Trên mặt hồ huyền thoại
Trên vùng nước thẫm lùa phơi phới từng luồng gió mát, chúng tôi ngắm những ngọn núi nhỏ nhô lên xa xa, nghe giọng thuyết minh của cô bạn Trà My...
Anh em ở huyện nói, trước để đi hơn trăm cây số từ Tuyên Quang lên Na Hang cũng phải mất nửa ngày. Thế mà xuống Hà Nội thì thêm đôi ngày nữa. Nghĩ đến đi lại một thời thôi cũng ngại. Ngại đường nhỏ, xe xóc, bụi bặm, lại uốn lượn vòng vèo, đàn ông cũng lử đử nói gì chị em.
Cho nên không phải quá heo hút như những nẻo tuyệt mù các huyện Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu…, nhưng đến miền cao như ở Na Hang, thì đã như lọt vào một vùng đất khác, hoang sơ, thiếu thốn, chầy chật. Chính anh Hoàng Quang Tuyên - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy đã nói trong lúc trò chuyện thân tình, rằng xưa người ta gọi là “vương quốc Na Hang” mà.
Thế mà so sánh một chút khi chúng tôi đến bến tàu lòng hồ thủy điện Tuyên Quang thuộc bên địa phận huyện Na Hang thì sẽ thấy ngay sự thay đổi. Chếch bến tàu khởi hành tham quan non nước lòng hồ một đoạn xa xa là bến thu mua tôm cá.
Ở đấy sáng sớm người dân tập kết thủy sản đánh bắt được về bán cho các nhà hàng, các tàu du lịch để chế biến món ăn cho khách dùng ngay buổi trưa thong dong mặt hồ. Và cũng ngay cuối chiều, đã có những chiếc thuyền, xuồng cập bến, chuyển hàng tấn cá tôm mới bắt được trong ngày lên bờ, đưa lên ô tô chạy trong đêm về Long Biên, Hà Nội để kịp cung cấp thủy sản tươi lòng hồ cho nhà hàng và người chuộng đồ Tuyên Quang.
Nói chuộng đồ Tuyên Quang thì chúng tôi lên Na Hang một cái là đã thấy ưng rồi, ở độ tươi, ngọt, thanh mát của thịt, cá, rau củ tươi sống, đệm mùi hạt dổi ngai ngái, trong không gian gió mát của đôi bên rừng xanh rậm rạp, không nhìn thấy khoảnh đất trống đồi trọc nào, dưới thì nước trong xanh loang loáng rẽ hai thân tàu loang dài ra xa không thấy gợn rác.
Hướng dẫn viên Trà My thuộc Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh Tuyên Quang giới thiệu đầy hào hứng: Hồ thủy điện sạch cũng là do các đoàn du khách giữ gìn rất tốt. Thêm cấu tạo địa chất, cộng với màu xanh liên tục thảm rừng hai bên soi xuống, tạo cho nước hồ một màu xanh mát, xanh ngọt từ mặt cho đến lòng nước.
Cũng bởi sạch mà người ở đây hay bắt được cá to, có những con 40 cân, thậm chí 52 cân, còn loại dăm bảy, chục cân cũng đã không còn lạ. Nhìn mấy lồng cá rải rác bên mép nước, dưới chân vách đá, vách cây dựng gần như thẳng lên, với ít ỏi vài ngôi nhà thấp thoáng sau những vườn cây, tôi lấy làm suy nghĩ trên này chưa có mấy dịch vụ homestay để du khách được trải nghiệm đời sống rất thiên nhiên, cơ bản chỉ có mặt nước, trời cao trong trẻo, rừng cây tươi tốt và những con đường mòn bé nhỏ.
Tất nhiên, để làm homestay đâu có đơn giản cứ dân dã, cứ gần gũi thiên nhiên, cứ hòa với môi trường… như thường thấy là được. Mà phải chuẩn bị vật chất, kỹ năng, tạo dựng không gian… nhiều thứ lắm chứ. Trong điều kiện đi lại đường thủy và đường bộ, độ dốc còn hiểm trở thế thì đó lại thành một sự xa xỉ.
Tôi cũng đọc đâu đó trong mắt anh chị em những người công tác chính quyền, ban ngành trên này về một ước mơ nào đó cho du lịch lòng hồ khởi sắc hơn, và trong câu nói bộc bạch, anh xem, nơi này còn hoang sơ, chưa có nhiều thứ lắm.
Nhưng các bạn của tôi ơi! Ngay bây giờ đây, vùng không gian nước non rừng thác trời mây đẹp trong lành như huyền thoại này đang còn sở hữu chính là báu vật hoang sơ ấy đấy. Đã có rất nhiều không gian mỹ lệ trở nên bài học xót xa cho sự bào mòn, đánh mất vẻ hoang sơ, sự trong trẻo, lành sạch và làm cho loang lổ dần màu xanh bao phủ.
Bây giờ những nơi nào đi sau lại đang có cái may mắn của tư thế bình tĩnh, tỉnh táo mà biết lùi, biết tránh, biết đi thong thả, không phải trả giá cho sự vội vã đến hủy hoại của mình.
Sẽ phải chọn một hướng làm du lịch lấy thiên nhiên làm đối tượng hướng tới, tận hưởng, cũng chính thiên nhiên là gốc, là chỗ dựa để du lịch đó không bị can thiệp thô bạo bởi xây dựng tràn lan, dịch vụ ồn ào, xô bồ, phương tiện, máy móc vận hành bừa bãi...
Hãy là những vận hành, những thưởng thức, trải nghiệm gần gũi thiên nhiên nhất, bảo vệ thiên nhiên nhất.
Trên vùng nước thẫm lùa phơi phới từng luồng gió mát, chúng tôi ngắm những ngọn núi nhỏ nhô lên xa xa, nghe giọng thuyết minh của cô bạn Trà My. Đất này có lời truyền, nếu đủ 100 con phượng hoàng bay về đậu thì sẽ phát tích đế vương.
Đàn chim phượng rợp trời bay về, nhưng chỉ thiếu đúng một ngọn núi, thế là con thứ 100 không đậu xuống được. Nơi này không thành kinh đô.
Nhưng cũng có khác gì đâu một kinh đô của sắc đẹp khi trên vùng đất này, xưa vương triều nhà Mạc rời miền xuôi lên đây cố thủ, mang theo nhiều phi tần vốn đã là những vẻ đẹp được “chắt lọc” từ bao miền.
Câu chuyện nửa lịch sử nửa pha trộn dã sử ấy lưu truyền bao tháng năm như một cách lý giải cho nguyên cớ sinh ra “miền gái đẹp”. Nhưng tôi lại lấy làm ngạc nhiên khi những đề tài thú vị như thế hình như lại chưa khiến cho các nhà nhân chủng học, sinh học… hứng thú để có những nghiên cứu chi li về dòng giống, sự hợp huyết, và những tác động từ nước, từ đất, từ nông thổ sản… đã ảnh hưởng, quấn quyện vào nước da, dáng người, giọng nói… con người trên này thế nào mà “để đến nỗi” toàn dân xuýt xoa là… đẹp thế, đúng như câu “chè Thái gái Tuyên”.
Có những ai tâm huyết lên đây nghiên cứu thì lại hay. Như lời mời gọi “mật mía” của cô bạn Trà My: “Trên em quý người lắm. Ai lên đây công tác sẽ được phân cho một thửa đất, xây cho một ngôi nhà và… tặng cho một người. Phải biết chăm sóc cho người lên cống hiến, xây dựng vùng cao chứ. Như ông nội em ở Ninh Bình lên đây, ở lại, thế là được tặng bà em là người Dao ở trên này đấy. Thế nên trong người em có hai dòng máu của dân tộc Kinh và dân tộc Dao. Mà người Kinh ở trên này lại là thiểu sổ, nên lại càng được ưu ái, chăm chút lắm.”
Những câu chuyện vui vui thời mới, pha trộn tiếng cười và chuyện kể những huyền tích, cả chuyện người hôm qua hôm nay lẫn chuyện thiêng liêng đất trời cứ thêu dệt trên hành trình non nước vùng lòng hồ thuộc hai huyện Na Hang và Lâm Bình.
Nơi kia, ngôi đền Pác Tạ dưới chân ngọn núi Pác Tạ được ví như bầu rượu tiên, chỉ thấy cổng đền trùm trong những tàng cây xanh ngắt, thờ vị hôn phu xinh đẹp của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Sóng to gió lớn đã lật thuyền người đẹp và đoàn tùy tùng, để mãi mãi đôi bờ sông Gâm lưu niềm đau xót. Hồi xây hồ thủy điện, hợp từ hai dòng sông Năng và sông Gâm, ngôi đền được dời lên cao, còn nền cũ đã chìm trong biển nước. Nếu có “du lịch thủy cung”, Trà My nói, thì người ta có thể nhìn được nhà cửa nhiều xã trước kia dưới lòng nước này khi chưa di dời, vì hồi đó bà con ra đi, đã để lại hết nhà kiên cố.
Những câu chuyện cứ thế, trên con đường lên thăm thác Khuổi Nhi, tiếng Tày nghĩa là con suối nhỏ, lóng lánh như dải bạc thả từ trên vòm trời xuống hồ nước xanh non giữa ba bề vách đứng.
Đó là thác con, trên những cung đường du lịch lòng hồ người ta có thể nhìn thấy thác cha - Nặm Pó và thác mẹ - Nặm Me. Mà gọi là suối con vì nhỏ nhắn, xinh xắn thôi, nhưng vào mùa nước, cũng sẽ trở nên mạnh mẽ lắm.
Và nữa, chiếc cọc Vài Phạ - cọc buộc trâu trời, là ngọn núi vươn thẳng trên mặt nước, giữa những cụm núi và rặng núi chạy vòng xa xa, nhấp nhô, như một vịnh Hạ Long trên cao. Mỗi người đến đây có thể hướng về cọc Vài Phạ, nói ngày tháng hôm nay, tên tuổi mình, và cầu xin một điều gì đó, sẽ linh thiêng lắm…
Lời cô bạn Trà My đã bay loáng thoáng trong tiếng hát của bạn gái Nông Thị Huyền và đội văn nghệ mang trang phục Tày ngân lên những làn điệu Then truyền thống.
Tiếng hát Then lanh lảnh, dìu dịu, tiếng đàn tính thanh thanh, rành rọt, thân gần như một hợp âm của tiếng suối, tiếng thác Khuổi Nhi mát rượi lan đi giữa những mô đá nhấp nhô, giữa những bụi tre và bụi dây leo lay động.
Bài hát Then đón người đến chơi Na Hang, Lâm Bình trên mặt nước vùng hồ được nhân tạo hôm nay, nơi cũng đã trở nên như một huyền thoại. Để người đến và rời đi sẽ muốn trở lại trong không gian huyền ảo tiếng gió pha vào tiếng nói, tiếng nước trong lành thấm ngọt vào tiếng hát mến thương, quý trọng những ai vượt đường xa tìm về.