Bà Rịa - Vũng Tàu 'gồng mình' vì thiếu nước sinh hoạt
Nắng nóng kéo dài đã khiến tình trạng thiếu nước sinh hoạt trở nên nghiêm trọng ở nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước thực tế này, chính quyền và các đơn vị cung cấp nước đã phải triển khai nhiều giải pháp, nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân.
Nguồn cung thiếu hụt
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đang tăng cao do tình hình nắng nóng kéo dài. Tuy nhiên, nguồn cung không đủ đáp ứng khi các hồ chứa nước chính đang ở mức thấp, thậm chí có nơi gần như khô cạn.
Do tình trạng thiếu nước kéo dài, nhiều hộ dân ở các vùng đồi núi cao, khu vực dân cư thưa thớt đã phải chuyển sang sử dụng nguồn nước giếng khoan cho sinh hoạt và tưới tiêu. Ông Lê Văn Lý, người dân ở đồi Đức Mẹ, xã Nghĩa Thành 2, huyện Châu Đức cho biết, gia đình ông đã bỏ không sử dụng nước máy từ lâu do áp lực nước yếu, chỉ dựa vào giếng khoan.
Tương tự, bà Võ Thị Ri ở khu phố Phước Trung, thị trấn Đất Đỏ cũng phải khoan thêm giếng để đủ nước sinh hoạt và phục vụ quán cà phê vì nước máy cung cấp yếu, thậm chí có lúc chỉ chảy nhỏ giọt.
UBND huyện Châu Đức cho biết, hiện có khoảng 4.500 hộ dân trên địa bàn không sử dụng nước máy thường xuyên.
Mua thêm nước và nhiều giải pháp được triển khai
Về vấn đề này, ông Trần Văn Dũng, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đất Đỏ cho biết: "Hiện trữ lượng tại các hồ Đá Bàng, Suối Môn, Sở Bông và Lồ Ồ trên địa bàn huyện đang ở mức thấp. Riêng hồ Đá Bàng, nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho khu vực, chỉ còn 1,5 triệu m3 trên tổng dung tích 11,3 triệu m3".
Tình hình tương tự cũng diễn ra ở huyện Châu Đức khi các nguồn nước tại xã Cù Bị đã cạn kiệt đến mức phải áp dụng biện pháp cấp nước luân phiên theo giờ cho người dân.
"Hiện tại Cù Bị có 2 nguồn nước: một là nước thô từ giếng khoan với công suất 1.000m3/ngày/đêm, tuy nhiên do nước ngầm tụt xuống nên nước bị gián đoạn; hai là nguồn nước từ Trung tâm nước sạch thì chỉ cấp nước luân phiên, xen kẽ trong ngày", ông Lê Văn Tứ, Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức thông tin.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt là do nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng cao trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm. Theo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đơn vị này đang phải cung cấp từ 55.000 - 57.000 m3 nước mỗi ngày, vượt xa so với công suất thiết kế gần 53.400 m3/ngày đêm của 7 nhà máy nước đang vận hành.
Nhằm giảm bớt áp lực về thiếu nước sinh hoạt, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải mua thêm từ 2.000 - 3.000 m3 nước mỗi ngày từ các đơn vị cung cấp nước lớn khác trong tỉnh. Đơn vị này dự kiến trong tháng 5, lượng nước mua sẽ tăng lên khoảng 5.000 - 6.000 m3/ngày đêm để đáp ứng nhu cầu cao điểm.
Về lâu dài, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã kiến nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp các nhà máy cấp nước hiện hữu và mở rộng hệ thống tuyến ống để kết nối, cấp nước đến tất cả các vùng theo quy hoạch chung.
Trước tình hình khó khăn về nguồn nước, các đơn vị du lịch và người dân trên địa bàn tỉnh cũng đã được khuyến cáo chủ động dự trữ nước vào ban đêm, sử dụng nước tiết kiệm vào ban ngày để đảm bảo đủ nước cho sinh hoạt và đón khách du lịch trong những ngày lễ sắp tới.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có 30 hồ chứa nước quy mô trung bình và nhỏ với tổng dung tích 308,2 triệu m3, trong đó dung tích hữu ích khoảng 276 triệu m3. Trong
số này, 8 hồ chứa như Đá Đen, Sông Ray, Sông Hỏa... được sử dụng để cấp nước sinh hoạt cho người dân toàn tỉnh, trong đó Đá Đen và Sông Ray là nguồn cấp chính. Tuy nhiên, hầu hết các hồ chứa này hiện cũng đã cạn nước một cách trầm trọng.