Bất động sản

Thanh toán trái phiếu: Doanh nghiệp bất động sản gặp khó

T.Hằng 25/04/2024 13:55

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bất động sản (BĐS) đáo hạn trong năm 2024 là 99,6 nghìn tỷ đồng do 92 tổ chức phát hành. Trong đó, trái phiếu có bảo đảm khoảng 91,8 nghìn tỷ đồng (92,2%), trái phiếu không có bảo đảm khoảng 7,7 nghìn tỷ đồng (7,8%).

Dựa theo tình hình tài chính của các DN BĐS, Bộ Tài chính dự kiến có khoảng 35,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 35,9% khối lượng trái phiếu đáo hạn của các DN BĐS có khó khăn trong thanh toán nợ TPDN.

Trong đó, có 3 DN rất khó khăn trong việc trả nợ trái phiếu với khối lượng 4,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu, bao gồm: Công ty CP Du lịch và Đầu tư Xây dựng Châu Á (giá trị đáo hạn trong năm 2024 là 600 tỷ đồng); Công ty CP Phát triển BĐS Nhật Quang (2.150 tỷ đồng); Công ty CP Đầu tư Smart Dragon (1.900 tỷ đồng).

Có 18 DN được Bộ Tài chính xếp vào nhóm có khả năng gặp khó khăn trả nợ, giá trị đến hạn trong năm nay là 31,2 nghìn tỷ đồng, như: Công ty CP Đầu tư Golden Hill (giá trị đáo hạn năm 2024 là 5.760 tỷ đồng); Công ty CP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển đô thị Ngôi sao Phương Nam (4.700 tỷ đồng); Công ty TNHH BĐS Lan Việt (4.100 tỷ đồng); Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh An Nam (4.700 tỷ đồng); Công ty TNHH Phát triển BĐS An Khang (1.000 tỷ đồng); Công ty CP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương (1.500 tỷ đồng); Công ty CP Fuji Nutri Food (1.720 tỷ đồng); Công ty TNHH Đầu tư Phú Thịnh Phát (900 triệu đồng…

Ngoài ra, một số DN còn lại được Bộ Tài chính phân vào nhóm các DN còn lại. Trong đó, một số DN có khối lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong năm nay. Đối với nhóm DN còn lại, dư nợ trái phiếu khoảng 300 nghìn tỷ đồng (chiếm 29,8% tổng dư nợ) do 222 DN phát hành. Khối lượng đáo hạn trong năm 2024 là 87,3 nghìn tỷ đồng, do 102 tổ chức phát hành.

Trong đó, có 2 DN rất khó khăn trong việc thanh toán, gồm: Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (6.570 tỷ đồng); Công ty TNHH Mặt trời Cẩm Phả (870 triệu đồng).

Có 14 DN có khả năng gặp khó khăn trả nợ, với khối lượng 19,4 nghìn tỷ đồng, như Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam (1.000 tỷ đồng).

Câu chuyện DN khó khăn trả lãi nợ TPDN đã rất căng thẳng từ năm 2023 và tiếp tục kéo dài sang năm 2024. Giới chuyên gia nhận định, ngoài yếu tố khách quan đến từ những khó khăn của nền kinh tế trong và ngoài nước thì còn do chu kỳ ngành BĐS đi xuống và bối cảnh vĩ mô, cũng như những thay đổi chính sách pháp lý làm cho hoạt động cấp phép dự án và mở bán chậm lại, làm cho lợi nhuận và dòng tiền suy giảm mạnh.

Trong khi đó, về phía nguồn vốn thì định hướng kiểm soát tín dụng BĐS vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro của cơ quan quản lý cũng như suy giảm của kênh huy động qua thị trường trái phiếu giảm mạnh. Ngoài ra, do nhiều dự án vướng vào pháp lý nên chưa thể mở bán, dẫn tới nguồn thu lớn là nhận trước từ khách hàng mua nhà ở mức thấp, làm mất cân đối về tài chính...

Ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc FiinRatings cho rằng, khả năng trả nợ trái phiếu vẫn đang là thách thức lớn của DN BĐS. Dù vốn tín dụng hỗ trợ phần nào dòng tiền cho DN BĐS, song DN phát hành không thể trông chờ toàn bộ vào nguồn vốn này để hoàn tất nghĩa vụ trả nợ trái phiếu. Trong khi đó, thị trường BĐS vẫn chưa thực sự khởi sắc.

Ông Nguyễn Đình Duy - Giám đốc phân tích Khối Xếp hạng và Nghiên cứu (VIS Ratings) nhận định, nền lãi suất thấp năm 2024 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường TPDN. Lãi suất thấp cũng giúp khả năng tiếp cận các nguồn vốn khác của DN phát hành dễ dàng hơn, làm tăng khả năng trả nợ của các tổ chức phát hành, từ đó giúp ổn định tâm lý thị trường và thu hút nhà đầu tư quay lại thị trường trái phiếu.

Trong 2 năm qua, TPDN trở nên nhạy cảm, nhiều DN có năng lực tài chính đã mua lại toàn bộ trái phiếu trước hạn, tất toán toàn bộ dư nợ trái phiếu. Hy vọng, khi tâm lý của nhà đầu tư hồi phục, các DN này sẽ quay lại thị trường.

T.Hằng