Khơi dậy sức hấp dẫn du lịch về nguồn
Thời gian gần đây, du lịch về nguồn đã được nhiều địa phương chú ý khai thác, như một điểm nhấn của du lịch địa phương.
Ở phía Bắc, các tỉnh như Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Kạn… là nơi ngành du lịch đã biết phát huy thế mạnh khai thác các địa danh gắn với lịch sử, cách mạng để làm điểm dừng chân cho du khách.
Riêng tỉnh Phú Thọ hiện có 967 di tích, trong đó có 324 di tích được xếp hạng gồm: Khu Di tích lịch sử Đền Hùng là di tích quốc gia đặc biệt, 73 di tích cấp quốc gia, 250 di tích cấp tỉnh.
Trong số các di tích có một số khu, điểm di tích tiêu biểu trở thành “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và là địa điểm tham quan hấp dẫn của du khách thập phương như: Khu Di tích lịch sử Đền Hùng; Đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa; Đền Tam Giang, Chùa Đại Bi phường Bạch Hạc, TP Việt Trì; Đền Lăng Sương, xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy…
Phú Thọ ước tính, du lịch về nguồn đã chiếm gần 90% tổng lượng du khách mỗi năm của tỉnh. Năm 2022, lượng khách tham quan, hành hương ước đạt 2,5 triệu lượt, trong đó một số di tích tiêu biểu mỗi năm đón lượng khách lớn như Khu Di tích lịch sử Đền Hùng hàng năm đón khoảng 2 triệu lượt khách; Đền Mẫu Âu Cơ hàng năm đón từ 500-700 nghìn lượt khách.
Mới đây, chỉ trong 10 ngày diễn ra Lễ hội đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2024 (từ ngày 9-18/4), khu vực này ước tính đã thu hút khoảng 3 triệu lượt du khách trong và ngoài nước. Đây là con số khá ấn tượng, bởi đã cao gấp ba lần so với dự tính ban đầu.
Du lịch về nguồn, hiểu theo cách đơn giản nhất, đó là hành trình tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, từ đó “ngược dòng” về với quá khứ, cội nguồn tiên tổ để hiểu biết sâu sắc, thấm thía hơn nỗ lực, cống hiến, tài năng, công lao to lớn của các thế hệ cha ông đối với quê hương, đất nước.
Khu vực Bắc Trung Bộ cũng có hệ thống “địa chỉ đỏ” dày đặc, không chỉ có giá trị giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng bằng các di tích trực quan, sinh động mà còn là tiềm năng lợi thế để khai thác loại hình du lịch về nguồn, hoài niệm. Đó là những địa danh như:
Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị, hàng rào điện tử McNamara, địa đạo Vịnh Mốc, sân bay Tà Cơn, căn cứ Làng Vây, Dốc Miếu, đảo Cồn Cỏ... Thời gian gần đây, những di tích lịch sử này đã trở thành thương hiệu du lịch của Quảng Trị khi được kết nối trong một chương trình du lịch nổi tiếng và rất đặc biệt mà không thể tìm thấy ở bất kỳ tour nào khác trong cả nước: Du lịch vùng phi quân sự DMZ (Demilitarized Zone). Quảng Trị cũng đã khai thác tốt loại hình du lịch văn hóa - lịch sử với chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”, “Con đường huyền thoại”…
Ở các tỉnh phía Nam, du lịch về nguồn cũng được nhiều địa phương quan tâm, tạo thành những điểm nhấn để thu hút du khách. Thống kê từ các địa phương cho thấy nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đang sở hữu lượng lớn các di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có nhiều di tích được xếp hạng quốc gia, quốc gia đặc biệt, trở thành nền tảng, chất liệu cơ bản để địa phương phát triển mạnh loại hình du lịch về nguồn.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, hiện thành phố có gần 200 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật hoặc khảo cổ học được xếp hạng là di tích cấp quốc gia và cấp thành phố, ghi dấu ấn các thời kỳ lịch sử của vùng đất, con người Sài Gòn xưa - TPHCM hôm nay. Hai di tích được xếp hạng di tích quốc gia hạng đặc biệt là Di tích lịch sử Dinh Độc Lập và Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi.
Di tích lịch sử Dinh Độc Lập tọa lạc tại Quận 1 là nơi vào trưa ngày 30/4/1975, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh, kết thúc 30 năm kháng chiến hào hùng của dân tộc Việt Nam, thống nhất đất nước.
Còn Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi ở hai xã Phú Mỹ Hưng và Nhuận Đức, huyện Củ Chi, được biết đến với hệ thống đường hầm dọc ngang, nhiều tầng, xuyên trong lòng đất, kết hợp với những chiến hào, công sự trên mặt đất trong thời kỳ kháng chiến.
Đây là nơi các vị lãnh đạo Khu ủy, Quân khu Sài Gòn - Gia Định từng sống và làm việc, trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo Cách mạng Sài Gòn - Gia Định giành nhiều thắng lợi vẻ vang trong suốt hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Hiện nay, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi là nơi giáo dục truyền thống, điểm đến tham quan, du lịch, mang ý nghĩa tri ân công ơn của các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định năm xưa.
Xuôi về Đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre - quê hương của phong trào Đồng khởi năm xưa, cũng là địa phương có nhiều điểm đến du lịch về nguồn, du lịch gắn với di tích lịch sử.
Hiện toàn tỉnh Bến Tre có gần 80 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trong các chương trình triển khai gìn giữ, bảo tồn di tích cũng như định hướng chiến lược phát triển du lịch, các di tích này luôn được chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị, là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn.
Có thể nhắc tới một số di tích lịch sử tiêu biểu trên địa bàn tỉnh như di tích Đồng khởi Bến Tre ở xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam; Mộ và khu lưu niệm danh nhân Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức, huyện Ba Tri; Khu lưu niệm Đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm; Khu di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc-Nam, nơi có địa danh Bến tàu không số ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.
Giới chuyên gia du lịch nhìn nhận, du lịch về nguồn là một sản phẩm du lịch đặc biệt mà các địa phương cần tập trung khai thác. Nhưng để khai thác hiệu quả, cần có sự kết nối, đổi mới và cách làm sáng tạo. Cần tổ chức các hoạt động giúp du khách không cảm thấy đơn điệu khi đến thăm những di tích lịch sử, nhất là với những du khách “trở lại”. Tổ chức các chuỗi sự kiện văn hóa, lễ hội, những dịch vụ bổ trợ có dấu ấn tại điểm đến sẽ giúp du khách có trải nghiệm thoái mái hơn.
Ngoài ra, mỗi di tích có đặc trưng, câu chuyện lịch sử, sự kiện và nhân vật riêng, vì vậy, cần xây dựng các chương trình tham quan phù hợp, lồng ghép các hoạt động vui chơi giải trí mang tính trí tuệ, trải nghiệm hoặc vận động tập thể theo đội, nhóm, phù hợp các đối tượng tham gia, thông qua đó truyền tải các kiến thức, thông điệp mà di tích muốn thể hiện.
Du lịch về nguồn, du lịch hoài niệm không chỉ mang lợi ích kinh tế mà đây cũng là cách bảo tồn và phát huy các giá trị di tích một cách bền vững và ý nghĩa hơn. Một chuyến du lịch về nguồn, sẽ truyền tải và tiếp nhận kiến thức lịch sử, cách mạng tự nhiên nhất, thấm đẫm trong tâm hồn mỗi người những rung cảm về sự hy sinh, tinh thần kiên trung, bất khuất, lòng biết ơn, niềm tự hào dân tộc để từ đó sống đẹp hơn.
TPHCM coi việc xây dựng, khai thác các điểm đến là di tích lịch sử - văn hóa là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần đa dạng sản phẩm, khẳng định sức hút của trung tâm du lịch lớn trong cả nước. Một trong những sản phẩm du lịch nổi bật gắn với di tích lịch sử là hành trình tour mang tên “Theo dấu chân biệt động Sài Gòn” được nhiều doanh nghiệp lữ hành đưa vào khai thác, tạo cho du khách trải nghiệm và cảm xúc rất đặc biệt.