Tinh hoa Việt

NSND Thanh Ngoan: Không sáng tạo thì chèo sẽ đi vào lối mòn

Ngọc Hà 24/04/2024 08:23

NSND Thanh Ngoan là một trong số ít những nghệ sĩ đã khẳng định được tên tuổi của mình trên chiếu chèo.

nsnd-thanh-ngoan1(1).jpg

Nhìn lại chặng hành trình theo đuổi sự nghiệp hát chèo, 9 tuổi lần đầu đặt chân lên chiếu chèo, 13 tuổi trúng tuyển vào Nhà hát Chèo Việt Nam, từ vai diễn đầu tiên trong “Quan Âm Thị Kính” đến vai diễn vàng son trong “Vợ chồng Cả Dọc”, NSND Thanh Ngoan đã khiến nhiều người phải kính nể vì lối diễn sắc sảo, đa diện, biến hóa, nay là đào cay nghiệt, mai lại thành đào thương, đa đoan, lấy nước mắt người xem.

“Gia đình tôi vốn sống ở cái nôi chèo Thái Bình. Trong nhà lại có nhiều anh chị em, cô dì chú bác tham gia công tác nghệ thuật. Vì thế, tôi biết hát chèo từ khi còn rất nhỏ, trưởng thành trong môi trường của chèo. Người thầy đầu tiên của tôi là mẹ. Bà dạy tôi hát “Mẹ ngồi khâu áo cho con” khi nghe được trên đài phát thanh buổi trưa. Từ ấy chèo đã đi cùng và gắn bó với tôi cho đến tận ngày hôm nay” - NSND Thanh Ngoan tâm sự.

Trong hành trình phát triển sự nghiệp, NSND Thanh Ngoan luôn cảm thấy may mắn khi được theo học những nghệ sĩ là cây đa, cây đề trong làng chèo.

“Vừa bước vào môi trường học chuyên nghiệp lại được các nghệ sĩ gạo cội hướng dẫn, các thầy, cô trở thành tấm gương cho tôi. Mỗi nghệ sĩ gạo cội ấy định hình ở một thể loại vai và tôi đã có cơ hội được học hết những điều đó” - nghệ sĩ Thanh Ngoan nói, rồi nhắc đến nhiều cái tên như: NSND Tống Năm Ngũ, NSND Minh Lý, NSƯT Lệ Hiền, NSƯT Xuân Mai, NSND Bùi Trọng Đang, NSND Mạnh Tuấn, NSND Trần Bảng, NSƯT Thanh Tuyết…

Đi lên từ bản chất một nghệ sĩ chèo thực thụ cho đến khi gồng gánh trên vai trách nhiệm của “thuyền trưởng” (Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, 2012 - 2023) Thanh Ngoan luôn khắc ghi những gì chèo đã mang lại cho mình.

Chèo cho Thanh Ngoan danh vọng, tiền bạc, địa vị và cả sự yêu thương trân trọng từ khán giả. 10 năm làm công tác quản lý Nhà hát Chèo Việt Nam, Thanh Ngoan không ngại từ chối các sô diễn lớn nhỏ để tập trung cho công việc của Nhà hát.

Với Thanh Ngoan, hào quang cá nhân và thù lao bạc triệu không quan trọng bằng làm thế nào để nhà hát có thể sáng đèn, để anh em nghệ sĩ - nhất là lớp diễn viên trẻ - được bận rộn với những hợp đồng biểu diễn, những chương trình nghệ thuật, những chuyến lưu diễn nước ngoài…

“Không có con đường nào trải sẵn hoa hồng, mà nếu có cũng sẽ rất nhiều gai. Không kiên trì, sẽ không bao giờ đi tới cái đích cuối cùng” - Thanh Ngoan tâm sự.

Đã hơn nửa đời người đồng hành với hát chèo, ở tuổi ngoài 50, NSND Thanh Ngoan ngoài việc tiếp tục với nhiệm vụ là Trưởng ban Văn hóa, Du lịch và Đào tạo tại Viện Phát triển Văn hóa dân tộc, thì vẫn như con tằm nhả tơ miệt mài, trong ánh mắt bà vẫn sáng rực khi ai đó hỏi về chèo, giọng nói vẫn hào sảng, réo rắt ngọt ngào mỗi khi cất tiếng thị phạm trên sân khấu cho diễn viên trẻ, vẫn đau đáu một nỗi niềm hồi quang cho chiếu chèo trên đất Việt.

Sắp tới, hồ sơ “Nghệ thuật chèo” sẽ được trình UNESCO xét ghi danh vào các Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là một bước tiến trong sự công nhận để tiếp thêm động lực cho việc bảo tồn những nghệ thuật văn hóa truyền thống dân tộc nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng.Để làm được điều đó, không thể không nhắc đến những người nghệ sĩ, những nhà nghiên cứu đã dày công góp sức, cùng cống hiến để góp phần gìn giữ, trao truyền nghệ thuật chèo cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Thanh Ngoan cho rằng, dù nghệ thuật chèo đã có ở hầu hết các vùng Đồng bằng Bắc Bộ, từ câu lạc bộ chèo của các tỉnh cho tới các nhà hát chèo, sân khấu luôn luôn chào đón, mở cửa nhưng vẫn còn ít khán giả đến xem. Kênh truyền thông cho các loại hình nghệ thuật truyền thống vẫn còn hạn chế, kênh truyền thông cho nhà hát chèo đã nỗ lực, nhưng không đồng bộ.

Rạp có nhưng hệ thống bán vé không có, marketing cho truyền thông còn chưa đủ mạnh… Nhiều người hay nhầm lẫn giữa nghệ thuật chèo và nghệ thuật cải lương, hoặc một vở kịch cắm hát chèo mang danh là vở chèo.

Bên cạnh đó, NSND Thanh Ngoan cũng chỉ ra, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng mà không sáng tạo, không tư duy thì mãi mãi chỉ đi vào lối mòn.

Tuy mang trong mình nét truyền thống của dân tộc ta từ xưa nhưng cần phải thay đổi sao cho phù hợp với cuộc sống đời thường.

Trước đây, để diễn một vở chèo, các nghệ sĩ chỉ cần tấm chiếu hoặc nơi cây đa, bến nước, sân đình là có thể có một buổi diễn hoàn chỉnh.

Nhưng để theo kịp bước tiến của công nghệ cũng như nhu cầu thị giác của khán giả, những vở chèo ngoài việc giữ cốt cách, truyền thống, lề lối, nguyên tắc cần thêm vào đó là trang phục, sân khấu, ánh đèn, mọi thứ đều đẹp hơn, ấn tượng hơn, để thu hút đông đảo người xem.

“Dù cuộc sống có phát triển như thế nào thì nghệ thuật truyền thống - nghệ thuật chèo vẫn là hồn cốt của dân tộc, tinh hoa hun đúc bao nhiêu truyền thống lịch sử cha ông của chúng ta. Nghệ thuật chèo sẽ là món ăn tinh thần trong văn hóa của người Việt. Hãy luôn nhớ đến chèo như một thứ tình cảm chúng ta dành cho quê hương Việt Nam” - NSND Thanh Ngoan mong mỏi.

Chia sẻ thêm về việc hồ sơ “Nghệ thuật chèo” của Việt Nam chuẩn bị gửi đệ trình UNESCO đề nghị ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, NSND Thanh Ngoan cho biết bà rất vui mừng bởi cho đến hôm nay, qua bao nhiêu thăng trầm của thời gian, nghệ thuật chèo truyền thống của nước ta cũng đang được cả thế giới đón nhận.

“Đây là niềm tự hào của những người làm nghề như chúng tôi và nếu như nghệ thuật chèo được ghi danh, đó sẽ là bước đệm vững chắc để thế hệ hôm nay và mai sau hãnh diện với nghệ thuật truyền thống của cha ông, từ đó có trách nhiệm hơn với việc bảo tồn và phát huy những giá trị quý báu của nghệ thuật chèo”.

Ngọc Hà