Văn hóa

Ứng xử văn minh nơi công cộng

Phạm Sỹ 25/04/2024 13:57

Trong khi chính quyền các địa phương nỗ lực xây dựng, quảng bá hình ảnh con người thân thiện thì lại có một bộ phận ứng xử không đúng mực, ảnh hưởng đến hình ảnh con người địa phương.

anhbaitren(1).jpg
Hướng dẫn trẻ bỏ rác đúng nơi quy định trên phố đi bộ. Ảnh: Công Hùng.

Đời sống văn hóa, xã hội biến chuyển mạnh mẽ. Bên cạnh những giá trị truyền thống tốt đẹp được duy trì, một số thói quen văn hóa xấu vẫn tồn tại có nguy cơ tác động xấu tới việc xây dựng xã hội văn minh.

Thực tế vẫn có một bộ phận, nhất là trong giới trẻ có những hành xử thiếu văn hóa ở nơi công cộng. Không khó để bắt gặp cảnh phụ huynh chen chúc, đỗ xe lộn xộn tại cổng trường sau mỗi giờ tan học, gây tắc nghẽn giao thông. Hay như tình trạng tranh giành và bắt khách dọc đường của nhiều xe khách làm mất an toàn giao thông. Bên cạnh đó, những hành động như nói tục, chửi bậy, viết vẽ lên tường hoặc cãi nhau, đánh nhau, hút thuốc nơi công cộng… thực sự là một vấn đề lớn của xã hội khi mà nó diễn ra hàng ngày, hàng giờ và ở khắp mọi nơi.

Theo TS Phạm Việt Long - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển, nguyên nhân của những vấn đề này có thể xuất phát từ nhiều yếu tố. Thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của việc duy trì văn hóa trong không gian công cộng có thể dẫn đến sự bất cẩn và thiếu ý thức từ phía một số người. Thói quen xấu đã hình thành trong một thời gian dài cũng là một rào cản lớn trong việc thay đổi hành vi.

ThS Lại Vũ Kiều Trang - giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, tuy những hành vi thiếu văn minh chỉ rơi vào một số người nhưng cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng, gây những hệ lụy xấu cho xã hội. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới cá nhân mà còn ảnh hưởng tới môi trường an toàn và thoải mái của những người xung quanh. Đây là vấn đề cần được quan tâm mạnh mẽ hơn, có những cách thức để thay đổi thái độ và hành vi.

Theo các chuyên gia văn hóa, tình trạng này do rất nhiều nguyên nhân, mà một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là do thiếu ý thức và chế tài xử phạt còn thiếu tính răn đe. Vì vậy, để ngăn chặn cần phải có những biện pháp mạnh. Sự thay đổi về nhận thức là quá trình lâu dài và cần có sự chung tay của toàn xã hội.

Cũng theo TS Phạm Việt Long, để giải quyết vấn đề này, cần có một chiến lược đa chiều. Việc giáo dục và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ứng xử văn hóa trong không gian công cộng là điều cần thiết. Các chiến dịch giáo dục cần được tổ chức để đưa ra thông điệp mạnh mẽ về ý nghĩa của việc này đối với cộng đồng. Xây dựng và thực thi luật lệ là bước không thể thiếu, cần có các quy định rõ ràng và đảm bảo cho việc thi hành luật được thực hiện một cách nghiêm túc và công bằng. Tăng cường vai trò của cộng đồng trong việc duy trì văn hóa ứng xử cũng rất quan trọng, cần khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc giám sát và đề xuất các biện pháp cải thiện. Cuối cùng, việc áp dụng các biện pháp xử phạt đối với những hành vi vi phạm là cần thiết để răn đe và giáo dục người dân.

Những giải pháp này cần được thực hiện một cách đồng bộ và liên tục để có thể tạo ra sự thay đổi lâu dài trong cách ứng xử của người dân trong không gian công cộng. Chỉ thông qua sự kết hợp của các biện pháp giáo dục, quản lý và xử phạt, cộng đồng mới có thể đạt được một môi trường công cộng văn minh và hài hòa.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự phối hợp của các cơ quan quản lý cũng như các tổ chức xã hội, đặc biệt là giới trẻ như tổ chức Đoàn, các tổ chức học sinh, sinh viên…. Tổ chức các chiến dịch truyền thông và giáo dục nhằm tăng cường nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của hành xử văn minh. Việc tổ chức các cuộc thi về văn hóa ứng xử cũng sẽ là một cách hữu hiệu để nâng cao nhận thức của cộng đồng. Cùng với sự hoàn thiện về các quy định của pháp luật và sự tăng cường của các cơ quan quản lý nhà nước, mỗi công dân cần thể hiện trách nhiệm cụ thể để góp phần xây dựng văn hóa, văn minh nơi công cộng.

Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành quy tắc ứng xử nơi công cộng. Tại Hà Nội, bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng đã được UBND TP Hà Nội ban hành ngày 10/3/2017.

Phạm Sỹ