Xã hội

Quảng Nam: Hiệu quả khi lao động miền núi xuất ngoại

Tấn Thành, Chí Đại 23/04/2024 11:31

Tại Quảng Nam, xuất khẩu lao động đã đem lại hiệu quả trong việc giảm nghèo bền vững, nhất là ở miền núi. Do đó, các huyện tích cực phối hợp với các công ty, đơn vị tăng cường công tác tuyển dụng, đào tạo đưa lao động xuất ngoại. Phấn đấu năm 2024 đưa 400 lao động sang Lào làm việc.

lao-dong-2-3294b0c681a173263a9a4331f766de0d.jpg
Các đơn vị ký kết tăng cường hợp tác tuyển dụng, đào tạo nguồn lao động sang làm việc tại Lào.

Đẩy mạnh lao động xuất ngoại

Theo UBND huyện Đông Giang, toàn huyện có 15.000 người trong độ tuổi lao động. Năm 2023, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với Trường Cao đẳng THACO tăng cường công tác tuyển dụng, đào tạo, đưa người lao động sang Lào làm việc, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Còn tại huyện Nam Giang, Phòng LĐTBXH cho biết, huyện có 20.549 người trong độ tuổi lao động, trong đó có hơn 17.000 lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình đồi núi nên cuộc sống người dân rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo hơn 35%. Đến năm 2022, Trường Cao đẳng THACO có chương trình tuyển dụng lao động đi làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại Lào, ưu tiên cho lao động ở các huyện miền núi đã mở ra cơ hội cho người lao động ở Nam Giang.

lao-dong-4.jpg
Đưa lao động sang Lào làm việc.

“Lúc đầu, việc vận động người dân đăng ký tham gia xuất khẩu lao động qua Lào không hề dễ dàng. Nhiều người sợ đi làm xa, sợ bị lừa. Cán bộ của phòng phải phối hợp với chính quyền địa phương xuống từng thôn bản, đến từng nhà để vận động. Cùng với đó, những lao động ở Lào gửi tiền về xây dựng cuộc sống gia đình ổn định. Dần dần bà con hiểu ra và đã tham gia đăng ký đi xuất khẩu lao động”, một lãnh đạo Phòng LĐTBXH huyện chia sẻ.

Cụ thể, huyện Nam Giang năm 2022 có 35 người sang làm việc tại Lào thì năm 2023 có 112 đăng ký tham gia. Trong quý I/2024, huyện có 39 lao động đào tạo tại Trường THACO để đưa sang Lào làm việc.

Bà Đỗ Thị Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm - Sở LĐTBXH cho biết, thời gian qua UBND tỉnh, Sở LĐTBXH đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyển dụng, đưa lao động miền núi đi làm việc ở nước Lào, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Trung tâm tập trung xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp với Trường Cao đẳng THACO, Phòng LĐTBXH các huyện miền núi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đưa lao động đi làm việc cho các nông trường ở Lào. Trong năm 2022 và 2023, tuyển dụng 216 lao động và quý I năm 2024 tuyển dụng 56 lao động đã sang Lào làm việc. Năm 2024 các địa phương phấn đấu thực hiện 400 chỉ tiêu lao động sang Lào làm việc.

lao-dong-3-3d88ec968bd24eba0b571b9aa391b0a2.jpg
Quang cảnh Lễ xuất quân đi lao động nước ngoài.

Hiệu quả khi lao động xuất ngoại

Qua tìm hiểu, những lao động qua Lào làm việc tại các nông trường được trả mức lương từ 7 đến 10 triệu đồng/1 tháng/người, từ đó cuộc sống gia đình của họ được ổn định, góp phần giúp địa phương giảm nghèo bền vững.

Anh Alăng Hương (1985, trú xã La Dêê, huyện Nam Giang) nói: “Gia đình tôi đông con, quanh năm lao động vất cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Khi địa phương vận động sang Lào làm việc tôi quyết định đăng ký. Sau 2 tháng đào tạo kỹ thuật trồng chuối, tôi được đưa sang nông trường bên Lào làm việc. Tôi đã nhận lương 9 triệu đồng/tháng gửi về cho vợ con. Giờ đây tôi đã xây được căn nhà cấp 4 và sắm tivi, vật dụng trong nhà, lo con cái ăn học. Sau đợt nghỉ phép này, tôi lại sang Lào tiếp tục làm việc”.

Còn anh ZơRân Hồng Linh (1996, trú xã Đắc Tôi, huyện Nam Giang) là 1 trong 56 lao động chuẩn bị sang Lào làm việc. Anh Linh tâm sự: “Tôi mới lập gia đình, có con nhỏ 7 tháng tuổi, nhưng làm ruộng thiếu trước hụt sau. Thấy nhiều người trong làng đi lao động tại Lào gửi tiền về cho gia đình nên tôi quyết định lên xã đăng ký xin đi lao động tại Lào. Đợt này qua Lào tôi sẽ chăm chỉ lao động để có tiền gửi về lo cho gia đình”.

lao-dong-1.jpg
Trường Cao đẳng THACO đưa lao động sang làm việc cho các nông trường tại Lào.

Ông Nguyễn Văn Phục - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng THACO cho biết, THACO AGRI đã thực hiện chiến lược đầu tư phát triển nông - lâm nghiệp với quy mô lớn trên diện tích 84.000 ha tại 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Nhà trường đang tăng cường phối hợp với các địa phương tuyển dụng, đào tạo lao động.

“Làm việc ở các nông trường tại Lào, người lao động thử việc nhận mức lương mỗi người 7 triệu đồng/tháng, lương chính 8 đến 10 triệu đồng/tháng đã hỗ trợ tiền ăn, ở. Người lao động được tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm theo quy định và hưởng nhiều chế độ khác, chính vì vậy đã thu hút số lượng lao động làm việc tại Lào ngày càng tăng”, ông Phục khẳng định

Được biết, mới đây nhằm để đẩy mạnh công tác đưa người lao động sang Lào làm việc đạt hiệu quả, Trường Cao đẳng THACO, Trung tâm Dịch vụ việc làm và Phòng LĐTBXH các địa phương miền núi Quảng Nam đã ký kết tăng cường hợp tác tuyển dụng, đào tạo nguồn lao động.

Tấn Thành, Chí Đại