Dấu hiệu giá cả leo thang
Trong khi thu nhập ngày càng khó khăn thì nhiều mặt hàng thiết yếu rục rịch “leo thang”, trong đó, giá lương thực, thực phẩm tăng rõ rệt.
Giá hàng hóa lại rục rịch tăng
Sau một vòng ra chợ và trở về nhà với các loại rau, củ, quả, thịt, trứng... chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (Lê Văn Lương, Hà Nội) chia sẻ: “Đi một vòng chợ thấy cái gì cũng tăng. 170.000 đồng/kg sườn, 15.000 đồng/kg bún… Cầm 500.000 đồng chỉ mua được lèo tèo vài thứ”.
Còn bà Hoàng Hồng Hạnh (CT1 – Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội) thì cho biết, mỗi ngày đi chợ mua nước dừa cho cháu uống là thấy một giá khác nhau. Chỉ trong 3 ngày liên tiếp giá dừa tăng từ 22.000 đồng lên 25.000 đồng/quả.
“Giá cả thị trường vẫn luôn chạy trước lương của người lao động, nhất là lương hưu, lương của cán bộ công chức. Khi lương điều chỉnh một mà giá tăng lên 2-3 lần thì đời sống sẽ khó khăn hơn. Do vậy, nhà nước cần có chính sách bình ổn giá để việc tăng lương đem lại nhiều ý nghĩa cho người lao động” – bà Hạnh bày tỏ.
Còn anh Mạnh Hùng (Vĩnh Tuy – Hà Nội) thì chia sẻ: Trước đổ 100.000 đồng tiền xăng thì đi được gần 1 tuần nhưng bây giờ chỉ đi được 3 - 4 buổi, xăng đắt lên thì công vận chuyển cũng đắt lên… thu nhập bây giờ thì khó mà chi phí cái gì cũng tăng.
Theo đại diện Tổng cục Thống kê, hiện có nhiều thách thức trong việc điều hành giá như: bất ổn chính trị tại nhiều khu vực, quốc gia trên thế giới đang tiềm ẩn rủi ro tạo nên cú sốc cho lạm phát của thế giới khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao trong khi tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp (DN) và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, đồng USD liên tiếp tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.
Trong khi đó, ở trong nước, giá cả nhiều nhóm hàng cũng sắp đến kỳ điều chỉnh như: giá dịch vụ y tế, học phí, giá điện có thể tiếp tục tăng trong bối cảnh nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đang ở mức cao. Đặc biệt, việc cải cách tiền lương và tăng lương tối thiểu sẽ kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong gia đình tăng lên.
Nhiều ý kiến cho rằng, các DN, đơn vị sản xuất trải qua thời gian dịch bệnh kéo dài, giá xăng dầu lại liên tiếp tăng đã đẩy chi phí sản xuất lên cao. Muốn giảm giá thành sản phẩm, các DN, đơn vị cũng phải tính toán lại toàn bộ các chi phí khác mà không chỉ riêng giá xăng dầu.
Nỗ lực ổn định mặt bằng giá
Lạm phát tăng trong bối cảnh kinh tế còn chưa hồi phục hoàn toàn, nhiều DN vừa quay trở lại hoạt động thì lại phải gồng mình xoay xở trước sự tăng giá của giá nhiên liệu và nguyên vật liệu. Để có thể duy trì hoạt động, DN buộc phải tăng giá hàng hóa dịch vụ và đứng trước rủi ro sụt giảm doanh thu do nhu cầu người dân giảm khi giá tăng. Trước tình hình đó, nhiều kiến nghị đã được đưa ra nhằm kiềm chế đà tăng của lạm phát.
Từ 1/7 tới, tăng lương cho người lao động. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, giá và lương có quan hệ với nhau hết sức chặt chẽ. Khi lương tăng, giá cả hàng hóa ổn định thì tiền lương tăng mới có giá trị với người lao động. Vì vậy, Nhà nước phải kiểm soát được lạm phát, nhất là giá cả các mặt hàng thiết yếu.
Theo Bộ Tài chính, trong tháng 4 này, Bộ đã giao Cục Quản lý giá tiếp tục triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá cả thị trường, hàng tháng cập nhật kịch bản điều hành giá báo cáo lãnh đạo Bộ. Với các mặt hàng thiết yếu khác do Nhà nước quản lý như y tế, giáo dục thì lộ trình điều chỉnh giá cũng đã được đặt ra, nên kỳ vọng sẽ giảm bớt ảnh hưởng đến công tác kiểm soát lạm phát.
Đáng chú ý, vừa qua Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thông báo điều chỉnh giảm giá bán sách giáo khoa tái bản lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11; xây dựng giá bán sách giáo khoa các lớp 5, 9 và 12 (xuất bản năm đầu tiên) theo cơ cấu giá đã giảm của sách giáo khoa tái bản trong năm học 2024-2025.
Trong văn bản trả lời cử tri mới đây liên quan đến điều hành giá và thực hiện bình ổn giá thị trường, Bộ Tài chính nêu rõ, Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. Nhà nước chỉ gián tiếp tác động vào sự hình thành và vận động giá các mặt hàng trên qua các biện pháp kinh tế vĩ mô và sử dụng biện pháp bình ổn giá khi giá các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá có biến động bất thường về giá hoặc khi mặt bằng biến động làm ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Nhà nước thực hiện quản lý và điều hành giá theo quy định của pháp luật thông qua việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra... góp phần tạo mặt bằng giá ổn định.