Đặt tên làng, xã khi sáp nhập: Gìn giữ và tạo nên những ‘thương hiệu’ mới
Câu chuyện đặt tên mới hay giữ tên cũ được dư luận hết sức quan tâm khi trên cả nước đang thực hiện việc sáp nhập huyện, xã. Làm sao để giữ được những tên cũ, tên cổ, gắn bó với cư dân vùng đất và thậm chí đã góp phần định danh một vùng văn hóa? Làm cách nào để những tên mới không chỉ là sự lắp ghép vô hồn?...
TS Trần Hữu Sơn - Chuyên gia Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng, cho rằng việc đặt tên làng, tên xã rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, vì tên làng là danh xưng, cũng giống như là thương hiệu.
PV: Thưa ông, cả nước dự kiến sẽ có hơn 600 đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập vào năm 2025, vì vậy hiện nhiều địa phương đang “chạy đua” để hoàn thành chỉ tiêu. Đi cùng với đó không tránh khỏi đụng đến danh xưng của vùng đất?
TS TRẦN HỮU SƠN: Đúng thế. Tên làng, tên xã rất quan trọng, đó là hồn cốt của làng. Mặt khác tên làng còn có giá trị lịch sử, mang ý nghĩa thuở ban đầu. Tại sao làng lại đặt cái tên đó?
Chẳng hạn làng Mễ Trì, tại sao lại gọi là Mễ Trì? Mễ là gạo, Trì là ao, khi ghép nghĩa lại thành ao gạo, là đặc trưng nông nghiệp của vùng đất này. Tất cả tên địa danh đều có cấu tạo về lịch sử, văn hóa, cư dân, phong tục tập quán, địa lý tự nhiên... mang dấu ấn đặc trưng của làng. Do đó không được làm một cách vội vàng mà coi thường việc đặt tên khi sáp nhập làng, xã.
Đây không phải lần đầu tiên chúng ta sáp nhập và đổi tên làng, xã, huyện. Vậy việc sáp nhập, đổi tên trước đây diễn ra như thế nào?
- Thời xưa, các tầng lớp tinh hoa là người đặt tên cho làng, xã chứ không phải tầng lớp bần cố nông. Giai đoạn đầu của tên làng thường đơn giản để miêu tả đặc điểm vùng đất, hay lấy tên, họ của người khai khẩn đất hoang lập ra làng, có khi dựa vào nghề…
Sau đó chúng ta có từ “kẻ” thường đứng trước mỗi tên gọi chính của làng, rồi dần mờ nhạt đi, cùng với đó là sự xuất hiện của Nho giáo cũng ảnh hưởng đến việc chuyển tên địa danh làng, xã.
Ở giai đoạn sau Đổi mới, ta sáp nhập một loạt làng xã. Để duy trì kháng chiến thành công, nêu cao giá trị của không có gì quý hơn độc lập, tự do, ta thường lấy những từ như: Thành Công, Đoàn Kết, Quyết Thắng... mang tính cổ vũ. Tuy nhiên khắp nơi đặt tên như thế thì không mang tính đặc thù.
Ta nên tôn trọng cái cổ truyền để khi đọc địa danh cổ sẽ biết ngay đặc điểm của những người dân tộc. Bây giờ khi công nghệ số phát triển, xu hướng toàn cầu hóa thì tính đặc thù, cái riêng càng có giá trị.
TS Trần Hữu Sơn
Nguyên nhân dẫn đến việc này cũng là bởi thời điểm đó, người ta chưa có một tầm nhìn mới nên vẫn bị ảnh hưởng bởi những cách gọi tên như xóm trong, xóm ngoài, giáp trên, giáp dưới... hoặc xã tên núi, tên sông, gò, đồng... sau đó đã bị xóa vì không hay. Thay vào đó phải có những tên gọi như Cộng Hòa, Dân Chủ, Quyết Thắng... Nhưng cuối cùng nó cũng chỉ mang tính chất chung chung, không có đặc tính riêng nên khó phân biệt.
Ở một số nơi, nhiều làng, xã cùng mang một cái tên của những danh nhân, võ tướng…Điều đó ít nhiều gây khó khi địa phương muốn phát triển du lịch, kinh doanh buôn bán. Vì thế, một vấn đề đặt ra hiện nay là việc đặt tên mới sau khi sáp nhập, nếu không giữ được tên cũ, thì phải nghĩ tới những cái tên - những thương hiệu mới?
- Đúng vậy. Nhiều làng, xã thường lấy tên của các vị anh hùng như Quang Trung, hay Hai Bà Trưng... làm tên làng. Trong khi không có những chứng tích lịch sử về sự xuất hiện của các nhân vật trên mảnh đất. Thêm vào đó, những vị anh hùng lớn của dân tộc mang yếu tố sở hữu chung nên tên xã không nên đặt theo tên của họ để tránh việc nhiều nơi cùng chung tên gọi của một vị anh hùng.
Đặc biệt khi làm du lịch thì phải xem di sản, di tích liên quan đến địa điểm đó như thế nào. Bởi khi địa điểm đã nổi tiếng trên bản đồ du lịch thế giới thì việc đổi tên làng, xã sẽ gây ra hậu quả khôn lường cho du lịch. Vì xây dựng một cái tên, một thương hiệu không phải là điều đơn giản.
Tên làng, tên xã hiện nay cần mang tính đa dạng, đặc thù, mang yếu tố riêng thể hiện đặc điểm của làng xã. Chẳng hạn đặc điểm về nghề nghiệp, địa hình, một cái doi, một con ngòi, sông, suối, gò, đồi... Hoặc có thể liên quan đến các chiến thắng như Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa...
Vậy, theo ông đâu là những tiêu chí khi đặt tên làng, xã?
- Theo tôi, có 4 tiêu chí khi đặt tên cho làng, xã. Thứ nhất, tên phải nêu được đặc trưng, xuất phát từ lịch sử của làng. Cùng với đó, nếu làng, xã đó đã từng có tên cổ xưa thì không nhất thiết phải đặt ra một cái tên mới.
Thứ hai, tên gọi dựa vào đặc thù nghề nghiệp cũng là một căn cứ quan trọng. Mặc dù nghề của làng đó có thể biến mất hoặc vẫn còn lại chút ít, nhưng nếu nó đã từng “vang bóng một thời” thì nên đặt theo tên nghề.
Thứ ba, lấy di tích văn hóa, địa danh nổi bật của làng, xã để đặt tên. Tôi lấy ví dụ, khi tỉnh Hoàng Liên Sơn sáp nhập 3 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Nghĩa Lộ thành tỉnh Cai Bái Lộ, cái tên nghe không hay và không làm bật lên đặc điểm của 3 tỉnh nên sau đó đã lấy cái tên tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Thứ tư, dựa vào những đặc điểm xã hội, con người đặc trưng, vị trí địa lý... của làng đó. Tôi đã từng khảo sát tên gọi các khe ở Lào Cai, có tới 60 tên khe khác nhau như Khe Quýt, Khe Hồng... đã được thế hệ trước gọi tên rất hay. Mà bây giờ xã cứ phải Cộng Hòa, Quyết Tiến... Những Khe Cam hay như thế tại sao không đặt? Những cái tên như Suối Giàng, Ngòi Nhì... là những gia tài quý giá mà tổ tiên để lại, ta phải cùng nhau giữ lấy.
Ở các xã vùng núi ta nên trở lại với các tên làng như phum, sóc, bản, phu... thì quá hay. Các bản của người Hà Nhì gọi là “phu” thì tại sao ta không dùng? Cứ mãi dùng chữ “bản”. Người Dao thì dùng từ “động”... Ta nên tôn trọng cái cổ truyền để khi đọc địa danh cổ sẽ biết ngay đặc điểm của những người dân tộc. Bây giờ khi công nghệ số phát triển, xu hướng toàn cầu hóa thì tính đặc thù, cái riêng càng có giá trị.
Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, tất cả 56 tỉnh, thành phố có đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 đã gửi phương án tổng thể. Theo đó, tổng số huyện thực hiện sắp xếp là 50 đơn vị, sau khi sắp xếp dự kiến giảm 14 đơn vị. Cấp xã có 1.243 đơn vị, sau khi sắp xếp dự kiến giảm 619 đơn vị.
Thống kê cho thấy có 3 hình thức đặt tên mới cho các đơn vị hành chính sau khi sáp nhập: Đặt tên mới hoàn toàn, giữ tên một trong các đơn vị sáp nhập và ghép tên các đơn vị sáp nhập với nhau. Trong đó, cách đặt tên đơn vị hành chính mới theo công thức lấy mỗi đơn vị một chữ ghép lại để thành tên mới rất phổ biến ở nhiều tỉnh, thành như Hải Dương, Thái Bình, Nghệ An, Đà Nẵng..
Nếu đặt lại tên gọi từ thời cổ xưa có lẽ sẽ như “chiếc phao cứu sinh” cho một ngôi làng đang đứng trước nguy cơ mất đi lịch sử?
- Tên cổ rất giá trị đối với làng, chúng ta cần tôn trọng nó như giống như tôn trọng người già. Phải căn cứ vào vùng đất, có tên gọi cổ không, đặc thù gì về địa danh, về nghề nghiệp, tổ chức xã hội... Dù tên cổ nghe là lạ, thậm chí khó hiểu hoặc thông thường hư Cồn Hến, Mả Tre, Dộc Chuối... thì ta cũng nên dùng vì tên đó mang đặc trưng địa hình của làng quê đó.
Hoặc có tên gắn với đời sống của nhân dân như bãi soi, dân gọi là soi tiền hay soi hậu, thì hãy tôn trọng cái soi, hãy đặt tên như thế. Hay đặt tên cánh đồng cũng xuất phát từ người dân ra thì hay biết bao nhiêu. Ta đang bị cầu kỳ trong nguyên tắc đặt tên.
Nói như vậy, yếu tố lịch sử, địa lý và văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc đặt tên mới, đòi hỏi sự cẩn trọng chứ không đơn thuần là việc đặt một cái tên là xong?
- Đúng là như vậy. Khi nghiên cứu văn hóa của một làng, xã để phục vụ cho việc đặt tên mới sau khi sáp nhập phải cần đến những chuyên gia như nhà sử học, nhà ngôn ngữ học để tìm về cái gốc rễ của văn hóa bản địa, từ đó đưa ra những căn cứ, minh chứng xác đáng để vừa giúp cán bộ địa phương hiểu, vừa để người dân nhận thấy và tăng trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ văn hóa làng trước nguy cơ mai một sau này.
Ông đánh giá thế nào về tình trạng một số nơi đặt tên một cách máy móc, vô hồn như hiện nay?
- Con người có khi chưa sinh ra đã được đặt tên, làng xã cần một sự đầu tư lớn hơn. Không thể chỉ đưa ra một danh sách tên, ghép nối theo hình thức lắp ghép khuôn mẫu rồi họp lấy ý kiến của người dân trong một thời gian nhất định là có thể đổi được tên xã mới. Điều đó cho thấy sự thiếu trách nhiệm và không đủ phông văn hóa để đặt được một tên mới cho lãng, xã.
Cái giá phải trả khi đặt tên mới cho làng, xã không giữ được những yếu tố cốt lõi là gì, thưa ông?
- Tôi nói như thế hệ tôi, sẽ bảo với thế hệ ông tôi đặt tên xã là Cộng Hòa, Độc Lập... cũng khiến cho việc nghiên cứu lịch sử sau này gặp không ít khó khăn, buộc nhà nghiên cứu phải đi điền dã.
Riêng phần nhận thức về mặt khoa học cần tầng lớp tinh hoa là các nhà nghiên cứu đứng ra để định hướng nguyên tắc đặt tên. Nếu không có sự định hướng thì việc nối tiếp lịch sử của một vùng đất thông qua tên gọi sẽ ngày càng bị mai một và có thể mất đi ngay sau khi đổi tên. Đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng không chỉ bây giờ mà ảnh hưởng cho cả nghìn năm sau.
Tên làng không chỉ là cái tên mà nó là niềm tự hào của người dân, là chứng nhân của lịch sử để giáo dục truyền thống cho con cháu. Giữ được tên như thế nào sẽ phụ thuộc vào cộng đồng.
Ông có thể chỉ ra những nguyên tắc khi đặt tên làng, xã là gì?
- Đặt tên cho làng, xã là việc quan trọng nên phải được xây dựng trên một nguyên tắc bài bản để khi thực thi không gây ra những làn sóng ý kiến không đồng tình của cộng đồng dân cư.
Đầu tiên, phải đặt ra các nguyên tắc mang tính khoa học, đề cao tính đặc thù của vùng đất. Điều này cần sự góp sức của các tầng lớp tinh hoa, các nhà khoa học đặc biệt là những người dân đã gắn bó với làng lâu năm.
Tiếp theo, dựa trên 4 tiêu chí khi đặt tên làng xã mà tôi đã nêu ở trên để xác định yếu tố lịch sử, nghề truyền thống, đặc điểm xã hội, đặc điểm tự nhiên, di tích văn hóa, lịch sử... Yếu tố nào nổi bật mà các đối tượng làng, xã cần sáp nhập đều sở hữu thì chúng ta lựa chọn. Trong đó phải đề cao yếu tố lịch sử lên hàng đầu. Như thế chúng ta sẽ có được điểm tựa để đề xuất một danh sách tên gọi có thể lựa chọn.
Tiếp đó, nguyên tắc đặt tên phải được thể chế hóa bằng văn bản hướng dẫn cụ thể cách đặt tên từ Trung ương cho đến địa phương.
Cuối cùng, phải làm tốt công tác tổ chức bầu chọn tên, coi trọng ý kiến của cộng đồng nhân dân. Không được để tình trạng cán bộ làng, xã quyết định rồi họp bàn qua loa với người dân. Vì đại đa số những cuộc họp tập trung dân cư không thể tránh khỏi sự chủ quan, dễ quyết định theo số đông, hay kể cả những người dân khi đi họp không ở trong một tâm thế sẵn sàng góp ý.
Theo ông, để có thể triển khai đồng bộ và có hiệu quả quy trình sáp nhập và đổi tên làng, xã cần có những giải pháp như thế nào?
- Tôi nghĩ rằng có 4 giải pháp hoàn toàn có thể thực hiện được, nhưng lại chưa được thực hiện trước khi các địa phương bắt đầu việc sáp nhập, đổi tên làng, xã.
Điều đầu tiên phải nhắc đến đó là cần nâng cao nhận thức cho người dân trong việc thay đổi tên làng, xã. Đừng coi đây là chuyện nhỏ, là chuyện của các cán bộ địa phương. Mà đây là việc của toàn thể nhân dân, mỗi người dân sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi tên làng, xã.
Nhưng hơn hết, nâng cao nhận thức để người dân hiểu được đổi tên làng, xã sau khi sáp nhập không chỉ đơn giản là cái tên mà còn là sự thay đổi gắn với văn hóa. Nếu văn hóa không được thể hiện trong tên làng thì không còn tính đặc trưng, mà tên làng, xã nào cũng gần gần giống nhau thì còn đâu những giá trị văn hóa cho mai sau.
Tiếp theo, cần phải thể chế hóa bằng văn bản của Bộ Nội vụ và sự giúp sức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bộ Nội vụ cần trưng cầu dân ý, tham khảo các ý kiến của các nhà khoa học để được tư vấn trong việc đặt tên.
Các nhà khoa học cũng cần nêu cao trách nhiệm của mình, phải là những người đi tiên phong đóng góp ý kiến thông qua những nghiên cứu từ lịch sử, trong thực tế hiện nay để chỉ ra được đâu là ngọn nguồn của tên làng?
Cách thức nào để đặt được một cái tên hay?... Vì để đặt tên cho một làng không phải là chuyện đặt cho có, phải dựa trên khoa học và tôn trọng những giá trị văn hóa lâu đời của làng quê.
Vậy nên rất cần đến trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc tổ chức những cuộc hội thảo, tọa đàm để lắng nghe các nhà khoa học cùng bàn luận, và thống nhất đưa ra những yếu tố quan trọng để xây dựng nguyên tắc đặt tên cho làng, xã sau khi sáp nhập.
Sau khi có thể chế, hướng dẫn bằng văn bản thì vai trò của nhà quản lý thực thi phải làm đúng, cùng nhân dân bàn luận, lấy ý kiến người dân để tham khảo và bổ sung. Chẳng hạn không thể lấy tiêu chí làng nhiều dân sẽ được ưu tiên đặt tên khi sáp nhập với làng ít dân.
Đó là việc làm hoàn toàn sai. Nếu như làng ít dân sở hữu di tích lịch sử như từng là nơi diễn ra trận chiến lịch sử hay tên cổ thì phải được ưu tiên đặt tên. Khi người dân chưa thông hiểu thì cần sự giúp đỡ của các tầng lớp tinh hoa.
Ở Hà Nội có rất nhiều nhà khoa học có thể giúp các làng quê giải quyết vấn đề đổi tên, sáp nhập như các nhà khoa học ở Viện Sử học, Viện Dân tộc học...
Cuối cùng, cần phải tổ chức làm thí điểm ở một số xã, huyện cần sáp nhập để đặt tên dựa trên thể chế, quy định đã có. Sau đó tổng kết và rút kinh nghiệm rồi mới triển khai trên cả nước.
Tôi mong rằng lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có những chỉ đạo sát sao hơn, phải thực sự nghiêm túc về vấn đề này chứ không phải duy ý trí. Chúng ta phải nhìn vào hành trình trong lịch sử như thế nào để có được tên gọi như bây giờ, không thể máy móc, làm cho xong mà không quan tâm đến văn hóa của dân tộc mình.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tại Nghệ An, khi cần sáp nhập hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu, người dân hai xã đều muốn giữ nguyên tên cũ thì theo ông trường hợp này xử lý thế nào?
- Cách thứ nhất, chúng ta cần tìm lại tên chung của hai xã trước đây. Một cái tên cổ trong thời kỳ hai xã chưa chia tách để đặt lại tên, điều đó vừa làm tăng tính thuyết phục đối với người dân và còn tìm lại được tên gọi có chiều dài lịch sử.
Cách thứ hai là xem xét giữa hai làng có chung đặc điểm gì về văn hóa, nghề thủ công, địa hình đặc thù như có suối, có sông, có núi ra sao, có cánh đồng nào nổi tiếng... rồi dựa vào đó đề ra những tên mới có ý nghĩa, thay vì lắp ghép đơn giản 4 chữ Quỳnh Đôi, Quỳnh Hậu thành Đôi Hậu.