Góc nhìn Đại Đoàn Kết

“Hồi sinh” văn hóa đọc

Nam Việt 22/04/2024 09:41

Tháng 4, cùng với Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) còn có Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4), đều nhằm mục đích tôn vinh văn hóa đọc. Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay nhiều địa phương tổ chức khá rầm rộ, mong muốn tạo cú hích xây dựng một “xã hội đọc sách”. Tuy nhiên đó là việc rất khó khăn khi thói quen đọc sách đang dần rời xa.

Năm 2013, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Thư viện Việt Nam từng đưa ra nhận xét việc lười đọc sách, ngại đọc sách và sự phai nhạt thói quen đọc sách của công chúng là có thật. Tới năm 2022, Trung tâm Nghiên cứu xuất bản và giáo dục IPER lại dẫn một khảo sát cho thấy: Nước ta có 30% số người đọc sách thường xuyên; 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Trong khi đó, khảo sát của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường về việc sử dụng thời gian rảnh để làm việc gì là chủ yếu, thì có đến 41,7% số người trẻ trả lời là lên mạng; 20% xem phim; 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% trả lời là đọc sách.

Một thống kê mới nhất cũng cho thấy, người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách/người/năm (tức là chưa được 1 cuốn sách).

Như vậy, có thể thấy thói quen đọc sách đã gần như biến mất. Trước hết là do sự phát triển vũ bão của công nghệ nên con người có nhiều nguồn “bồi bổ tâm hồn” cũng như tìm kiếm tri thức, ngoài sách. Kế đến là việc trong mỗi gia đình cũng như nhà trường, người lớn ít khi “động viên” trẻ em đọc sách; phớt lờ chuyện trước nay nhân loại vẫn coi sách là sản phẩm văn hóa tinh thần, là kho tàng tri thức quan trọng, là người thầy vĩ đại dạy cho con người cách sống, cách làm người, hướng tới những giá trị nhân văn cao cả.

Trong bối cảnh đó, rất mừng là một số địa phương đã cố gắng gây dựng lại thói quen đọc sách, bằng những việc làm cụ thể. Tại tỉnh Thái Bình, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay diễn ra thực chất với thông điệp “Sách hay cần bạn đọc” và “Tặng sách hay - Mua sách thật”. Tỉnh Thái Bình hiện có gần 7.270 tủ sách lớp học; 478 thư viện trường học. Địa phương rất ý thức xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường; từ đó hình thành và nuôi dưỡng thói quen đọc sách.

Tuy nhiên, xã hội phát triển thì con người cũng không thể “đứng yên”. Văn hóa đọc cần gắn với chuyển đổi số, từ đó mới có thể đưa sách đến với nhiều người đọc hơn. Nói như Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị triển khai công tác Xuất bản và Phát hành xuất bản phẩm năm 2024, thì xuất bản sẽ phải hoạt động đồng thời ở cả hai không gian. Không gian cũ với sự trợ giúp của công nghệ mới sẽ được mở rộng, nâng cao chất lượng và năng suất lao động. Còn không gian mới - không gian mạng, sẽ giúp cho xuất bản mở rộng thị trường, tạo ra các sản phẩm mới, tạo ra sự phát triển trong dài hạn. Hai không gian này không hoạt động độc lập mà bổ trợ: chỗ nào, cái nào online tốt hơn thì hãy online và ngược lại.

Đó là phương cách và kỳ vọng. Nhưng, vấn đề còn có một khía cạnh khác “tế nhị”. Đó là thiếu sách hay, chỉ nói riêng về tác phẩm văn học.

Đường Nguyễn Xí được coi là “thủ phủ sách” của Hà Nội. Ở đó cơ man là sách. Nhưng phần lớn là văn học dịch, từ “ngũ đại danh tác” của Trung Quốc, gồm Thủy hử, Tây du ký, Tam quốc diễn nghĩa, Hồng lâu mộng và Kim Bình Mai; cho đến dòng văn học “vết thương” sau này cũng như văn học hiện thực huyền ảo Mỹ-Latin, những cuốn bestseller ăn khách tại thị trường Bắc Mỹ... Trong khi đó, các tác phẩm của tác giả Việt Nam khá hiếm hoi.

Riêng về mảng sách cho thiếu nhi, ngoài tác giả nổi bật thời gian qua là Nguyễn Nhật Ánh, thì cũng khó thấy một đội ngũ nhà văn viết cho thiếu nhi. Trong khi, trước đó, văn học thiếu nhi Việt Nam cực sáng chói với nhiều tác giả tên tuổi, trong đó có thể kể đến Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Đoàn Giỏi, Võ Quảng, Vũ Tú Nam, Xuân Quỳnh, Phạm Hổ, Trần Đăng Khoa... Thật đáng trân trọng khi ở giai đoạn sung sức nhất của nghiệp viết, họ đã dành ưu ái rất lớn cho thiếu nhi bằng những trang viết chan chứa yêu thương.

Hình thành văn hóa đọc, nuôi dưỡng tình yêu sách chính là từ đối tượng độc giả nhỏ tuổi. Các em đang chờ những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống của chính các em. Vẫn thường nghe, văn học thiếu nhi là mảnh đất màu mỡ. Vấn đề là người lớn có gieo mầm trên mảnh đất đó hay không. Không gieo hạt, không trồng tỉa thì sẽ không có mùa màng. Nếu vậy, biết đến bao giờ vẻ đẹp văn hóa đọc mới “hồi sinh”?

Nam Việt