Tinh hoa Việt

PGS.TS Hà Hoa: Di sản được ghi danh vẫn cần những người truyền dạy và phát huy

Ngọc Hà (thực hiện) 25/04/2024 06:26

“Tôi đến với chèo là duyên, là phận” - đó là chia sẻ của PGS.TS Hà Hoa - Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương.

Sinh năm 1966 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật chèo nhiều đời tại làng Khuốc (tỉnh Thái Bình), PGS.TS Hà Hoa đã dành quá nửa cuộc đời mình để nghiên cứu về nghệ thuật chèo cổ với mong muốn lưu giữ làn điệu truyền thống của cha ông, bảo tồn và phát huy những giá trị cốt lõi của nghệ thuật chèo.

PV: Cảm xúc của bà như thế nào khi hồ sơ Nghệ thuật chèo chuẩn bị được trình UNESCO đề nghị ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại?

434958763_442655254908830_81301043727842982_n(1).jpg
PGS.TS Hà Hoa.

PGS.TS HÀ HOA: Đây là điều bản thân tôi đã chờ đợi từ lâu, nhưng nếu chúng ta làm được hồ sơ sớm hơn thì sẽ giữ được nhiều giá trị nghệ thuật của chèo cổ, trong đó có các làn điệu, các tích cổ, phong cách biểu diễn và phương pháp sáng tạo nghệ thuật...

Là người con của Thái Bình, tôi nhận thấy bản thân luôn cần có trách nhiệm với làng quê, với nghề nghiệp tổ tông, dù nó không mang lại sự giàu có về vật chất. Tự bản thân tôi cùng gia đình đã rất cố gắng để thu âm lại những làn điệu chèo cổ ở làng Khuốc.

Hơn 1 năm trở lại đây tôi mới có điều kiện để giới thiệu giá trị của các làn điệu chèo. Hàng tuần, tôi cố gắng sắp xếp thời gian cùng các em trong gia đình đàn - hát và giới thiệu các điệu chèo trên mạng xã hội. Mong sao có thể giới thiệu hết gần 200 làn điệu chèo cổ với khán giả. Vì, di sản được ghi danh vẫn cần những người nối tiếp, truyền dạy và phát huy. Tôi nghĩ mình cũng có một phần trách nghiệm trong đó.

Theo đánh giá của bà, cơ hội và thách thức khi nghệ thuật chèo được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại là gì?

- Thách thức là đương nhiên, khi chèo là nghệ thuật giàu bản sắc của dân tộc, nhưng nếu ta không hiểu những giá trị, bản chất sâu sắc nhất của chèo thì khi chúng ta phát triển lên sẽ dễ bị sai.

Cho nên, trước hết chúng ta phải hiểu về chèo cổ và nghiên cứu, tiếp thu cách làm/phương pháp sáng tạo thành nghệ thuật chèo truyền thống của các cụ. Cần học phương pháp sáng tạo ấy của các nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội để tiếp nối và phát huy giá trị truyền thống.

Còn về mặt thuận lợi thì khi nghệ thuật chèo của Việt Nam được ghi danh, các nghệ sĩ, nghệ nhân sẽ có thêm nhiều cơ hội để quảng bá văn hóa dân tộc với thế giới, với nhiều cộng đồng, cá nhân trong nước. Vì chèo là thể loại trong loại hình sân khấu dân tộc rất giàu bản sắc Việt Nam.

Đây cũng là cơ hội để người nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sĩ có cơ hội học tập, đào sâu, nâng cao kiến thức. Cùng với đó, tôi mong rằng Nhà nước sẽ có các chính sách để giáo dục và định hướng cho khán giả nói chung, cho thế hệ trẻ nói riêng hiểu hơn về nghệ thuật chèo.

Sắp tới, hồ sơ “Nghệ thuật chèo” sẽ được trình UNESCO xét ghi danh vào các Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là một bước tiến trong sự công nhận để tiếp thêm động lực cho việc bảo tồn những nghệ thuật văn hóa truyền thống dân tộc nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng. Để làm được điều đó, không thể không nhắc đến những người nghệ sĩ, những nhà nghiên cứu đã dày công góp sức, cùng cống hiến để góp phần gìn giữ, trao truyền nghệ thuật chèo cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Là một người đã gắn bó với chèo nhiều năm, bà có thể chỉ ra sự khác nhau lớn nhất giữa chiếu chèo xưa và nghệ thuật chèo hôm nay?

- Giữa đời sống và nghệ thuật chèo rất quấn quyện với nhau, đấy là cuộc chơi tao nhã, là một trong những cách các chiếu chèo thu hút khán giả.

Ngày xưa các cụ biểu diễn ở sân đình, không gian không có khoảng cách, sân khấu trên một mặt phẳng, người biểu diễn và khán giả (ngồi ba mặt) xem như những người bầu bạn, chơi chung, có lúc họ như cùng nói với nhau một câu chuyện, khi khán giả lại soi - xem bạn diễn ra sao.

Tiếng đế của khán giả vì thế mà xuất hiện, cuốn theo câu chuyện của người nghệ sĩ kể. Như vậy, khán giả không chỉ thưởng thức mà còn rất thông thạo về nghệ thuật, về văn hóa và cuộc sống.

Có thể nói, chèo sinh ra từ cộng đồng và sống với cộng đồng. Với tính cộng đồng, chèo không chấp nhận cách hiểu một chiều theo ý kiến chủ quan của người sáng tác.

Chèo là sự bình luận qua lại, sự đánh giá của công chúng, không phải sau diễn mà ngay cả trong khi xem diễn. Đây là một trong những giá trị cốt lõi của di sản chèo, điều mà sân khấu chuyên nghiệp khó có thể làm được.

Trong khi đó, ngày nay khán giả đến rạp hát chỉ để thưởng thức thụ động. Không gian ấy đã làm mất đi tính dân gian, nên bản thân tôi rất mong muốn phục dựng lại chèo sân đình. Nếu làm được điều đó thì khán giả đến không chỉ thưởng thức, mà họ còn được chơi nghệ thuật. Hai bên cùng sáng tạo, để nghệ thuật luôn thêm thăng hoa và phát triển.

Nhưng nói thế không có nghĩa là quay lại “nồi đồng cối đá”, mà phục chế “chèo sân đình” để thế hệ ngày nay biết các cụ ngày xưa từng như thế. Và để diễn viên cùng khán giả được tung hứng nghệ thuật với nhau, như một cuộc chơi tao nhã.

Cuộc chơi ấy, sẽ dần nâng giấc cho nghệ sĩ thăng hoa, khán giả sẽ thêm phần thông thái, chắc chắn những cuộc chơi như vậy sẽ rất hấp dẫn... Đó chính là tính dân gian của chèo. Nếu mất đi tính dân gian ấy, thì sẽ mất đi phần rất lớn bản chất của chèo.

Tất nhiên, chúng ta vẫn cần tiếp thu cái khoa học, cái tiên tiến, nhưng phải làm thế nào để khoa học, tiến tiến nâng đỡ cho dân gian phát triển, đừng để nó chèn ép chất dân gian, giá trị bản sắc của chèo.

Vậy làm thế nào để giúp nghệ thuật chèo thu hút thêm nhiều khán giả trẻ?

- Khi người ta hiểu chèo thì ít ai ghét nó lắm. Hóa ra, khi giáo dục cho người ta hiểu, thì người ta sẽ yêu quý nó và thấy nó có giá trị. Có người rất yêu chèo nhưng do hiểu lơ mơ, nên khi phát triển dễ sai hướng, thậm chí lệch lạc, không còn là chèo.

Cho nên, giáo dục cho khán giả, và khán giả ở đây là lớp trẻ, theo tôi, tốt nhất nên xuất phát điểm từ các trường phổ thông.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có môn học Giáo dục văn hóa địa phương, đây là cơ hội rất tốt để các trường phổ thông lựa chọn những thể loại, loại hình nghệ thuật đặc sắc để giáo dục cho học sinh các cấp.

Tuy nhiên, cố gắng đi vào thực chất, chứ không hình thức. Ví dụ, tỉnh Thái Bình và các tỉnh thuộc vùng Châu thổ Bắc Bộ cần có giáo viên tâm huyết và thực hành tốt cả về phương pháp dạy học, sự hiểu biết và làm mẫu về chèo, đồng thời có ít nhất một chuyên viên gan ruột với chèo cùng đồng hành tổ chức cho học sinh không chỉ hát chèo mà còn học tập trải nghiệm về múa, diễn, nhạc cụ, trang phục, đạo cụ, ngôn ngữ, tính dân gian, tính thẩm mỹ đặc sắc của chèo.

Tôi được biết, Hải Phòng đã đưa ca trù, Phú Thọ đưa hát xoan, Bắc Ninh đưa quan họ... vào các trường phổ thông để giáo dục cho học sinh, còn Thái Bình chắc chắn phải là chèo rồi. Nhưng, nếu chỉ chung chung ở việc dạy một, hai điệu quen thuộc như “Đào liễu”, “Luyện 5 cung” và cho múa hát tập thể ở sân trường, thậm chí là hát nhép thì vẫn chỉ là hình thức.

Rất cần phải cho các em được học tập, trải nghiệm vai diễn, gặp gỡ trò chuyện, học tập, giao lưu với nghệ nhân - nghệ sĩ, thậm chí tổ chức cho học sinh đến Nhà thờ Tổ chèo, thi tìm hiểu về nét đẹp của nghệ thuật chèo, hát, đàn, múa, biểu diễn chèo...

Tất cả những hoạt động ấy sẽ gieo dần vào tâm khảm các em ngay từ tuổi thơ cho đến khi học hết các hệ phổ thông, chắc chắn các em sẽ hiểu chèo, yêu chèo và tự hào về chèo. Từ đó, các em sẽ góp sức cùng cộng đồng sáng tạo, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật chèo của dân tộc Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn bà!

Ngọc Hà (thực hiện)