Viết nhạc để được tỏ tình, được yêu thương
Nhạc sĩ Dương Thụ vừa ra Hà Nội. Ông ra lần này để giới thiệu đĩa than “Dương Thụ: 80 năm - một giấc mơ”.
Đây là album quan trọng trong cuộc đời nhạc sĩ Dương Thụ. Một album mà nhạc sĩ chờ đợi. Ông cũng ấp ủ từ lâu, mong muốn từ lâu.
Nhưng phải tới tháng 4 năm nay, đĩa than tuyển chọn những bài hát ưng ý nhất, những bản thu ưng ý nhất mới được đích thân nhạc sĩ Dương Thụ hoàn thành.
Có thể nói, đây là một album tuyển chọn đặc sắc, mang cá tính của nhạc sĩ Dương Thụ. Nói vậy bởi không chỉ tự chọn từ hơn 100 sáng tác ra 16 bài tiêu biểu nhất, Dương Thụ còn cố gắng tìm bản thu gốc, và chỉ thu mới khi thấy thật cần thiết.
Bởi thế, người yêu nhạc sẽ tìm thấy trong đĩa than này những giọng ca quen thuộc, gắn với “ký ức một thời”.
Đó là “Nghe mưa” (Nguyên Thảo thể hiện, album Suối cỏ), “Tháng tư về” (Khánh Linh, album Họa mi hót trong mưa), “Gọi anh” (Thanh Lam, album Mây trắng bay về), “Vẫn hát lời tình yêu” (Hồng Nhung, album Nghe mưa 1), “Hát cho anh” (Mỹ Linh, album Made in Vietnam), “Lắng nghe mùa xuân về” (Hồng Nhung - Bằng Kiều, album Bài hát ru cho anh), “Mong về Hà Nội” (Hồng Nhung, album Đoản khúc thu Hà Nội), “Mây trắng bay về” (Thanh Lam, album cùng tên)…
Nhạc sĩ Dương Thụ sinh năm 1943, ở Vân Đình, Hà Tây (cũ), tốt nghiệp khoa Văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông trải qua nhiều công việc khác nhau trước khi chính thức bước vào con đường âm nhạc, vào thập niên 1980.
Tuy vậy, theo lời nhạc sĩ, ông yêu nhạc từ nhỏ, và “tập tành” sáng tác từ năm 15-16 tuổi. Bài hát đầu tay có tên “Bài hát ru mùa xuân”, theo lời nhạc sĩ, đó là “bản tình ca ngô nghê”. Nhưng đó lại là khởi đầu cho một loạt những bài hát ru khác của Dương Thụ sau này.
Nhạc sĩ quan niệm “viết nhạc là nói câu chuyện của mình với người nghe, vì tôi luôn coi người nghe là bạn tri âm, tri kỷ”. Ông cũng từng bày tỏ: “Viết nhạc để được tỏ tình, để được yêu thương. Đó là lý do duy nhất tôi có thể cảm nhận được qua những sáng tác của mình”.
Tôi sống gói trong 3 từ: Chân - hãy sống thật, càng thành thật càng tốt, nhất là với chính mình; Thiện - không làm điều xấu; và cuối cùng là Mỹ. Chân rồi mới Thiện, Thiện sẽ tới Mỹ. Nếu biết rung cảm trước bông hoa đẹp, bạn sẽ không bao giờ giẫm nát chúng. Văn hóa là gốc, bồi đắp nên chân, thiện, mỹ của con người.
NHẠC SĨ DƯƠNG THỤ
Từng có thời gian dạy học, nên cách ứng xử và phong thái của Dương Thụ nhiều người nhận thấy rất “mô phạm”, ít tính nghệ sĩ. Ông cũng là người am tường ở nhiều lĩnh vực, có thể “chuyện đông, chuyện tây” với nhiều người, nhiều giới, không chỉ riêng ca sĩ, nhạc sĩ.
Nhân dịp Dương Thụ bước sang tuổi 81 và mừng đĩa than mới của ông, cùng đọc lại những suy nghĩ của nhạc sĩ Dương Thụ đã từng tỏ bày trong các bài viết, bài trò chuyện với báo chí.
* Tôi không có khả năng viết cái gì ngoài tôi. Tác phẩm chính là con người mình. Sống thế nào, viết thế ấy.
* Tôi viết nhạc để yêu thương vì tôi còn tin được. Tôi vẫn tin trong cuộc đời này vẫn còn chữ “yêu”. Tôi vẫn tin rằng những điều người ta viết trong tiểu thuyết về tình yêu hay trong những cuốn phim tôi xem là có thật. Tôi vẫn tin như thời tôi còn trẻ. Đó là lý do tôi làm chương trình này và cũng là thông điệp rằng chúng ta hãy tin và hãy có tình yêu với cuốc sống.
* Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Hoàng Việt là những tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Giá trị của họ không chỉ trong âm nhạc mà còn ở trong đời sống cách mạng của dân tộc và với những mức độ khác nhau, cả ở trong tiến trình văn hóa của dân tộc.
* Diva là những nữ ca sĩ không phải chỉ nổi tiếng mà còn phải là tiếng hát của thời đại mình đang sống, có đóng góp vào sự phát triển của âm nhạc (trong lĩnh vực thanh nhạc) và có ảnh hưởng lớn tới đồng nghiệp. Họ có tính chất một biểu tượng, là giọng điệu của một thời. Bây giờ, nổi tiếng thì nhiều nhưng liệu có ai được như thế?
* Đối với âm nhạc Việt Nam, nếu muốn xây dựng, giới chuyên môn đừng nghĩ nhiều đến việc phát triển nhạc trẻ, nhạc thị trường. Chuyện đó để xã hội làm. Giới chuyên môn phải xây dựng nền móng âm nhạc và chắc chắn phải là art-music. Chúng ta đâu thể suốt ngày chơi nhạc của Beethoven mãi, điều đó tốt nhưng phải cho khán giả biết âm nhạc Việt Nam có gì.
* Người nghe hiện nay, đa phần là nghe giải trí. Nghe cái gì cho đỡ nặng đầu. Thực chất là đi xem hát chứ không phải là nghe hát. Xinh đẹp, sexy nóng bỏng, có múa phụ họa, có khói nặng bồng bềnh hát mà như đi trong mây, thế là ok. Giọng hát ư, bài hát ư đâu có quan trọng lắm. Nhạc xưa là diễm tình nhất, nhạc thị trường là sôi động nhất. Nhạc mới, nhạc tử tế, cái tiếng hát của thời đại mình đang sống, không phải là không có, nhưng mấy người hát, mấy người nghe.
* Bạn cứ ngồi xem/nghe các chương trình ca nhạc trên tivi, trên radio, hoặc trên xe bus, xe khách đường dài, các văn phòng, quán ăn, bar-cafe, tụ điểm, phòng trà ca nhạc và cả các chương trình diễn trên sân khấu nữa thì sẽ hiểu điều tôi nói.
* Tôi làm nghệ thuật và làm văn hóa vì mình là một phần ở trong đó. Đất nước này là của mình, mình không thể là một kẻ ngoại cuộc.
* Tôi không chạy theo số đông, tôi tìm đến công chúng của mình, những người yêu âm nhạc đích thực nhưng luôn mở lòng với cái mới.
* Âm nhạc là hồi ức của những gì chúng ta đã sống qua.
* Con người tôi là bốn trong một: Con người của gia đình, con người hoạt động xã hội, con người sản xuất âm nhạc, và con người sáng tác. Cảm giác về mỗi con người này là khác nhau, không thể so sánh. Nhưng trong tôi con người sáng tác là lớn nhất vì ở đó tôi được chọn vẹn là tôi. Còn những cái kia tôi là một phần của người khác.
* Tôi theo chủ nghĩa lãng mạn. Tôi thích sự lãng mạn mặc dù không được lãng mạn cho lắm.
* Nghệ thuật có rất nhiều khuynh hướng, âm nhạc cũng vậy.
* Âm nhạc sinh ra là để nghe chứ không phải xem. Chúng ta hãy trả lại cho âm nhạc cái vị trí của nó. Nó đang trở thành kép phụ của nghệ thuật, tức là thời trang cũng dùng nhạc, múa may cũng dùng nhạc, và nhạc cũng chỉ tôn lên cho những thứ kia, trở thành kép phụ trên sân khấu.
Tôi không phản đối mọi người làm giải trí nhưng với tư cách một nhạc sĩ, tôi mong muốn mọi người được nghe nhạc. Theo tôi, phải xây dựng công chúng nghe nhạc. Muốn xây dựng công chúng nghe nhạc, yêu nhạc thì những người làm nghề phải làm nhạc tử tế cái đã...
* Nghệ thuật là sản phẩm của tự do. Khi phục thuộc vào tiền bạc, vào người nghe, vào những mục đích ngoài nó, có nghĩa là bạn đã để mất… nó.
* Tôi tên là Thụ có nghĩa là cây, nhưng không phải là một cây đại thụ.
* Tôi không có “nguyện vọng” được công chúng của nhạc thị trường biết đến. Chúng ta cần biết chỗ của mình và hãy yên chỗ, đừng nhấp nhổm làm gì. Tôi có công chúng của mình. Có thể công chúng của tôi không đông đảo bằng công chúng của nhạc sĩ khác. Nhưng tôi yêu họ, muốn viết cho họ nghe, muốn chia sẻ cùng họ. Điều ấy là quá đủ.
* Tôi e ngại đám đông không phải bởi không thích mà luôn thấy mình lạc lõng ở trong đó.
* Đối với một người chuyên nghiệp vấn đề không phải là làm theo đơn đặt hàng hay là làm theo sự ngẫu hứng tự do mà là anh viết theo tính cách nào: làm chủ hay làm thê. Tôi chỉ nhận những đơn đặt hàng mà ở đó tôi có thể làm chủ công việc của mình.
* Phương châm sống của tôi là: Thật. Thật với mình, thật với người. Sống với phương châm như vậy không thể làm nghề tiếp thị, không thể làm chính trị, không thể sống chỗ đông người, nhưng có thể làm được hai thứ: làm người và làm nghệ thuật.
* Tôi là một cái đồng hồ quả lắc, nó chỉ chạy khi con lắc dao động, nếu ở một vị trí thăng bằng thì quả lắc dừng lại và đồng hồ chết. Sự bấp bênh rất quan trọng đối với tôi, không lặp lại cái đã thành công mà cứ lao vào cái mới có thể sẽ gặp thất bại. Đấy là một chuyện bấp bênh. Nhưng chính cái bấp bênh này lại đẻ ra tôi đấy.
* Tôi sống cô độc chứ không rơi vào trạng thái cô độc. Cô độc, riêng mình là điều tốt cho người làm nghệ thuật. Sống đám đông thì chỉ làm được những nghề bình thường thôi.
* Tôi sống gói trong 3 từ: Chân - hãy sống thật, càng thành thật càng tốt, nhất là với chính mình; Thiện - không làm điều xấu; và cuối cùng là Mỹ. Chân rồi mới Thiện, Thiện sẽ tới Mỹ. Nếu biết rung cảm trước bông hoa đẹp, bạn sẽ không bao giờ giẫm nát chúng. Văn hóa là gốc, bồi đắp nên chân, thiện, mỹ của con người.