Thanh tra doanh nghiệp phát sinh giao dịch liên kết có rủi ro cao
Năm 2024, theo kế hoạch, công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp phát sinh giao dịch liên kết có rủi ro cao về giá chuyển nhượng sẽ được tăng cường - theo bà Đinh Mai Hạnh - Phó Tổng Giám đốc phụ trách toàn quốc về tư vấn giá giao dịch liên kết, Deloitte Việt Nam.
PV: Bà đánh giá thế nào về xu hướng thanh tra, kiểm tra giá giao dịch liên kết tại các doanh nghiệp trong thời gian qua?
Bà Đinh Mai Hạnh: Nhìn lại tình hình năm 2023, số thuế truy thu trung bình trong một cuộc thanh tra, kiểm tra thuế thông thường chỉ ở mức 0,63 tỷ đồng. Trong khi đó, con số truy thu trung bình trong một cuộc thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng được ghi nhận ở mức 2,21 tỷ đồng, tức cao hơn gấp 3,5 lần. Không chỉ chịu tác động về khía cạnh tài chính như tăng chi phí không được trừ cho mục đích tính thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), giảm chuyển lỗ, thay đổi lộ trình hưởng ưu đãi thuế và tăng nghĩa vụ thuế, DN còn có thể chịu ảnh hưởng phi tài chính liên quan đến danh tiếng của DN và cả tập đoàn.
Bên cạnh đó, việc DN bị ấn định và điều chỉnh thuế giá giao dịch liên kết có thể khiến tập đoàn phải rà soát và cân nhắc điều chỉnh chiến lược kinh doanh cũng như chính sách giá nội bộ trong tương lai. Vì vậy, DN nên đặc biệt lưu tâm và lập kế hoạch quản trị rủi ro giá giao dịch liên kết chi tiết và phù hợp để có sự chuẩn bị tốt nhất cho các cuộc thanh tra, kiểm tra.
Theo quan sát của Deloitte Việt Nam, nguyên nhân chính khiến DN thường bị truy thu thuế nhiều hơn trong các cuộc thanh tra, kiểm tra giá giao dịch liên kết so với các cuộc thanh tra, kiểm tra thuế thông thường đến từ sự khác biệt trong cách hiểu và vận dụng quy định theo các góc nhìn khác nhau.
Quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết tại Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tham chiếu đến Hướng dẫn của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) về xác định giá giao dịch liên kết cho các công ty đa quốc gia và cơ quan quản lý thuế. Chính vì vậy khi áp các quy định này vào thực tiễn, DN và cơ quan thuế có thể có những quan điểm và đánh giá khác biệt, từ đó dẫn đến các trường hợp ấn định và/hoặc điều chỉnh giá giao dịch liên kết với giá trị trọng yếu.
Thưa bà, thường DN gặp những vấn đề chính nào về giao dịch liên kết khi bị thanh tra, kiểm tra?
- Có 3 nhóm vấn đề DN hay bị truy vấn. Đó là truy vấn về nghĩa vụ tuân thủ: Cơ quan thuế có thể truy vấn về thời điểm lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết, tính đầy đủ và chính xác của thông tin được trình bày trong hồ sơ hoặc việc doanh nghiệp tự xác định trường hợp miễn trừ nghĩa vụ lập hồ sơ đã đúng chưa.
Truy vấn về phân tích so sánh: Các nội dung về lựa chọn phương pháp xác định giá giao dịch liên kết, quy trình lựa chọn DN tương đồng và các điều chỉnh giả định các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận hoặc điều chỉnh khác biệt trọng yếu mà người nộp thuế thực hiện khi phân tích so sánh thường là những vấn đề được xem xét và yêu cầu giải trình, làm rõ trong thanh tra, kiểm tra.
Truy vấn đối với từng giao dịch liên kết: Các giao dịch liên kết có giá trị trọng yếu và bản chất đặc thù như giao dịch mua tài sản cố định, mua bán nguyên vật liệu, thanh toán phí bản quyền, thanh toán phí dịch vụ nội bộ tập đoàn hoặc giao dịch tài chính là các giao dịch cơ quan thuế có thể truy vấn chuyên sâu.
Được biết, trong năm 2024 các Cục Thuế sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với DN có giao dịch liên kết. Theo bà, các DN cần phải có kế hoạch như thế nào trong giai đoạn này?
- Để có một sự chuẩn bị toàn diện, DN cần lập kế hoạch quản lý rủi ro giá giao dịch liên kết trước, trong và sau thanh tra, kiểm tra, cụ thể:
Chuẩn bị thanh tra, kiểm tra: DN cần đảm bảo thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ tuân thủ, đảm bảo tiến độ và chất lượng của bộ Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết cũng như chứng từ bổ trợ của từng giao dịch. DN cũng cân nhắc chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro như tự theo dõi, kiểm tra, thực hiện điều chỉnh các giao dịch liên kết chưa theo nguyên tắc giá giao dịch độc lập; xem xét kết quả thanh tra, kiểm tra trong quá khứ, thường xuyên cập nhật xu hướng thanh tra, kiểm tra để có sự điều chỉnh và chuẩn bị kịp thời.
Trong thanh tra, kiểm tra: DN cần chuẩn bị, rà soát kỹ lưỡng và cung cấp đủ tài liệu, hồ sơ cho cơ quan thuế đúng thời hạn yêu cầu. Đặc biệt, DN cần xây dựng chiến lược giải trình chi tiết, cân nhắc các phương án giải trình trên mọi khía cạnh và thực tiễn hoạt động để áp dụng phù hợp.
Sau thanh tra, kiểm tra: Trường hợp DN đồng thuận với kết quả tại Biên bản thanh tra, kiểm tra, DN có thể sử dụng kết quả này để tham chiếu khi thực hiện bộ Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết cho các năm sau. Ngược lại, nếu không đồng thuận với kết quả thanh tra, kiểm tra, DN cần bảo lưu ý kiến không đồng ý trong biên bản và có những kế hoạch chuẩn bị cho quá trình khiếu nại.
Trân trọng cảm ơn bà!