Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Nguồn điện và sức nóng ngày hè

Thế Tuấn 25/04/2024 13:53

Chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về bảo đảm cung ứng điện năm 2024 và thời gian tới, nhất là trong mùa cao điểm nắng nóng 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tuyệt đối không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thủ tướng nhấn mạnh phải tập trung cho công tác điều hành và củng cố năng lực truyền tải điện; không để tình trạng "nước đến chân mới nhảy".

Năm nay, mùa hè đến sớm và gay gắt ở nhiều vùng trong cả nước, đặc biệt là với khu vực Nam Bộ, kể từ cuối tháng 3. Trong khi đó, theo Bộ Công thương, nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian mùa khô (tháng 5 đến tháng 7) được dự báo tăng rất cao, lên đến 13% - cao hơn nhiều so với dự kiến khoảng 9,6%. Riêng miền Bắc dự kiến tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Đặc biệt đáng lo ngại là diễn biến thủy văn những tháng qua không thuận lợi, khó tiết kiệm nước hồ thủy điện (tổng lượng điện chiếm khoảng 32%). Trong khi các nguồn nhiệt điện; nhất là nhiệt điện than, đã được huy động cao để đáp ứng nhu cầu phụ tải. Ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, dự tính tốc độ tăng nhu cầu sử dụng nguồn điện toàn nền kinh tế trong năm 2024 lên đến 9,6%/năm, cao nhất kể từ năm 2018.

Báo cáo mới đây của A0 cũng cho biết, dự báo nhu cầu công suất điện tại miền Bắc trong cao điểm mùa khô (tháng 4 - 7) có thể tăng tới 17% so với kỷ lục vận hành cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của hệ thống điện miền Bắc hiện chỉ tăng 10% so với cùng kỳ.

Để ứng phó, Bộ Công thương đã đưa ra nhiều giải pháp dựa trên các kịch bản khác nhau, đặc biệt là khi xảy ra tình trạng nắng nóng kéo dài liên tục và sự cố nhiều nhà máy nhiệt điện cùng một lúc. Bộ Công thương cũng nhấn mạnh, ngoài nỗ lực của ngành điện thì cũng cần sự chung tay của khách hàng bằng cách tiết kiệm điện, nhất là trong khung giờ cao điểm.

Trong nỗi lo chung thiếu điện mùa hè, thì cũng có thể lóe lên hy vọng khi nguồn điện tái tạo, điện mặt trời mái nhà, điện gió... sẽ có cơ chế tốt để hòa vào lưới điện quốc gia. Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...), tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất.

Hiện toàn quốc có hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà với công suất đạt hơn 9.500 MW, trong đó hơn 50% công suất huy động từ các khu công nghiệp. Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, điện mặt trời mái nhà có thể được liên kết và bán phần điện dư lên lưới quốc gia với mức giá theo thời điểm. Tức là người dân, doanh nghiệp có thể được trả tiền khi bán lượng điện dư thừa lên lưới.

Để khơi thông cho điện mặt trời, Văn phòng Chính phủ cũng đã có Văn bản số 165 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về xây dựng, ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp.

Bộ Công thương cũng đã hoàn thiện dự thảo nghị định của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn, trong đó cho phép các nhà máy điện gió, điện mặt trời được phép bán trực tiếp cho khách hàng thông qua đường dây riêng hoặc lưới quốc gia. Giá bán điện do hai bên tự thỏa thuận. Giai đoạn tiếp theo sẽ mở rộng loại hình công nghệ phát điện khác (thủy điện, sinh khối, thủy triều, địa nhiệt...). Khách hàng sử dụng điện lớn trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất được tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Như vậy có thể thấy, dù mùa hè năm nay được dự báo nắng nóng gay gắt, mức độ tiêu thụ điện tăng mạnh nhưng ít nhiều cũng đã có “lối mở” cho nguồn điện, dòng điện.

Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển điện năng. Cùng với nhiệt điện, thủy điện, còn điện mặt trời, điện gió - hầu như có thể triển khai ở tất cả các địa phương. Vấn đề ở đây là chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo; nhanh chóng có cơ chế phù hợp hòa dòng điện đó vào lưới điện quốc gia. Không thể để xảy ra tình trạng thiếu điện, trong lúc điện gió, điện mặt trời lại “nghẽn mạch”, bỏ phí vì không đấu nối được với hệ thống truyên tải điện quốc gia.

Thế Tuấn