Quốc hội

Ngăn chặn từ gốc tai nạn giao thông

H.Vũ 22/04/2024 09:42

Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2023 toàn quốc xảy ra 22.067 vụ tai nạn giao thông, làm chết 11.628 người, bị thương 15.292 người. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ giảm 1.285 vụ (-5.5%), giảm 1.922 người chết (-14.18%), tăng 660 người bị thương (+4.51%). Trong đó, đường bộ xảy ra 21.880 vụ, làm chết 11.498 người, bị thương 15.255 người.

anh-bo-sung-bai-duoi-trang-2.jpeg
Cảnh sát giao thông Hà Nội làm nhiệm vụ. Nguồn: HNM.

Dẫu giảm về số vụ, số người chết song vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người. Do đó kéo giảm, và đảm bảo trật tự an toàn giao thông là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Vì thế việc xây dựng và ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (do Bộ Công an chủ trì soạn thảo) xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông.

Hiện dự thảo Luật đang được hoàn thiện, chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới. Trong đó có nhiều quy định mới, nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội và các ĐBQH nhằm ngăn chặn xảy ra tai nạn giao thông từ “gốc”. Ví như: quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; quy định về bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông đường bộ; bổ sung quy định về Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ; bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe.

Cơ quan thẩm tra Luật giải trình: Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo xây dựng dự thảo Điều 57 về điểm của Giấy phép lái xe. Quy định này sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe. Người lái xe vi phạm ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe và trong thời hạn 12 tháng không bị trừ điểm khi đang còn điểm sẽ được phục hồi đủ 12 điểm. Trường hợp bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm. Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm bị trừ điểm giấy phép lái xe, thẩm quyền trừ điểm, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm, phục hồi giấy phép lái xe. Vấn đề trên đã nhận được sự nhất trí từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh đó, tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã bổ sung quy định lập Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ nhằm hỗ trợ, khắc phục hậu quả tai nạn và giảm phụ thuộc vào ngân sách.

Theo đánh giá của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, việc thành lập Quỹ này phù hợp với nhu cầu thực tiễn khi nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ, góp phần giảm thiểu các thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra. Nguồn kinh phí xã hội hóa nhằm kịp thời hỗ trợ cho các nạn nhân, gia đình nạn nhân do tai nạn giao thông đường bộ gây ra; hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tổ chức, cá nhân tham gia tuyên truyền giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ mà không được Nhà nước bảo đảm kinh phí.

Về vấn đề trên, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên nêu quan điểm, bên cạnh Quỹ giảm thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ thì cần quan tâm đầu tư vào việc bảo đảm cho trật tự an toàn giao thông đường bộ. “Khắc phục tai nạn giao thông có nhiều vấn đề nhưng trước tiên cần quan tâm đến hạ tầng giao thông như tiêu chuẩn đường cao tốc phải có từ 4 làn xe. Rồi trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông”- ông Liên nói.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, Luật cần có các chế định, quy định để ngăn chặn xảy ra tai nạn giao thông như cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; quy định về bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông. Tuy nhiên cần quan tâm đến yếu tố đảm bảo để tổ chức thực thi Luật một cách tốt nhất, theo nguyên tắc mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh đúng theo quy định của pháp luật. “Hai vấn đề đó có vai trò quan trọng như nhau. Nếu chỉ có chế định, chế tài nghiêm mà tổ chức triển khai thực hiện không nghiêm sẽ dẫn tới việc “nhờn luật”, luật đi vào cuộc sống một cách “nửa vời” thì không phát huy được hiệu quả của pháp luật”- ông Quyền nêu rõ.

H.Vũ