Ninh Bình: Tri ân những người làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Trong quá trình chiến đấu và phục vụ ở chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Ninh Bình đã được Quốc hội, Chính phủ tặng 11.677 huân, huy chương các loại; 3.426 bằng khen; 1.446 Huân chương Chiến thắng; 1 chiến sỹ thi đua toàn quân; 43 chiến sỹ thi đua liên khu và tỉnh...
Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), ngày 25/4, Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến (DCHT) trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trình bày diễn văn khai mạc, ông Nguyễn Hoàng Hà - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình khẳng định: Suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, nhất là qua hai cuộc kháng chiến, Ninh Bình có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phòng thủ, luôn là tâm điểm của các cuộc hành quân đánh chiếm và ném bom phá hoại của kẻ thù.
Thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng, ngày 20/1/1954, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra nghị quyết nêu rõ 6 nhiệm vụ của toàn Đảng bộ, quân và dân tỉnh Ninh Bình phục vụ mọi nhiệm vụ Đông-Xuân 1953-1954.
Theo đó, đến đầu năm 1954, số lượng và chủng loại phương tiện vận tải phục vụ chiến đấu đã tăng gấp rưỡi các năm trước; hàng chục nghìn dân công được động viên, tổ chức đi phục vụ chiến dịch, vận chuyển gạo từ Binh trạm tiền phương số 1 ở huyện Nho Quan lên chân dốc đèo Pha Đin.
Tính riêng từ tháng 2-4/1954, toàn tỉnh có 3.716 thanh niên nhập ngũ, bổ sung vào các đơn vị bộ đội chủ lực của Bộ, liên khu và địa phương. Quân và dân Ninh Bình đã nêu cáo ý chí tự lực, tự cường, vừa dốc sức phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, vừa anh dũng chiến đấu, góp phần làm thất bại mọi âm mưu cuối cùng của địch trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Ninh Bình đã được Quốc hội, Chính phủ tặng thưởng 11.677 huân, huy chương các loại; 3.426 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 1.446 Huân chương Chiến thắng; 1 chiến sỹ thi đua toàn quân; 43 chiến sỹ thi đua liên khu và tỉnh; 1 huyện, 25 xã và 2 cá nhân được Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp.
Đến tháng 12/2023, toàn tỉnh có 65 liệt sỹ, 163 chiến sỹ Điện Biên và 4.246 dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi trở về với đời thường, các chiến sỹ Điện Biên năm xưa, dù ở cương vị nào vẫn giữ vững bản chất 'Bộ đội cụ Hồ', động viên nhau sống vui, sống khỏe; là tấm gương sáng để con cháu noi theo.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đoàn Minh Huấn - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình gửi lời cảm ơn tới 70 đại biểu đại diện cho 163 chiến sỹ Điện Biên và hơn 4.000 dân công hỏa tuyến ở Ninh Bình trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã có mặt tại buổi gặp mặt, tri ân.
Với với khẩu hiệu 'Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng', cùng với đồng bào và chiến sỹ cả nước, quân và dân Ninh Bình đã giành mọi nguồn lực, công sức đóng góp cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, ông Đoàn Minh Huấn xúc động khi các ông, bà, các bác hầu hết đều đã trên 85 tuổi, nhiều người sức khỏe đã giảm sút, nhưng vẫn cháy bỏng nhiệt huyết, rạng ngời khí thế Điện Biên năm xưa.
'Các ông, bà, các bác chính là những nhân chứng lịch sử sống động, mạch nguồn cảm xúc của quê hương Ninh Bình góp phần dệt nên bản anh hùng ca Điện Biên còn vang mãi', ông Đoàn Minh Huấn khẳng định.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nhấn mạnh: Các thế hệ người dân Ninh Bình đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và những người con ưu tú của quê hương đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
'Kết thúc cuộc chiến, nhiều người con ưu tú của quê hương Ninh Bình đã nằm lại và để lại một phần xương máu nơi chiến trường. Những người may mắn trở về cuộc sống đời thường, dù ở cương vị nào, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn giữ vững bản chất truyền thống anh Bộ đội Cụ Hồ, tiếp tục góp công sức xây dựng quê hương, đất nước, là tấm gương để con cháu noi theo', Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nói.
Nhớ lại ký ức năm xưa, ông Bùi Kim Thoa (88 tuổi, trú khu phố 13, phường Vân Giang, TP Ninh Bình) cho biết: Ông nhập ngũ tháng 1/1954, được biên chế về Trung đội vận tải, thuộc đơn vị D1- E36- F308- quân đoàn 1.
'Sau khi được điều động lên chiến trường, đơn vị tôi được tham chiến trực tiếp trong những trận cuối tại chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ', ông Thoa cho biết.
Đại diện cho thế hệ trẻ Ninh Bình, em Lương Thu Hằng - học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy cho biết: Bản thân em cũng như các bạn trẻ rất may mắn khi sinh ra và lớn lên trong thời bình. Em thường xuyên tiếp nhận thông tin lịch sử hào hùng của cha ông qua những thước phim tài liệu, ca khúc cách mạng, bài giảng trong nhà trường...
Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã trao 70 suất quà thể hiện sự tri ân tới 70 chiến sỹ Điện Biên, TNXP, DCHT trên địa bàn tỉnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.