Xe ghép, xe hợp đồng trá hình là nguyên nhân khách không vào bến?
Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định, số lượng xe hợp đồng gia tăng so với xe tuyến cố định lên đến hàng chục nghìn xe, chưa kể còn xuất hiện loại hình xe ghép, xe tiện chuyến cạnh tranh không công bằng với xe tuyến cố định.
Quản lý xe hợp đồng trá hình còn lỏng lẻo
Chiều 24/4, Báo Giao thông tổ chức tọa đàm "Vì sao khách chưa quay trở lại bến xe?".
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Đoàn Ngọc Hùng, Trưởng phòng Quản lý Vận Tải, Công ty TNHH Văn Minh đặt vấn đề, thực trạng hiện nay xe 16 chỗ hoán cải thành xe limousine hoạt động trá hình tuyến cố định có số lượng lớn hơn rất nhiều so với xe tuyến cố định, tuy nhiên quy định quản lý lại lỏng lẻo.
Nói về nguyên nhân các xe trá hình hoạt động lộng hành, ông Hùng cho rằng, thực tế, chỉ mất vài phút, chúng ta có thể tìm kiếm trên mạng rất nhiều nhà xe công khai đăng tải dịch vụ xe ghép, tiện chuyến dù họ không hề đăng ký kinh doanh vận tải.
Theo ông Hùng, số lượng xe hợp đồng gia tăng so với xe tuyến cố định lên đến hàng chục nghìn xe, chưa kể còn xuất hiện loại hình xe ghép, xe tiện chuyến cũng đang cạnh tranh không công bằng với xe tuyến cố định. Những xe này thậm chí còn không đổi màu biển số theo quy định. Những loại hình vận tải này cùng lúc hoạt động, gây xung đột với nhau.
Trong khi đó, nhu cầu người dân tăng cao, điều kiện quản lý xe hợp đồng quá lỏng lẻo khi không phải đăng ký xin vào lốt, không đăng ký luồng tuyến, lái xe không bị kiểm soát, văn phòng đại diện mọc khắp nơi như một bến xe thu nhỏ.
"Nếu như tuyến cố định phải có giấy phép kinh doanh vận tải, phải thành lập bộ phận an toàn, phải có luồng tuyến rõ ràng, nộp ngân sách cho nhà nước với nhiều loại thuế như: thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.
Trong khi đó, xe hợp đồng trá hình lại không nộp thuế cho ngân sách Nhà nước, dừng bắt khách tùy tiện, không mất chi phí hai đầu bến, nhiều xe không chấp hành các điều kiện đảm bảo ATGT như: lắp thiết bị GSHT khoang hành khách nên không mất nhiều chi phí, thậm chí, nhiều đơn vị không khám sức khỏe định kỳ, không tập huấn chứng chỉ ATGT cho lái xe", ông Hùng phân tích.
Việc chứng minh vi phạm của xe trá hình gặp khó
Ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh Thanh tra, Sở GTVT Hà Nội cho biết, để chứng minh hành vi vi phạm của xe hợp đồng trá hình hay còn gọi là xe limousine lách luật hoạt động trái phép không dễ và mất nhiều thời gian.
"Hiện đã có nhiều quy định về việc các xe hợp đồng phải gắn thiết bị giám sát hành trình, phải gửi hợp đồng trước khi thực hiện chuyến đi tới cơ quan chức năng để cơ quan quản lý giám sát.
Chúng ta đang thực hiện những quy định này, song có nhiều doanh nghiệp tìm nhiều cách né tránh... Để xác định vi phạm, phải kiểm tra trực tiếp tại các doanh nghiệp, văn phòng đại diện mới xác định được hành vi vi phạm", ông Hiệp nói.
Theo Thiếu tá Trần Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho rằng, khó khăn lớn nhất là với số lượng xe hợp đồng lên đến trên 36.000 xe và nhiều loại xe kinh doanh vận tải khác, trong khi địa bàn rộng, áp lực về giao thông rất lớn, lực lượng chức năng hạn chế.
"Những hạn chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chế tài xử lý chưa đảm bảo tính răn đe đã khiến nhiều đơn vị vận tải kinh doanh theo loại hình xe hợp đồng tìm mọi phương thức, thủ đoạn để né tránh cơ quan chức năng, trốn tránh khi bị xử lý", ông Trần Anh Tuấn cho hay.
Theo Thiếu tá Trần Anh Tuấn, năm 2023 và Quý I/2024, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiều chiến dịch tăng cường kiểm tra các trường hợp vi phạm, trong đó có các loại hình vận tải hành khách đề cập.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai, tuần tra kiểm soát với các loại hình vi phạm. Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý vi phạm, phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý triệt để, cũng như để có các giải pháp căn cơ hơn.
Đặc biệt, kiến nghị bổ sung bố trí lại các tuyến đường trên địa bàn thủ đô để tăng cường xử lý vi phạm qua hình ảnh, phát động người dân cung cấp thông tin hình ảnh về trật tự ATGT, đẩy lùi những hình ảnh thiếu chuẩn mực. Đây là một trong những nội dung trọng tâm vì hiện nay hệ thống camera còn hạn chế và việc đầu tư rất tốn kém, cần thời gian. Thông qua giám sát của người dân sẽ xác minh, xử lý các tình trạng vi phạm", Thiếu tá Trần Anh Tuấn khẳng định.