Tìm huấn luyện viên cho tuyển Việt Nam: Nội hay ngoại?
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đang ráo riết tìm kiếm “thuyền trưởng” cho đội tuyển quốc gia. Không dễ, nhưng nhiệm vụ vực dậy đội tuyển Việt Nam không chỉ là câu chuyện của huấn luyện viên (HLV) mới, mà là của cả nền bóng đá.
Trước mắt, đội tuyển quốc gia chuẩn bị đấu 2 trận còn lại của vòng loại thứ 2 World Cup 2026, AFF cuối năm 2024 và xa hơn là Asian Cup hay World Cup 2030. Sau khi chia ông Troussier, bóng đá Việt Nam đã rút ra được những bài học xương máu khi sử dụng thầy ngoại. Khâu tuyển chọn HLV trưởng cho ĐTQG lúc này cần triển khai một cách thận trọng, không vội vàng.
“HLV trưởng ĐTQG Việt Nam được xem xét, đánh giá dựa trên tiêu chí về uy tín, trình độ chuyên môn và phải phù hợp với bóng đá Việt Nam”, Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú cho biết.
Ngoài những tiêu chí quan trọng trên, nhiều thành viên BCH VFF cũng đưa ra ý kiến về việc cần phải tìm một HLV ngoại có độ tuổi không cao và tốt nhất là không... thất nghiệp quá lâu.
Ngoài các tiêu chí về sự uy tín, trình độ, hiểu biết bóng đá Việt Nam, VFF sẽ “khoanh vùng” những ứng viên có thành tích tốt trong vài năm trở lại đây, bởi họ là những người theo kịp sự phát triển của bóng đá thế giới. Rút kinh nghiệm với những vấn đề dưới thời ông Troussier, VFF ưu tiên tìm kiếm những HLV có khả năng truyền lửa, kết nối với cầu thủ, sẵn sàng hợp tác với giới truyền thông...
Theo ông Trần Anh Tú, ứng viên cần phải đáp ứng nhiều tiêu chí. Trong đó, “biết chấp nhận khác biệt” cũng được xem là một trong những tiêu chí để VFF lựa chọn HLV.
Chọn ai ngồi vào vị trí cầm quân đội tuyển Việt Nam, hiện nay có 2 luồng ý kiến khác nhau: một bên nghiêng về HLV nội và đa phần ý kiến còn lại cho rằng vẫn nên tiếp tục chọn thầy ngoại. Theo tìm hiểu, đã có hơn 10 ứng cử viên ngoại cho vị trí HLV trưởng mới của đội tuyển Việt Nam, rất đa dạng về quốc tịch, có những cái tên cũ, ít nhiều quen thuộc với bóng đá Việt Nam nhưng cũng xuất hiện một số gương mặt mới.
VFF đã nhận được rất nhiều hồ sơ từ các ứng viên ở châu Âu, châu Á, trong đó có những cái tên đáng chú ý như HLV Alexandre Polking, HLV Lee Young-jin, HLV Gong Oh-kyun, HLV Akira Nishino, HLV Kim Do-hoon, HLV Kim Sang-sik, HLV Luisma Hernandez, HLV Roberto Donadoni hay HLV Marco Pezzaiuoli… Trong số này, các nhà cầm quân đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc được cho là đang có lợi thế hơn so với phần còn lại.
Không chỉ có thầy ngoại, bóng đá Việt lúc này cũng có không ít ông thầy nội sáng giá có thể ngồi vào ghế thuyền trưởng lúc này. Vài năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam đã sản sinh ra thế hệ HLV mới, tuổi đời khá trẻ.
Trải qua môi trường bóng đá ngày càng chuyên nghiệp trong vai trò huấn luyện, lại được học các lớp đào tạo từ FIFA, AFC nên trình độ các HLV trong nước được nâng cao rõ rệt. Những cái tên như HLV Hoàng Anh Tuấn, Phan Thanh Hùng, Vũ Hồng Việt, Lê Huỳnh Đức, Chu Đình Nghiêm, Nguyễn Đức Thắng... đều ít nhiều tạo uy tín trên băng ghế huấn luyện tại sân chơi V.League.
Những HLV nội của chúng ta hạm học hỏi, giàu bản lĩnh, đáp ứng năng lực chuyên môn. Tuy nhiên, bây giờ vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để HLV nội dẫn dắt đội tuyển Việt Nam.
Giấc mơ World Cup của bóng đá Việt sẽ tiếp tục trong khoảng thời gian dài tới đây khi đã gần khép lại cơ hội vào vòng loại thứ 3 World Cup 2026. Xét về thực lực của bóng đá nước nhà hiện nay, nói thẳng, bàn đến World Cup 2030 dường như vẫn còn là một điều xa vời, thiếu cơ sở thực tế.
Khoan hãy nghĩ đến World Cup, duy trì được vị thế của một đội bóng "ông lớn" tại khu vực Đông Nam Á và luôn là “kẻ gây bất ngờ” tại các giải đấu cấp châu lục có lẽ mới là mục tiêu phù hợp và thiết thực nhất với bóng đá Việt Nam hiện nay. Bóng đá Việt không từ bỏ mục tiêu World Cup nhưng thay vào đó, lọt vào vòng chung kết World Cup chỉ nên là một mục tiêu “mở”.
Để đội tuyển Việt Nam thành công, có thể tiến tới “giấc mơ”, bóng đá nước nhà cần có nền tảng tốt về hệ thống các giải đấu quốc gia và đào tạo trẻ. Để thu hẹp khoảng cách, cầu thủ phải được cọ xát nhiều từ trong tới ngoài nước. Cùng với nền tảng giải VĐQG phát triển mạnh và ổn định. Cùng với đó hệ thống đào tạo trẻ phải mạnh, đồng đều để liên tục bổ sung các lứa cầu thủ tài năng cho ĐTQG. Việc được thi đấu nhiều, thực chiến sẽ giúp cầu thủ tự tin về cách chơi, sự va chạm.
Đồng thời nâng cao thể trạng cũng như tư duy chiến thuật. Bên cạnh đó, đòi hỏi phải có một thế hệ cầu thủ đồng đều về tài năng. Đào tạo cầu thủ giỏi, phát triển trong môi trường tốt để không lãng phí tiềm năng là việc của cả hệ thống bóng đá chứ không phải của riêng ai.
Nói cách khác, để phát triển, để hiện thực hóa giấc mơ World Cup, không chỉ mỗi chuyện chọn ai ngồi vào ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Những người làm bóng đá Việt Nam ngoài việc chọn HLV trưởng phù hợp còn cần tập trung nguồn lực để cải thiện những gì còn tồn tại như khan hiếm cầu thủ trẻ tài năng, nâng cao chất lượng các giải đấu trong nước. Buộc phải làm lại từ gốc là nâng cao chất lượng đào tạo cầu thủ trẻ. Đào tạo trẻ phải có tính liên tục và tính xuyên suốt. Đồng thời phải lựa chọn HLV phù hợp để nâng tầm khả năng hiện có của các cầu thủ Việt Nam là điều quan trọng nhất lúc này.
Muốn đội tuyển Việt Nam dự World Cup, bóng đá Việt Nam phải “xây nhà từ móng”. Chúng ta phải thẳng thắn với nhau rằng, nền tảng từ V.League chưa tốt, trong khi công tác đào tạo trẻ vẫn thiếu sự đồng đều. Hệ thống đào tạo trẻ, bóng đá học đường và bóng đá cộng đồng ở Việt Nam đã nở rộ từ 15 năm qua, nhưng vẫn bị cho là khá mỏng. Nó chưa đủ để tạo một chân đế đủ rộng. Trong đào tạo trẻ, hạn chế của bóng đá Việt Nam là nguồn tài chính của các câu lạc bộ lại không như nhau nên chất lượng đào tạo trẻ ở các câu lạc bộ mỗi nơi một khác. Bóng đá Việt Nam đã có giai đoạn nở rộ những trung tâm đào tạo trẻ nổi danh...
Bây giờ, những trung tâm đó vẫn tồn tại nhưng lại chưa thể sản sinh lứa cầu thủ giỏi có đẳng cấp tiệm cận lứa đàn anh. Không có nhiều trung tâm đào tạo chất lượng sẽ không có nhiều nguồn cung nhân sự tốt cho ĐTQG. Không phủ nhận, những năm gần đây, công tác đào tạo trẻ đã tốt lên nhưng vẫn mỗi “lò” làm mỗi kiểu.
Mọi thứ phải được bắt đầu từ nền tảng là các giải đấu trong nước. Đường hướng lâu dài là xây dựng và duy trì một giải V.League chuyên nghiệp, chất lượng cao bên cạnh một nền đào tạo trẻ căn cơ, khoa học và hiện đại, có tính cọ xát cao, kết hợp cả việc đưa nhiều nhân tố tài năng ra nước ngoài thi đấu. Các cầu thủ trẻ cần được tạo điều kiện thi đấu ở mọi cấp độ, nhất là ở giải chuyên nghiệp. V.League và hạng Nhất chưa vận hành một cách ổn định, chuyên nghiệp, tạo nhiều giá trị gia tăng cho bản thân các các câu lạc bộ thời gian qua cũng là một phần những nguyên nhân cản trở sự phát triển.
Muốn bóng đá Việt Nam trở lại quỹ đạo chiến thắng, đòi hỏi một kế hoạch phát triển bài bản có sự chung tay của các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, câu lạc bộ hàng đầu Việt Nam. Mọi thứ phải được bắt đầu từ nền tảng là các giải đấu trong nước. Sau một chu kỳ thành công, đạt ngưỡng, lúc này bóng đá Việt Nam sẽ phải đi lại từ đầu con đường phát triển của mình.
Điều cần nhất lúc này là làm sao đừng để thất bại khiến chúng ta hoảng loạn, mất phương hướng. Vấn đề hiện nay là làm thế nào để khủng hoảng này không kéo dài, đưa bóng đá Việt Nam sớm trở lại quỹ đạo cần thiết. Bởi vậy, nhiệm vụ vực dậy ĐTQG không còn là câu chuyện của HLV mới, mà là của cả nền bóng đá!