/4, giá dầu lên tới 90,13 USD/thùng.
Iran sở hữu trữ lượng dầu khổng lồ và là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba tại Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), gồm 13 quốc gia. Theo ông Andy Lipow - Chủ tịch Hiệp hội dầu Lipow, bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào cơ sở sản xuất và xuất khẩu dầu tại Iran đều có thể đẩy giá dầu thô Brent lên 100 USD. Còn nếu eo biển Hormuz bị đóng sẽ đẩy giá lên tầm 120 - 130 USD.
Cùng chung nhận định, ông Josh Young - Công ty Bison Interests (Australia) cho rằng, nguồn cung dầu thô toàn cầu đang trở nên dễ bị tổn thương. Nếu như eo biển Hormuz đóng cửa, thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ lập tức xáo trộn. Trong trường hợp điều đó kéo dài thì trong vòng 1 năm, giá dầu thô sẽ vọt lên ở mức cao nhất mọi thời đại: khoảng 140 USD/thùng.
Kể từ năm 2008, eo biển Hormuz cũng từng nhiều lần bị phong tỏa, khiến việc vận chuyển của tất cả các loại tàu thuyền gặp khó khăn. Tuyến hàng hải kết nối Vịnh Persian với Vịnh Oman, Biển Ả Rập và Ấn Độ Dương bị đình trệ. Vịnh Persian được bao quanh bởi một số quốc gia sản xuất dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, gồm Iran, Iraq, Kuwait, Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Tất cả tàu chở dầu của những quốc gia này đều phải đi qua eo biển Hormuz.
Vì thế, eo biển Hormuz còn được gọi là “cửa ngõ vàng đen” của thế giới. Theo Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), vào năm 2016, eo biển Hormuz đã đạt mức kỷ lục với khoảng 18,5 triệu thùng dầu thô vận chuyển qua đây mỗi ngày. Bên cạnh dầu thô, eo biển Hormuz cũng là con đường giao thương quan trọng đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Qatar - nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới đã cung ứng 30% nhu cầu LNG của thế giới thông qua eo biển Hormuz cũng trong năm 2016.
Điểm đến hàng đầu của dầu thô được vận chuyển qua eo biển Hormuz là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Singapore. Do đóng vai trò vô cùng quan trọng nên bất cứ sự phong tỏa hay tắc nghẽn nào tại eo biển Hormuz cũng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với châu Á mà còn là cả nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, việc đóng của eo biển Hormuz (nếu xảy ra) cũng khiến kinh tế Iran gặp khó khăn. Vì thế, khả năng Iran đóng cửa eo biển này dẫu có thì cũng rất thấp. Nhà phân tích Mark Sleboda nói rằng, trong trường hợp đó chẳng khác nào tự “chặt chân mình”, khi mà 85% hàng hóa nhập khẩu và phần lớn lượng dầu xuất khẩu của Iran đều qua eo biển Hormuz.
Tháng 8/2018, tờ Le Point của Pháp đăng bài viết có tiêu đề: “Hormuz - eo biển làm rung chuyển thế giới”. Hormuz là eo biển có tầm chiến lược quan trọng. Với chiều rộng 36km tại điểm hẹp nhất, chiều dài 50km và độ sâu không quá 60m, eo biển này còn được coi là “van dầu” của thế giới, do Iran kiểm soát là chủ yếu. Mỗi ngày có khoảng 100 tàu chở dầu (khoảng 21 triệu thùng dầu thô) đi qua eo biển này cùng với một lượng lớn khí tự nhiên hóa lỏng. Ông Francis Perrin - Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) khẳng định, với tầm quan trọng đặc biệt, Hormuz là eo biển mà thế giới bằng mọi cách phải duy trì cho được sự bình yên.