Mặt trận

Vì sự an toàn của người lao động

Tuệ Phương 27/04/2024 07:05

Ngày 26/4, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về vệ sinh an toàn lao động và Tháng công nhân năm 2024. Nhưng đúng vào thời điểm Công đoàn các địa phương đang ra sức thi đua phát động Tháng Công nhân và tháng hành động về vệ sinh an toàn lao động, một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần xi măng và khoáng sản Yên Bái (tỉnh Yên Bái). Điều đó đòi hỏi Công đoàn nói riêng và cả xã hội nói chung cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong bảo đảm an toàn cho người lao động.

cover.jpg
Các doanh nghiệp cần tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động, vì tính mạng, sức khoẻ của người lao động. Ảnh: Quang Vinh.

Ngay sau khi vụ tai nạn tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái làm 7 người chết xảy ra, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Công đoàn các cấp đã kịp thời có mặt thăm hỏi, động viên và tặng quà cho thân nhân người bị nạn. Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Mạnh Hùng, là nhân viên cân băng liệu của Công ty về tội “vi phạm quy định về an toàn lao động”. Mặc dù các ban ngành, đoàn thể đã vào cuộc kịp thời, nhưng vụ tai nạn cũng dấy lên những nỗi lo về công tác an toàn lao động.

Còn nhiều nỗi lo

Cũng trong tháng 4 này, nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) khác đã xảy ra, điển hình như vụ TNLĐ tại phân xưởng Đào lò 2, Công ty Than Thống Nhất, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) khiến 4 công nhân tử vong, 7 người khác bị thương hay vụ sập mái kính toà nhà 7 tầng tại ngõ Tức Mạc, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khi tu sửa khiến 2 người chết, 2 người bị thương…

Bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, TNLĐ là những rủi ro xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện các công việc hoặc các nhiệm vụ lao động. Đối với một số ngành, nghề có nguy cơ cao như khai thác than trong hầm lò, ngành xây dựng, hay thủy điện… không ai dám chắc rằng sẽ có những giải pháp 100% không để xảy ra TNLĐ. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận ra rằng ý thức cảnh giác đối với công tác an toàn vệ sinh lao động là vấn đề rất quan trọng. Bởi nó liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người lao động (NLĐ).

Ngoài những số liệu kể trên, còn nhiều thống kê “biết nói” khác. Năm 2023, trên toàn quốc xảy ra gần 7.400 vụ TNLĐ làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ tai nạn chết người, làm 699 người chết. Tổng chi phí cho TNLĐ và thiệt hại tài sản hơn 16.300 tỷ đồng, chỉ tính riêng trong những khu vực có quan hệ lao động trong năm qua. Càng những địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp, nguy cơ TNLĐ càng lớn. Điển hình như tỉnh Đồng Nai, có 42.139 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động. Số lượng công nhân viên chức lao động trên toàn tỉnh khoảng 800.000 người. Năm 2023 tại Đồng Nai đã xảy ra 910 vụ TNLĐ làm 930 người bị nạn, trong đó có 28 người chết, 211 người bị thương nặng. Tại Hà Nội, năm 2023, thành phố vẫn còn xảy ra 296 vụ TNLĐ, làm 300 NLĐ bị nạn.

Thực tế cho thấy, trong các vụ tai nạn nói trên, vừa có lỗi của người sử dụng lao động do vi phạm thiết bị không đảm bảo an toàn, không có quy trình, biện pháp làm việc an toàn… nhưng đồng thời cũng có lỗi của NLĐ do vi phạm nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn. Tại nhiều địa phương, yếu tố lỗi của NLĐ thậm chí còn lớn hơn lỗi của chủ sở hữu lao động.

bai-chinh(1).jpg
Đảm bảo an toàn cho công nhân lao động là mục tiêu hàng đầu của nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Quang Vinh.

Phát huy vai trò giám sát của Công đoàn

Công đoàn là tổ chức có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho NLĐ. Năm 2024, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức Tháng Công nhân với chủ đề “Đoàn kết công nhân - Triển khai Nghị quyết - Tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức của các bên về an toàn vệ sinh lao động, tham gia giám sát thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động tại các DN, nhất là nhóm DN thuộc các ngành nghề có nguy cơ cao xảy ra TNLĐ. Đến nay, LĐLĐ nhiều tỉnh, thành đã tổ chức phát động Tháng Công đoàn, tháng hành động về vệ sinh an toàn lao động; đồng thời triển khai những biện pháp cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu trên.

Hưng Yên là địa phương tập trung một số khu công nghiệp lớn, số lượng công nhân đông nên công tác an toàn vệ sinh lao động được đề cao. Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hưng Yên Lê Quang Toản cho biết: Công tác an toàn vệ sinh lao động là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị các cấp Công đoàn cần tích cực chủ động phối hợp đưa các nội dung về an toàn vệ sinh lao động vào các thỏa ước lao động tập thể theo hướng có lợi hơn cho NLĐ. Tổ chức tư vấn chế độ chính sách pháp luật về an toàn vệ sinh lao động cho NLĐ. Thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị TNLĐ cũng như NLĐ ốm đau, có hoàn cảnh khó khăn.

Còn tại Đồng Tháp, để bảo đảm môi trường an toàn cho công nhân, nâng cao trách nhiệm của DN, ngoài đưa vấn đề an toàn lao động vào thoả ước lao động tập thể với 136 đơn vị, DN ký kết thỏa ước lao động tập thể có nội dung an toàn lao động trong năm 2023, LĐLĐ tỉnh còn tổ chức các lớp tập huấn an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ công đoàn phụ trách công tác an toàn vệ sinh lao động. Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Thị Thu Thủy cho biết, từ năm 2023, công đoàn cơ sở phối hợp người sử dụng lao động tổ chức tự kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động tại các đơn vị, DN. Công tác giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể về nội dung an toàn vệ sinh lao động ở các công đoàn cơ sở thực hiện thường xuyên và tiếp tục được đẩy mạnh trong Tháng Công nhân cũng như cả năm 2024.

Với những kinh nghiệm đã đạt được, để giảm thiểu TNLĐ rất cần chia sẻ kinh nghiệm, tiếp tục được triển khai, nhân rộng trong hoạt động Công đoàn tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Mặt khác, theo nhiều chuyên gia, Công đoàn cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền trong chính NLĐ, để NLĐ ý thức hơn nữa về việc bảo đảm an toàn lao động chính là bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của mình và cộng đồng, từ đó, cùng với người sử dụng lao động phối hợp tốt hơn trong xây dựng môi trường lao động lành mạnh, hạn chế rủi ro.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam:

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công tác an toàn vệ sinh lao động

ong-ngo-duy-hieu-20.3-1-.jpg

Hiện nay, tình trạng TNLĐ và bệnh nghề nghiệp vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi và đây chính là hạn chế của công đoàn cơ sở. Không ai hiểu về môi trường, điều kiện làm việc ở từng cơ quan, DN hơn công đoàn cơ sở. Rõ ràng, nhiều cán bộ công đoàn cơ sở, hoặc là chưa ý thức được hết trách nhiệm của mình, hoặc là sợ, né tránh, ngại liên quan đến lương, công việc, hoặc là không có bản lĩnh, không có phương pháp. Bên cạnh đó, ở góc độ NLĐ, họ có thể đình công vì lương chậm, có thể ngừng việc vì bữa ăn ca chưa đầy đủ nhưng rất ít vụ NLĐ ngừng việc vì lý do nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra, do NLĐ rất dễ chấp nhận, nhất là trong bối cảnh áp lực công việc lớn, người thì nhiều, việc thì ít, cho nên ngay cả khi điều kiện lao động hết sức khắc nghiệt, thậm chí rất mất an toàn nhưng họ vẫn chấp nhận để có việc làm. Trong thời gian tới, các cấp công đoàn cần tiếp tục quan tâm, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công tác an toàn vệ sinh lao động, với mục tiêu vì tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm và danh dự của NLĐ. Đó là chính là hành động để bảo vệ NLĐ một cách tốt nhất.

Bà Lê Thu Hằng - Giám đốc Xí nghiệp xây lắp số 3 Hà Nội:

Đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn nghề nghiệp

ba-le-thu-hang.jpg

Hưởng ứng Tháng Công nhân, tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2024, Xí nghiệp Xây lắp số 3 Hà Nội quyết tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động, NLĐ để mọi người đều có ý thức thực hiện nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức tập huấn, diễn tập các phương án chữa cháy, phương án cấp cứu TNLĐ và xử lý sự cố. Thực hiện nghiêm túc chế độ định kỳ bảo dưỡng máy móc thiết bị và kiểm định các thiết bị có yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt; rà soát, thay thế hoàn thiện hệ thống máy móc; không ngừng cải thiện điều kiện và môi trường làm việc tốt hơn, góp phần giảm thiểu TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ vì mục tiêu con người và sự phát triển bền vững của công ty, địa phương.

Tuệ Phương