Xã hội

Giảm nguy cơ “lọt lưới an sinh”

Lan Hương 25/04/2024 13:57

Để lao động phi chính thức không bị “lọt lưới an sinh” theo các chuyên gia, cần xóa bỏ dần khoảng cách giữa lao động chính thức và lao động phi chính thức.

anh-bai-tren(3).jpg
Các đại biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: L.H.

Tại buổi Tọa đàm Giảm nguy cơ “lọt lưới an sinh” tổ chức tại Hà Nội ngày 23/4, đề cập đến thực trạng lao động phi chính thức chưa được tiếp cận các chính sách an sinh xã hội, ông Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị dẫn số liệu thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, hiện nay cả nước có tổng số hơn 33 triệu lao động phi chính thức, trong đó chỉ 0,2% được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, 1,9% đóng BHXH tự nguyện, còn lại 97,9% không tham gia loại bảo hiểm nào, dẫn đến tình trạng “lọt lưới an sinh” ở phần không nhỏ người lao động

Còn theo ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), sau 15 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,45 triệu người, con số này còn khiêm tốn. Lý do là lao động khu vực phi chính thức chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, điều kiện và thu nhập đảm bảo tham gia BHXH tự nguyện không nhiều. Hiện những người tham gia BHXH tự nguyện mới có 2 chế độ hưu trí và tử tuất.

Những rào cản về chính sách đã khiến người lao động đắn đo khi tham gia BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện. Điều này dẫn đến tình trạng “lọt lưới an sinh” ở phần không nhỏ người lao động. Điều đó đồng nghĩa với việc họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi vì không được bảo vệ đầy đủ với hệ thống pháp luật về lao động.

Ở góc độ cơ quan thực hiện chính sách, ông Đỗ Ngọc Thọ - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam cho biết, năm 2022 có hơn 1,4 triệu lao động tham gia BHXH tự nguyện (đạt độ bao phủ 3,18%). Năm 2023 có hơn 1,9 triệu người lao động tham gia BHXH tự nguyện (độ bao phủ 4,09%). Năm 2024 hơn 2,5 (5,63%) triệu lao động.

Ông Thọ cho rằng, tỷ lệ người lao động tham gia BHXH tự nguyện thấp là bởi đa phần lao động tự do có thu nhập thấp, bấp bênh, thiếu ổn định. Người dân ít quan tâm tới tương lai chỉ quan tâm bài toán mưu sinh trước mắt.

Một trong những giải pháp nhằm mở rộng độ bao phủ lưới an sinh xã hội với nhóm lao động này được nhiều ý kiến đề xuất đó là: bắt buộc lao động phi chính thức phải tham gia BHXH.

Tuy nhiên theo bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông, BHXH Hà Nội thì rất khó để thực hiện điều này. Lý do là bởi thu nhập lao động tự do thấp, nhà nước thì không có đủ nguồn lực để hỗ trợ đóng bắt buộc cho lao động.

Cũng theo bà Châu, trước đây chúng ta quy định lao động phải ký hợp đồng 3 tháng mới tham gia BHXH bắt buộc, nhưng giờ luật quy định lao động ký hợp đồng 1 tháng là phải đóng BHXH bắt buộc. Vì thế đề xuất quy định đóng BHXH bắt buộc với lao động tự do thì cần phải có thời gian, lộ trình cụ thể.

Đồng tình với quan điểm của bà Châu, song ông Thọ cho rằng cần chính thức hóa việc làm phi chính thức cho một bộ phận lao động phi chính thức có điều kiện. Ví dụ như: Grab, Uber, giúp việc gia đình...

Về vấn đề này, GS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, hiện nay chính sách pháp luật trong lĩnh vực BHXH đã tốt hơn nhưng thực tế vẫn chưa đạt được mục tiêu bao phủ BHXH. Do đó, cần xem thiết kế chính sách BHXH hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, cần truyền thông thay đổi tâm lý của người dân khi tham gia BHXH trong việc đóng - hưởng BHXH.

Cũng theo bà An xây dựng chính sách cần hướng tới sự phát triển bền vững. Nhà nước có thể tăng cường chính sách hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, từ đó giúp họ ổn định cuộc sống có tiền tham gia BHXH tự nguyện.

Bà Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng cho rằng, chính sách pháp luật cũng đã hoàn thiện nhất định, tuy nhiên, các giải pháp thực thi còn nhiều hạn chế.

Theo bà Lan, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi có nhiều điểm mới, nhưng để biết có hấp dẫn không còn phải qua thực tiễn.

Lan Hương