Tinh hoa Việt

Ý chí và sức sống con đường tải lương

DIÊN KHÁNH 04/05/2024 07:45

Nói đến công lao lặng thầm của lực lượng dân công, không thể không nhắc đến những sáng tạo trong việc biến chiếc xe thồ thành “binh đoàn xe thồ” tải lương thực.

1-dai-tuong-niem-tnxp-tai-nga-ba-co-noi-son-la-.png
Đài tưởng niệm TNXP tại ngã ba Cò Nòi (Sơn La).

Càng không thể không nhắc đến tinh thần đoàn kết, một người vì mọi người, mọi người vì tiền tuyến. Cả “binh đoàn” nối đuôi nhau chở hàng, vượt hàng trăm cây số, bom đạn quân thù bủa vây, đánh chặn.

Sáng tạo trong tình hình khẩn thiết

Những câu chuyện của các cựu dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong (TNXP) tham gia tải lương hiện về, như thể sự kiện vừa diễn ra. Như thể sức trẻ còn căng tràn trong huyết quản những lão dân công mà một thời họ chỉ biết đạp đường, đạp chông gai tiến lên phía trước.

“Sử dụng xe thồ tải lương là một sáng tạo vô tiền khoáng hậu. Quân và dân ta đã biến điểm yếu thành thế mạnh, sử dụng hơn 21 nghìn chiếc xe đạp thồ, hoạt động trên tuyến đường mòn dài hàng trăm cây số!”, ông Nguyễn Bá Viết, trú tại phố Ái Sơn 1, phường Đông Hải, TP Thanh Hóa đã thốt lên đầy tự hào. Ông kể: Năm 18 tuổi (năm 1953) theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, tôi tình nguyện lên đường nhập ngũ ra chiến trường chống giặc.

Theo cuốn "Thanh Hóa với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ", từ cuối năm 1953 đến tháng 3/1954, dân công Thanh Hóa đã kế tiếp nhau vận chuyển lên chiến dịch 2.352 tấn lương thực và 265 tấn thực phẩm. Đây cũng là nơi huy động cao nhất số lượng xe đạp thồ để làm phương tiện vận chuyển.

Chiếc xe thồ bình thường làm sao đủ sức chở nặng và chinh phục quãng đường dài như vậy? Ông Nguyễn Trọng Áp (91 tuổi), ở xã Đông Quang, huyện Đông Sơn chia sẻ: Đó là “kỹ xảo” làm cứng hóa xe đạp.

“Kỹ xảo” ấy được nâng lên từng giờ, tổng hợp bao nhiêu sáng kiến của trí thông minh và lòng yêu nước. Dân công và TNXP Thanh Hóa đã táp thêm những thanh tre vào ghi-đông xe. Chưa hết, để nâng trọng tải cho xe, người dân công còn dùng vải bọc một lớp vào săm, cắt sợi tanh của chiếc lốp cũ bọc thêm vòng ngoài săm và ngoài cùng là chiếc lốp mới.

Ông Trần Khôi, nguyên Chính trị viên Đại đội xe thồ C101, diễn giải: “Trước yêu cầu cấp bách của tiền tuyến, các đại đội đều ra sức thi đua nâng tải, nhằm nhanh chóng đưa lương thực ra mặt trận. Chế bánh xe như vậy mới chịu nổi sức nặng và độ dài của đường. Vì đường đi khó khăn nên dân công áp dụng phương pháp “tổ tam tam” - gồm ba người. Để lên dốc, một người buộc dây đầu xe kéo trước. Người sau đẩy, còn người giữ lái tì vai vào cọc thồ, đẩy lên. Xuống dốc thì ngược lại. Cả hai người kéo dây phía sau”.

“Tiếng hát át chông gai”

Ông Lê Ngọc Đồng, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) đã ví von như vậy bởi đó là cách tốt nhất để dọc đường đi có dũng khí vượt qua các trở ngại như muỗi, vắt, hổ, báo mai phục.

Bao dân công trúng sốt rét rừng, da dẻ xanh xao, có người bị nước lũ cuốn trôi, người bị hổ vồ. Hay những người bị ốm, những chiếc xe thồ bị gẫy hẳn phải nằm lại dọc đường cũng khiến không ít người nhụt chí.

Bà Trịnh Thị Miên, Xã Định Hải, huyện Yên Định, cho biết: “Xưa gánh gạo trong rừng thiêng nước độc, lực lượng TNXP, dân công địa phương dù quen lắm cũng phải thốt lên: “khủng khiếp”. Có đêm hành quân, cả đoàn ùn ùn tiến lên phía trước, vậy mà hổ trong rừng vẫn xông ra ngoạm vào mông ngựa. Vì thế mà từ đó dân công truyền tai câu ca: “Nước làng Cha, ma La Hán, vắt Hồi Xuân” để nói về những nơi khó vượt qua. Sau đó lại động viên nhau cố gắng…”

Trong số những gương mặt tuổi đôi mươi, không ít người là tiểu thương, một số con nhà khá giả, chưa từng phải thồ nặng hay gánh gồng, nay bị những trận mưa rừng ào ạt làm bước chân mỏi mệt. Nhiều cô gái đang tuổi ăn tuổi lớn, chưa từng thấy vắt, hổ báo… vẫn cất bước, vừa đi vừa hát động viên nhau: “Hò lơ, hó lơ… Đèo cao thì mặc đèo cao. Tinh thần tiếp vận còn cao hơn đèo”. Cựu dân công Nguyễn Bá Điền, thôn Yên Lược, xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân, hồi tưởng: “Không có tinh thần thép thì không thể vượt qua những cung đường khủng khiếp, lầy lội ấy. Dân công nhiều người biết hát đối. Họ hát nghe như không phải ra chiến trường. Ánh đèn ban đêm nối dài, nối dài như con rồng lửa xuyên rừng”.

Vượt tọa độ lửa

Dẫu vậy “con rồng” người ấy đã phải vượt qua nhiều “tọa độ lửa” là các khu vực: Phú Lệ - Hồi Xuân - Vạn Mai; ngã ba Cò Nòi; đèo Lũng Lô - đèo Chẹn; đèo Pha Đin... mà đến nay, ai nghe nói đến đều thấy kinh hoàng.

Cựu TNXP Lê Hữu Thảo (93 tuổi) người con quê xã Thiệu Giao (Thiệu Hóa) nhớ lại: “Từ cuối năm 1953, tôi đã tham gia đội xe đạp thồ, chở lương thực và đạn dược từ Thọ Xuân lên. Với đôi dép cao su cùng chiếc xe được cấp, tôi thồ từ 80 đến 120kg mỗi chuyến, nhiều đồng đội còn thồ tới hơn 200kg. Mấy xã Phú Lệ, Co Lương, Vạn Mai (thuộc huyện Quan Hóa) sát nhau, lương thực tập kết nhiều, nên là cái túi đựng bom quân thù thả xuống. Tôi đi dân công về, đếm quanh nhà mình cũng đến mấy chục hố bom”.

Có lẽ, với các cựu TNXP, cựu dân công hỏa tuyển, đoạn ngã ba Cò Nòi và đèo Pha Đin là hai nơi giao tranh nhiều nhất giữa ta và địch. Ngã ba Cò Nòi, nơi gặp nhau của đường 13 và đường 42 (Quốc lộ 6 ngày nay), là khu vực bộ đội, dân công, thanh niên xung phong từ các đơn vị Khu III, Khu IV hay từ Việt Bắc đều phải đi qua. Địch cho nhiều tốp máy bay đánh từ phà Âu Lâu (Yên Bái) đến đèo Lũng Lô, đèo Chẹn, phà Tạ Khoa đến ngã ba Cò Nòi.

Chúng dùng các loại bom nổ chậm, bom phá, bom na pan... có ngày chúng rải hơn 300 quả bom. Cuối tháng 3/1954 địch bắt đầu dùng bom bươm bướm. Đây là loại bom cực kỳ nguy hiểm. Khi địch thả xuống, từ quả bom mẹ tách ra hàng trăm quả bom con bám vào cành cây. Là nơi mà người dân công tải lương luôn bị “nắn gân”, sự sống và cái chết cách nhau tích tắc.

Cựu TNXP Lê Thế Duệ hiện đang sinh sống tại tổ 6, phường Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên (quê gốc Thanh Hóa), làm nhiệm vụ phá bom, làm đường khu vực Cò Nòi cho biết: “Trên thì bom bươm bướm, dưới chân thì chông, bom nổ chậm, bộ đội, TNXP và dân công của ta bị thương, hy sinh rất nhiều. Có hôm, cả một trung đội trúng bom, thương vong gần hết. Nơi đây chẳng khác ngã ba Đồng Lộc thời kỳ đánh Mỹ”.

Tại điểm đèo Pha Đin, các lực lượng TNXP, dân công bố trí tới 9 đại đội, 4 ở đầu dốc Thuận Châu, 4 ở dốc phía Tuần Giáo, 1 đại đội “trụ” trên đỉnh đèo. Cuộc chiến đấu trên đèo Pha Đin khiến hàng trăm người đã hy sinh. Vào giữa tháng 4/1954, 10 đoàn xe của ta chở hàng ra mặt trận. Địch phát hiện, chúng cho máy bay đến bắn phá. Một ô tô của ta bị cháy.

Ông Trịnh Văn Huyền dân công hỏa tuyến đang làm nhiệm vụ trong khu vực, đã dũng cảm nhảy lên de dập lửa, hô hào anh em nhanh chóng bốc đạn, chuyển hàng, cứu xe...

Tại di tích đèo Pha Đin ngày nay, tấm bia màu đỏ được dựng lên, nhiều đoàn du khách đi qua đều dừng lại thăm viếng. Trên tấm bia ven con dốc này cũng ghi lại những thông tin một thời khói lửa và ác liệt của hơn 70 năm về trước. "Đèo Pha Đin dài 32km, điểm cao nhất là 1.648m so với mực nước biển.

Đây là nơi hứng chịu nhiều trận oanh tạc bằng máy bay của thực dân Pháp nhằm ngăn chặn đường tiếp vận vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm của ta phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Dưới làn bom đạn của kẻ thù, với lòng quết tâm và tinh thần quả cảm, bộ đội, dân công và thanh niên xung phong vẫn bám trụ, vừa phá đá mở đường, vừa tháo gỡ bom mìn, giữ vững mạch máu giao thông, bảo đảm chi viện kịp thời cho chiến dịch đến ngày toàn thắng”.

Biết bao máu xương, mồ hôi, nước mắt của lực lượng dân công, TNXP đã tạo nên con đường huyền thoại để mãi mãi về sau vẫn nhắc nhớ. Những đoàn xe đạp thồ từ Thanh Hóa lên, đoàn ngựa thồ từ Lai Châu xuống, những đoàn người gánh gạo ngày đêm... đều được tái hiện bằng hình ảnh và mô hình sinh động.

Riêng quãng đường tải lương, đạn dược từ Thanh Hóa lên đến chiến trường đã hơn 500km, khi ấy cơ bản đường mòn, đèo cao suối sâu vô cùng gian nan.

DIÊN KHÁNH