Kinh tế

Việt Nam sắp có ‘lúa giảm phát thải’

A.Minh 25/04/2024 14:55

Việt Nam sẽ có sản phẩm “lúa giảm phát thải” trong tháng 8 tới, một lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho hay.

“Nếu không có gì thay đổi thì đến tháng 8/2024 chúng ta sẽ có sản phẩm lúa giảm phát thải và trước hết sẽ do Cục Trồng trọt công bố tiêu chuẩn cơ sở”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết tại lễ ra mắt Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL, chiều 24/4.

Sản xuất lúa phát thải thấp hay sản xuất lúa gạo carbon thấp yêu cầu người sản xuất phải áp dụng các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu, giảm chi phí đầu vào, cắt giảm phát thải khí nhà kính tới 30%.

Theo đó, nông dân sản xuất lúa không đốt rơm rạ, cải thiện cơ sở hạ tầng sấy và xay lúa, giảm cường độ sử dụng năng lượng không thể tái sinh (than đá, dầu mỏ, khoáng sản...).

Để có đủ cơ sở pháp lý công nhận sản phẩm lúa phát thải thấp, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các đơn vị và địa phương ở ĐBSCL triển khai 5 mô hình điểm với ít nhất 250ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, thực hiện liên tục trong ba vụ hè thu, thu đông 2024 và đông xuân 2025 - 2026.

Đầu tháng 5/2024, Bộ NN&PTNT sẽ họp với các tỉnh ĐBSCL và các đơn vị, tổ chức liên quan để thảo luận, xin ý kiến góp ý xây dựng cơ sở pháp lý liên quan đến chi trả tiền giảm phát thải, làm việc với Ngân hàng Thế giới để thống nhất, trình Chính phủ xem xét phê duyệt.

Cuối năm 2023, Chính phủ phê duyệt đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Mục tiêu chung của đề án là hình thành một triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt một triệu héc-ta. Giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/héc-ta, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững, tưới khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.

100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích; trên 1 triệu hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững.

Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.

Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%. Lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

A.Minh