Tinh hoa Việt

Giếng đá ong và chim bồng chanh

ĐĂNG NGỌC 26/04/2024 09:26

Đi bộ tới vườn hoa Tây Sơn (Hà Nội), cơn khát tràn lên cổ họng. Tôi vặn vòi nước công cộng uống, nước trong vắt, chợt liên tưởng tới nước giếng đá ong nơi góc vườn quê nhà được múc lên bằng gầu mo cau, thuở ấy…

gieng-.jpg
Giếng đá ong. Ảnh: Lê Minh.

1.Tôi lớn lên thỉnh thoảng giúp mẹ gánh nước từ giếng Đình xa hơn nửa cây số về tích vào chum sành. Nếu năm nào gặp hạn giếng trơ đáy, phải đi hơn cây số tới giếng của những xóm có địa thế thấp hơn mới kiếm được hai lưng thảng (tức cái thùng làm bằng các thanh gỗ ghép, quết sơn ta, để đựng nước khi chưa có thùng tôn) nước về dành dụm nấu ăn. Còn tắm giặt cả xóm tìm tới ao, chuôm.

Cây đa, giếng nước, mái đình, đã góp phần vẽ nên bức tranh đặc trưng về làng quê Việt. Quê tôi trung du, một vùng đất gần kinh đô Văn Lang xưa, nhiều tập quán trong sinh hoạt, trong đời sống văn hóa tâm linh vẫn còn thấm đượm bao nét của người Việt cổ. Quan niệm giếng là nguồn sống, là cầu nối giữa trời và đất, là nơi sinh sôi nảy nở, chứng kiến những buồn vui cuộc đời và đã trở thành “báu vật” tự bao đời.

Đào một cái giếng là động tới long mạch - điều cấm kỵ, chẳng may chạm mạch xấu thì giếng không có nước, ít nước, hoặc có nước nhưng ảnh hưởng không tốt tới việc làm ăn của cả xóm làng.

Vì thế, bao đời xóm Giò tôi chẳng nhà nào đào giếng riêng, vẫn chỉ dùng nước giếng Đình. Giếng cạnh mấy thửa ruộng, kè bằng đá hòn phủ rêu xanh rợn, nước trong vắt, nhìn đàn cá cờ bơi không bao giờ mỏi mắt. Những thôn nữ gánh nước đòn cong tung tẩy leo mấy bậc đất về ngôi nhà tranh ngự đồi, đã làm say lòng bao anh bộ đội về đóng quân tập trận. Chiều hè nào chăn trâu qua, tôi cũng gặp các chị bên giếng, nói cười cứ vui như sắp đi lấy chồng.

Nhưng rồi cùng với kinh tế khá giả như thơ Tố Hữu viết, “sáu mốt đỉnh cao muôn trượng” thì luồng gió văn hóa mới những năm 60 thế kỷ trước đã thổi dần đi những quan niệm xưa cũ. Một vài nhà có của ăn của để, bắt đầu đào giếng mà không sợ động long mạch. Tuy nhiên trước khi đào vẫn phải tìm người có kinh nghiệm, ông Dực người làng, nổi lên như một bậc “phong thủy” có phép màu trong tìm mạch giếng.

Bố tôi mời ông đến “bắt mạch”, chẳng phí tổn tiền nong như những nhà giàu có tìm thầy phong thủy, chỉ là mời ông ăn với gia đình bữa cơn có nhiều thứ nhắm rượu hơn ngày thường. Sau khi thắp nén nhang khấn thổ công, ông bảo, người ta căn cứ vào nước để xác định nơi nào tụ khí và gọi đó là “long mạch”, long là rồng, vì nước thường chảy theo dòng, uốn lượn như rồng.

Nước không chỉ có trong ao hồ sông suối, mà có một lượng lớn tích trong các mạch nước ngầm sâu dưới lòng đất. Thế rồi ông bảo bố tôi đưa cho cái bát tô, ông cầm đi dạo khắp khu vườn rộng thênh thang, nhìn trời đất, ngắm tứ phương, mãi mới cúi xuống bới một hố đất sâu vừa đủ cho bát tô nằm gọn, lấy lá chuối khô trùm lên, trên là mảnh áo mưa, rồi lấy mấy thanh củi khô chất lên đề phòng chó, mèo, hay con cầy hoang dũi đổ. Ông dặn, sáng mai mở ra, nếu bát có đọng nước là trúng mạch.

Tôi khấp khởi xem thế nào, sáng theo bố mở ra, bát khô khốc, cảm giác thất vọng trào lên. Lại mời ông Dực tới, ông phải ngắm nghía, chuyển chỗ đặt bát tới lần thứ 3 trong khu vườn mới “ứng nghiệm”- bát tô có chút nước trong veo như cái “long đen” đáy chén rượu.

Thợ đào giếng chẳng phải ai khác, là ông Tương, ông Đào người hàng xóm, “khỏe như vâm”. Những nhát thuổng, xà beng lần lượt bậy lên lớp đá ong. Bố chỉ phụ giúp kéo những thúng đất đá ong lên khi giếng đã tới độ sâu quá đầu người. Những tảng đá lỗ chỗ như tổ ong màu gan gà, vẻ xù xì mà tạo nên một nét đẹp mộc mạc, cứ bật lên theo lưỡi xà beng, thu hút mọi ánh nhìn. Ông Tương bảo, càng đào sâu đá càng mềm, vì thấm nhiều nước qua các lỗ hổng và báo hiệu có mạch. Nhưng khi đưa lên mặt đất hơi nước bay dần đi nó kết dính thành đá rắn chắc. “Nhất cử lưỡng tiện”, bố tôi cứ việc cho lớp đất có độ kết dính cao vào cái khuôn, lấy vồ nhỏ nện chỉ chốc lát là có viên gạch đá ong chữ nhật để xây chuồng gà.

Ba ngày sau, cả góc sân la liệt những viên gạch đá ong. Hai người đào giếng thay nhau lên xuống phải nối bằng hai cái thang tre. Rút thang lên, nhìn cái hố tròn sâu hun hút nhẵn nhụi, có ánh trời lọt xuống, đã thấy lấp lánh nước ngầm rỉ ra, sau một đêm tỉnh giấc, đáy giếng đã trở thành gương in bóng bao khuôn mặt ngó nhìn, trong niềm vui khôn tả.

Và rồi những gầu nước mo cau trong mát kéo lên từ độ sâu chục mét đã đổ đầy cái chum sành để cạnh. “Chớ có uống! Đã có mấy nhà bất cẩn, trẻ con vục đầu uống gầu nước đầu tiên kéo lên nên đau bụng tưởng chết”- Bố đe thế.

Phải thử đã! Bố đi bắt mấy con cá cờ thả vào chum nước. Nếu một hai hôm sau cá vẫn sống, tức nước không độc hại.

Ồ, một phép thử dân gian sao mà hiệu nghiệm. Vậy là từ đó nhà tôi đã có riêng nguồn nước, giếng Đình trở nên xa ngái. Lật cái gầu mo cau mới tinh sang phải, sang trái, kéo lên là đã có gầu nước trong và mát, mùi thơm từ vỏ trắng mặt bên trong của gầu mo thấm vào mà cứ tưởng nước ướp hoa cau. Mùa hè, sau những ngày chăn trâu về múc gầu nước giếng mà tắm thì mát tới lạnh người. Mùa đông, hơi nước từ giếng bốc lên như sương khói làm nhòe cả mắt, nhưng lấy nước rửa mặt ấm như siêu nước vừa được hâm trên bếp củi. Giếng như là “chiếc máy điều hòa nhiệt độ” của trời cho.

Người ta bảo, nước là không mùi, không vị. Vậy mà, mỗi ngụm nước mát lành từ giếng đá ong đi qua cổ họng, rồi chạy dọc cơ thể truyền đến mọi giác quan cho ta cảm giác ngọt ngào.

Nhìn xuống giếng một màu xanh thăm thẳm, lung linh mặt người, soi tỏ một khoảng trời quê. Năm tháng trôi đi, màu gan gà đá ong đã bị màu xanh của rêu lan dần lấn lướt, có thêm vài cây dương xỉ nhô lên, tạo nên vẻ cổ kính, giếng như trầm mặc hơn về mùa đông và bừng sáng lên khi mùa xuân tới.

bong-chanh.jpg
Chim bồng chanh.

2.Xuân sang, thời tiết mát mẻ, ấm áp, cây cối đua nhau đâm chồi nảy lộc cũng là mùa sinh sôi của muôn loài, chim cũng bắt đầu làm tổ cho đến mùa hạ, gọi là “mùa chim làm tổ”. Từ núi rừng xa xôi cho đến vùng nông thôn có những vườn cây rộng rãi, cành lá sum suê chim tìm về xây tổ ấm. Khu vườn tôi cũng rộn tiếng chim. Nhưng có điều lấy làm lạ - gặp một chú chim cánh xanh, bụng màu cam, đậu trên thành giếng đá ong.

Thấy bóng người là nó lao đi như tên bắn. Sự lạ, kích thích trí tò mò nên tôi cứ liên tưởng, đặt ra nhiều câu hỏi trong đầu: Chim chào mào thường làm tổ trên cành cây cao, chim chích chòe làm tổ ở cây lá cọ, cò thì làm tổ bằng cành cây khô, trông rất thô sơ trên những cành cây vừa to vừa cao, chiền chiện thường làm tổ trong các hốc tre, chìa vôi làm tổ ngay trên bụi cỏ ngoài đồng, vành khuyên, chim chích có khi làm tổ trên những cây cau trước nhà, bói cá khoét vách đất làm tổ ở bờ ao, hoặc bờ ruộng bậc thang, cách không xa là ao chuôm, mà có lần tôi đã bắt gặp. Con chim xanh ấy hẳn là loài bói cá? Vì cách không xa giếng nhà là cái ao dưới chân đồi.

Nghi vấn đã có lời giải, tôi rình suốt một ngày và chộp được khi chim lao xuống giếng mà lâu lắm không thấy bay lên. Soi quanh thành giếng, khuất trong lùm mấy chùm tế lá răng cưa, thì phát hiện một hang nhỏ như hang cua. T

ôi thín thở và lẳng lặng về ngồi học, hôm sau nhờ anh nối thang tre mà trước đây vẫn để đào giếng, xuống xem sự thể.

Anh bảo, “đích thị là tổ chim bói cá rồi, tao không đụng tay vào miệng tổ, vì sợ chim thấy hơi người lại bỏ đi mất”. Tôi sợ chim không về nên theo lời anh, chẳng bao giờ dám động đậy tới tổ nó, chỉ nhăm nhăm nhìn bóng dáng chim xanh vụt bay vụt biến mà thầm vui, thầm ước bắt được nó. Càng thích thú hơn khi nghĩ câu người lớn hay nói “đất lành chim đậu”.

Bố tôi bảo, hiếm đấy, xưa nay có mấy nhà có chim bói cá về làm tổ ở thành giếng, cái long mạch mà ông Dực “bắt” cho quả là tốt. Nhưng người ta có trở nên tốt hay không vẫn do mình chăm chỉ làm ăn, học hành, chứ đâu phải nền đất ở trúng long mạch. Càng thấy thích thú hơn như chính mình phát hiện một điều gì bí ẩn - khi cậu tôi, một quân y sĩ đóng ở khu Việt Bắc về nghe kể chuyện chim xanh làm tổ nói, “trên rừng đâu chỉ ba mươi sáu thứ chim. Chim ấy quê mình gọi bói cá, có nơi gọi là chim chả, chim bồng chanh. Nơi cậu đóng quân còn có cả chim bồng chanh rừng, màu xanh của nó còn đậm hơn màu bồng chanh trung du. Nó còn khác các loài chim là, cả chim bố mẹ đều thay nhau ấp trứng”.

Nghe cái tên “bồng chanh” cũng chẳng hiểu gì, nhưng bùi tai hơn gọi “bói cá”. Chim có cái mỏ đen dài, đuôi ngắn tũn, và đôi cánh xanh cô ban, đẹp hơn da trời mùa thu. Vậy là tôi cứ gọi “bồng chanh…bồng chanh” như hát lên một câu đồng dao, mỗi khi nhìn nó lao vút xuống bắt cá, hay đậu trên cành tre khẳng khui làm trà cá nhô lên ở mặt ao làng.

Xa quê tuy đã lâu rồi. Giếng tròn soi bóng vẫn còn trong tôi. Chim bồng chanh ở đâu rồi? Có đấy, thi thoảng vẫn gặp nó lao xuống bói cá, kêu “chi..ít…” hoặc đậu trên những cành cây la đà mặt nước ở một hồ gần nơi tôi ở, cứ thế mà men về miền thơ ấu, gợi lên từng khuôn hình giếng mát với chim xanh.

ĐĂNG NGỌC