Nâng chất nhân lực ngành du lịch
Du lịch Việt Nam đã có sự bứt phá ngoạn mục. Tuy nhiên vấn đề phát triển nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao đang là một thách thức. Theo giới chuyên gia, chiến lược phát triển nguồn nhân lực cần được chú trọng quan tâm hơn mới duy trì được thương hiệu và chất lượng phục vụ trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đặt mục tiêu đón và phục vụ 17 - 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) du lịch cần chuẩn bị đủ nguồn nhân lực phục vụ cho mục tiêu này, đồng thời các cơ sở đào tạo cũng cần có giải pháp để đáp ứng đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực du lịch ngày càng cao của DN.
Cung không đáp ứng được cầu
Tuy nhiên, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, đánh giá của các chuyên gia về chất lượng, năng suất lao động trong ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam còn thấp.
Thực tế cho thấy, nguồn cung lao động du lịch chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của DN trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt là các lao động có trình độ chuyên môn cao. Theo thống kê của ngành du lịch, với định hướng phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn, cần đến 40.000 lao động có trình độ, thì các trường đào tạo nghề, trường cao đẳng hiện nay cũng chỉ đáp ứng được khoảng 15.000. Như vậy, sự thiếu hụt rất lớn. Cùng đó, nhân lực hiện nay vừa thiếu về số lượng lại vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, do đó dẫn đến chất lượng phục vụ du lịch của nước ta còn thấp.
PGS.TS Nguyễn Đức Thắng - Tổng Thư ký Liên chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam nhận định, ngành du lịch Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực. Với thực trạng nguồn nhân lực du lịch hiện nay, Nhà nước cũng như các DN du lịch cần có nhiều biện pháp đặt ra nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Qua đó, thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch một cách nhanh chóng.
“Xu hướng du lịch trên thế giới và tại Việt Nam ngày càng có những biến đổi khó lường. Mức độ cạnh tranh ngày càng gắt gao. Do đó, du lịch Việt cần nắm bắt xu hướng, dự báo và đánh giá nội lực để phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là nguồn nhân lực chuẩn quốc tế” - ông Thắng nhấn mạnh.
Không chỉ thiếu hụt về nguồn nhân lực lành nghề, vấn đề đào tạo nhân lực trẻ bổ sung cho ngành du lịch cũng gặp khó khăn. Công tác đào tạo nhân lực du lịch các năm gần đây đã được chú trọng đầu tư phát triển, quy mô các cơ sở đào tạo không ngừng tăng lên, chất lượng đào tạo cũng chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, chưa bắt kịp với các tiêu chuẩn của khu vực và trên thế giới.
Lý giải cho thực trạng thiếu hụt nhân lực ngành du lịch hiện nay, theo Tổng Giám đốc Công ty TMDV Dân chủ Hà Nội Nguyễn Hồng Hải, dịch Covid-19 đã khiến ngành khách sạn mất khoảng 20 - 30% nhân viên nên hiện đang rơi vào tình trạng "đói" lao động. Ở nhiều đơn vị, một nhân viên phải kiêm các vị trí khác nhau, như lễ tân kiêm luôn nhân viên chăm sóc khách hàng, tài xế kiêm nhân viên hành lý, phục vụ tại sảnh khách sạn.
Chủ tịch Liên Chi hội đào tạo - Hiệp hội Du lịch Việt Nam - GS.TS Đào Mạnh Hùng chia sẻ, khi dịch Covid-19 xảy ra, các DN du lịch buộc phải cắt giảm nhân sự, đến khi du lịch mở cửa trở lại, dịch vụ lưu trú, lữ hành thiếu hụt nguồn nhân lực nhiều nhất. Ông Hùng nêu ví dụ, thời điểm năm 2019, trước dịch Covid-19, toàn ngành có khoảng 4,5 triệu lao động, trong đó 1,5 triệu lao động trực tiếp với 45% được đào tạo chuyên ngành du lịch; lao động tại các cơ sở lưu trú khoảng 780.000 người. Thế nhưng, hiện nay tuy các cơ sở lưu trú đã đi vào hoạt động bình thường, song chỉ có 300.000 người lao động, trong đó nhiều người chưa được đào tạo đầy đủ. Nguyên nhân là do một phần lớn những người này đã chuyển sang nghề khác để mưu sinh, không muốn quay lại ngành du lịch nữa.
Chủ động kết nối đào tạo
Làm gì để nâng “chất” nhân lực ngành du lịch? Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho rằng, việc đào tạo và sử dụng thiếu đồng bộ, thiếu hệ thống và chưa đạt chuẩn dẫn đến nguồn nhân lực được đào tạo ra bị lệch hướng, thiếu nhân sự cấp cao. DN tuyển dụng nhân lực tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng phải đào tạo lại theo các tiêu chuẩn riêng của hệ thống. Ông Thủy khẳng định, việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chính là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Việt Nam một cách bền vững.
Để thực hiện mục tiêu đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo các chuyên gia, đòi hỏi cần phải có những chính sách đột phá, các giải pháp tổng thể nhằm xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc, trong đó không thể không nhắc đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.
Thời điểm hiện tại, để giải bài toán nhân lực, các DN du lịch đang tự thân vận động gỡ rối cho chính mình. Tuy nhiên, các chuyên gia du lịch cho rằng để có được nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao thì cần cái “bắt tay” giữa nhà trường và DN.
Tại hội thảo “Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới - Thách thức và triển vọng” do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tổ chức gần đây, Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Để duy trì phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đòi hỏi doanh nghiệp chủ động kết nối tham gia vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với các hệ thống đào tạo trong nước và quốc tế… Còn ở chiều ngược lại, cơ sở đào tạo phải thu hút đầu tư vào hệ thống đào tạo, cơ sở vật chất đội ngũ giảng dạy; đưa vào chương trình đào tạo các kiến thức mới về các loại hình du lịch mới. Bên cạnh việc đẩy mạnh đào tạo, Nhà nước nên có chính sách thu hút, khuyến khích những nhân lực du lịch có kinh nghiệm đã chuyển nghề quay lại làm việc.
Liên quan tới vấn đề này, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo động lực cho họ gắn bó lâu dài với nghề. Theo đó, đẩy mạnh liên kết hợp tác quốc tế với các tổ chức giáo dục du lịch nước ngoài theo hướng lựa chọn những ngành nghề phù hợp, tránh lãng phí. Đồng thời, tăng cường xã hội hóa huy động nguồn lực phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Hà Nội. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất chính là tăng cường liên kết “3 nhà”: Nhà nước - nhà trường - nhà tuyển dụng (DN), trong đó thành phố tăng cường hợp tác giữa cơ sở giáo dục du lịch và doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo du lịch uy tín quốc tế.
PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, hệ thống quản lý các cơ sở đào tạo du lịch ở nước ta đang bị phân hóa, chồng chéo và có sự khác biệt về quy định chương trình khung, chuẩn đầu ra. Do đó, ngành du lịch cần phải đổi mới tư duy trong đào tạo. Hoạt động đào tạo nhân lực phải được vận hành dựa trên nhu cầu xã hội theo nguyên tắc cung - cầu, kết hợp có hiệu quả nguồn lực nhà nước và xã hội, quản lý và sử dụng các nguồn lực theo tư duy quản trị doanh nghiệp.
Theo PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), Việt Nam có 3 xu hướng đào tạo, đó là: thực hành, nghiên cứu quản lý, hoặc kết hợp 2 hình thức này. Hiện nay, chưa có chuẩn mực, tiêu chí về đào tạo chuẩn quốc tế, đó là cái khó để các trường xây dựng mô hình đào tạo phù hợp. Tuy nhiên, các trường có thể tuân thủ các quy định về kiểm định đào tạo quốc tế với chuẩn mực như mạng lưới các trường đại học ở châu Á, châu Âu.