Kinh tế

Chờ đón những quả ngọt đầu tiên

Thanh Tiến 29/04/2024 07:20

Ngay từ vụ Hè Thu 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai 5 mô hình điểm tại TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang để làm mô hình điểm cho Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

anh-bai-tr23.jpg
Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: T.Tiến.

Kỳ vọng bước đầu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Đề án được triển khai tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm 2024 - 2025) tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000ha. Giai đoạn 2 (năm 2026 - 2030), xác định rõ vùng trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới, chủ yếu đầu tư cho những vùng diện tích mới trên cơ sở hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị.

Để cụ thể hóa kế hoạch của Đề án, Bộ NNPTNT đã lựa chọn 5 mô hình điểm tại các TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang đại diện cho những vùng phù sa, phèn mặn, nước mặn để làm mô hình điểm bắt đầu ngay từ vụ Hè Thu năm 2024. Sau đó, kết quả của các mô hình thí điểm sẽ là cơ sở nhân rộng cho Đề án.

Ngày 5/4, tại Hợp tác xã Thuận Tiến, ấp H2, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Sở NNPTNT TP Cần Thơ tổ chức Lễ khởi động Cánh đồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP Cần Thơ cho biết, bà con nông dân tham gia mô hình thí điểm được Cục Trồng trọt, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác lúa theo quy trình giảm phát thải mà Cục trồng trọt vừa ban hành. Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ phối hợp với một doanh nghiệp về phân bón để hỗ trợ một phần vật tư, phân, giống cho bà con.

Ngoài những hỗ trợ trên, lãnh đạo Sở NNPTNT TP Cần Thơ cho biết, ngành nông nghiệp sẽ hỗ trợ những nông dân tham gia mô hình gắn kết với doanh nghiệp để hỗ trợ tiêu thụ lúa ở mức độ tối ưu nhất. “Vụ lúa thí điểm này là cơ sở để làm các định chế tài chính như Ngân hàng thế giới cùng một số Viện nghiên cứu lớn như IRRI mới kết nối được những đơn vị mua tín chỉ carbon. Đối với lĩnh vực này thì hoàn toàn mới, khi đo đạc phía bên doanh nghiệp thu mua phải chấp nhận phương pháp đo. Đó là câu chuyện mà chỉ có những định chế lớn như Ngân hàng Thế giới mới kết nối được” - ông Nghiêm nói.

Đại diện một số Hợp tác xã ở ĐBSCL cho rằng, do đây là mô hình mới nhưng cần thực hiện đồng bộ trên diện tích lớn, liền mẫu nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong triển khai.

Ông Trần Thái Nghiêm cho biết, ngành nông nghiệp cũng nhìn thấy vấn đề này. “Thành phố triển khai Đề án tại 3 huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai, với diện tích thực hiện đến năm 2030 khoảng 48.000ha. Trong đó, giai đoạn 2024 - 2025 tập trung vào củng cố diện tích đã có của Dự án VnSAT với 38.000ha mà người dân trước nay đã đồng thuận. Khi các khu vực này thực hiện đề án mang lại hiệu quả thì sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa đến nông dân các vùng khác” - ông Nghiêm nói.

Tại Đồng Tháp, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phú Thọ (xã An Long, huyện Tam Nông) là Hợp tác xã được Bộ NNPTNT lựa chọn để khảo sát, rà soát các điều kiện để triển khai thực hiện mô hình thí điểm 50ha đầu tiên tại địa phương này. Hợp tác xã có diện tích canh tác là 352ha, với 430 thành viên. Đất canh tác của hợp tác xã nằm trong cánh đồng lớn của xã An Long nên được trang bị hệ thống đê bao hoàn chỉnh, kiên cố và hệ thống thủy lợi thông suốt, đảm bảo thuận tiện cho việc tưới tiêu. Giao thông đường thủy, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa và máy móc thiết bị.

Theo chia sẻ của một số bà con xã viên tham gia mô hình thì lợi ích trước mắt là nông dân nhàn hơn bởi máy móc sẽ thực hiện tất cả các khâu, từ làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc, thu hoạch và xử lý rơm rạ. Ngoài ra, các chi phí đầu vào cũng giảm được từ 20 - 30% do giảm lượng giống, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Có thể khẳng định bước đầu là lợi nhuận cao hơn canh tác theo phương pháp truyền thống.

Ông Mai Thanh Liêm - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thọ cho biết, các nông dân trong hợp tác xã rất phấn khởi và đặt nhiều kỳ vọng đối với đề án. Tuy nhiên, ông Liêm cho rằng, ngành nông nghiệp cần tuyên truyền nhiều hơn về nghĩa vụ và quyền lợi của nông dân khi tham gia Đề án để họ yên tâm và đồng thuận để thực hiện.

“Nông dân phải nắm, hiểu được chính sách, quyền lợi, nghĩa vụ thì người ta mới hào hứng tham gia, nhất là việc khi tham gia đề án, họ sẽ được hưởng thêm tiền từ bán tín chỉ cacbon, thế nhưng được hưởng bao nhiêu thì chưa rõ” - ông Liêm nói.

Lợi ích nhìn thấy rõ

Đề án này đặt mục tiêu giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. Đặc biệt, 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững, tưới khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.

Và lợi ích được nhìn thấy rõ nhất đó chính là giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%. Lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

Để góp phần thực hiện các mục tiêu của Đề án 1 triệu ha, Cục Trồng trọt phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) biên soạn và ban hành Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL áp dụng cho vùng sản xuất lúa của Đề án, kèm theo Sổ tay hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Quy trình kỹ thuật. Đây được xem đây là phương pháp xâu chuỗi ban đầu rất quan trọng cho người trồng lúa để nắm rõ và hiểu để làm theo.

TS Nguyễn Văn Hùng - Nhà khoa học cấp cao của IRRI khuyến cáo, khi thực hiện đề án, nông dân cần áp dụng nguyên tắc "4 đúng" trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng thời điểm và đúng phương pháp). Luân phiên sử dụng các nhóm hoạt chất khác nhau để hạn chế tình trạng kháng thuốc. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo mộc. Nông dân không đốt rơm rạ sau thu hoạch để đảm bảo tính đa dạng sinh học và tính bền vững trong canh tác lúa. Không vùi rơm rạ trên ruộng ngập nước để giảm phát thải khí Metan (CH4)…

Trước những lo lắng, băn khoăn của bà con nông dân về quy trình canh tác, bán tín chỉ carbon, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, dự tính sẽ có 1 triệu nông dân được đào tạo quy trình canh tác sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh, kỹ năng đăng ký, đánh giá giảm phát thải ở cấp độ hộ nông dân. Ngoài ra, cán bộ quản lý kỹ thuật trong các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác; cán bộ khuyến nông và khuyến nông cộng đồng tham gia đề án cũng được tập huấn nâng cao năng lực.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết theo dự kiến đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL, từ nay đến năm 2025 có 500.000ha, từ năm 2025 - 2030 sẽ có 1 triệu ha, đáp ứng yêu cầu của thị trường về giá trị dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và thân thiện môi trường. Từ đó, sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam tăng hơn 20% và sẽ giúp tăng thu nhập cho người dân trồng lúa.

Thanh Tiến