Kinh tế

EVN đàm phán tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc

Văn Thanh 23/04/2024 17:02

Để bảo đảm nguồn cho hệ thống, EVN đã đàm phán để tăng nhập khẩu điện Trung Quốc năm 2024 lên 1,8 tỷ kWh, tăng 700 triệu kWh so kế hoạch.

evn-dam-phan-tang-nhap-khau-dien-tu-trung-quoc-ddk.png
EVN đã đàm phán để tăng nhập khẩu điện Trung Quốc năm 2024 lên 1,8 tỷ kWh.

EVN đàm phán tăng nhập khẩu điện

Báo cáo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt gần 70 tỷ kWh, cao hơn 1,35 tỷ kWh so với kế hoạch, tăng 10,4% so với cùng kỳ.

Tháng 4, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 865,7 triệu kWh/ngày, tăng 10% so với cùng kỳ.

Để bảo đảm nguồn cho hệ thống, tập đoàn đã huy động tối đa nguồn điện than, khí, vượt kế hoạch 1,98 tỷ kWh nhằm dự phòng cho tình huống nhiệt độ tăng cao ở cả ba miền, đặc biệt là các tháng cao điểm mùa khô.

Phương án cơ sở được EVN đưa ra là điều chỉnh tăng thêm 4,2 tỷ kWh, lên khoảng 310,6 tỷ kWh (tăng 10,4% so với năm ngoái) trên toàn hệ thống. Với phương án cao, khi nhu cầu điện tăng trưởng đột biến, sản lượng toàn hệ thống sẽ đạt mức 313,4 tỷ kWh (tăng 11,4% so với năm ngoái) và cao hơn phương án cơ sở 2,8 tỷ kWh.

Để đảm bảo việc vận hành hệ thống, EVN đã cùng các đơn vị vận hành linh hoạt các nguồn thủy điện theo nước về với mục tiêu giữ nước để phục vụ cung cấp điện trong các tháng cao điểm mùa khô.

EVN cũng tính đến phương án huy động các nguồn diesel mượn của khách hàng để bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia trong tình huống khẩn cấp.

EVN đã đàm phán để tăng nhập khẩu điện Trung Quốc năm 2024 lên 1,8 tỷ kWh, tăng 700 triệu kWh so kế hoạch (trong đó nhập khẩu thêm tại Móng Cái khoảng 70 MW trong các tháng mùa khô).

Ngoài ra, EVN cũng tiếp tục đàm phán với đối tác Lào tăng nhập khẩu điện về Việt Nam, đặc biệt là các nguồn điện nhập từ Lào qua khu vực Nghệ An, Quảng Trị. Để đảm bảo việc cung ứng, EVN sẽ tập trung nguồn lực hoàn thành các đường dây 500 kV mạch 3 Quản Trạch - Phố Nối; hoàn thành các công trình lưới điện để tăng nhập khẩu điện từ Lào.

Bộ Công Thương chỉ đạo đảm bảo cung ứng điện giai đoạn cao điểm mùa khô năm 2024

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 924/QĐ-BCT phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô trong năm 2024.

Theo đó, với kế hoạch cung cấp điện cả năm, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 được điều chỉnh là 310,6 tỷ kWh (tăng hơn so với kế hoạch cũ 306,259 tỷ kWh); trong đó mùa khô là 150,916 tỷ kWh và mùa mưa là 159,684 tỷ kWh.

Về kế hoạch cung cấp điện cho mùa khô trong các tháng 4-5-6-7, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc để dự phòng đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống được điều chỉnh là 111,468 tỷ kWh, nhỉnh hơn so với kế hoạch cũ (109,183 tỷ kWh).

Quan điểm chỉ đạo trong đảm bảo cung ứng điện giai đoạn cao điểm mùa khô năm 2024 của Bộ là yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch cung cấp điện, cung cấp nhiên liệu (than, khí, dầu) chủ động, có dự phòng ứng phó với các tình huống cực đoan có thể xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung năng lượng do nguyên nhân chủ quan.

Cụ thể, với EVN, công bố cập nhật Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô và cả năm 2024 cho chủ đầu tư các nhà máy điện và các đơn vị liên quan để các đơn vị chủ động lập kế hoạch chuẩn bị dự phòng phù hợp cho sản xuất điện; hàng tháng (đặc biệt là giai đoạn cao điểm mùa khô), thực hiện rà soát, cập nhật số liệu, thực hiện tính toán cập nhật Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia cho các tháng còn lại trong năm 2024.

Trong trường hợp có biến động lớn về phụ tải hay nguồn điện, EVN báo cáo Bộ Công Thương để có điều chỉnh phù hợp; tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác vận hành thiết bị của nhà máy điện, không để xảy ra sự cố chủ quan; tăng cường kiểm tra, củng cố thiết bị, khắc phục các khiếm khuyết đảm bảo nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện của các tổ máy phát điện, hạn chế tối đa các sự cố tổ máy.

Với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc, Bộ Công Thương giao tập trung phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện đảm bảo cung ứng nhiên liệu (than, khí, dầu) đầy đủ, liên tục, có dự phòng phù hợp cho sản xuất điện.

Sở Công Thương các tỉnh, TP trực thuộc trung ương tăng cường phối hợp với các Tổng công ty điện lực, công ty điện lực tại địa phương để tăng cường tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 20/2023/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp sau; tổ chức giám sát việc thực hiện tiết kiệm điện tại địa phương.

Văn Thanh