Hình bóng một con rồng châu Á
Tại cuộc gặp mặt đại diện các nhà tài trợ, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ngày 29/1, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Năm 2024 Việt Nam sẽ tiếp tục thu được nhiều thành tựu hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam thẳng tiến trở thành một con rồng của khu vực châu Á.
Dự báo tốc độ tăng trưởng
Công bố Báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương với tiêu đề "Nền tảng vững chắc cho tăng trưởng", Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 là 5,5%. Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Theo thống kê của Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông), tháng 3/2024, có 456 tin, bài của các hãng thông tấn, báo đài nước ngoài về kinh tế - xã hội Việt Nam; đánh giá tích cực về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam; tiếp tục ghi nhận vai trò của Việt Nam trong lĩnh sản xuất toàn cầu và dự báo Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường có hiệu suất hoạt động hàng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương ngay trong nửa đầu năm 2024.
Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh - CEBR (Vương quốc Anh) dự báo, Việt Nam có triển vọng sẽ vượt qua các nền kinh tế hàng đầu của ASEAN vào khoảng năm 2038 và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. CEBR đánh giá, thứ hạng kinh tế của Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 24 thế giới vào năm 2033, với quy mô nền kinh tế là 1,05 nghìn tỉ USD. Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Việt Nam sẽ là 6,7% trong giai đoạn 2024-2028. Trong 9 năm tiếp theo, tốc độ tăng trưởng trung bình sẽ là 6,4%.
Dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024, đại diện Khối kinh doanh tiền tệ Ngân hàng UOB (trụ sở chính tại Singapore) cho rằng GDP sẽ ở mức 6%, sát với mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là 6 - 6,5%; tăng trưởng khá ấn tượng so với năm 2023 (5,05%).
Đại diện UOB Việt Nam cũng cho rằng, một trong những yếu tố tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 là việc Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/7; tạo khuôn khổ cho các khoản vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước, từ đó có thể hướng tới các mục tiêu chính sách cụ thể cho phép hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng và để triển khai hoạt động thanh khoản khẩn cấp khi cần thiết.
Xuất khẩu và thu hút FDI
Năm 2023 là năm xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Bước vào năm 2024, tình hình đã sáng lên. Trong quý I, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá ước đạt 178,04 tỷ USD; tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD. Riêng trong tháng 3/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 65,09 tỷ USD; tăng 35,6% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Quý I/2024, có 4 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 5 tỷ USD, chiếm 52,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đó là: điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và hàng dệt may.
Nền kinh tế sáng lên, cùng đó là thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Theo trang The Statesman, các chính sách thực dụng và hỗ trợ DN khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài, khuyến khích các DN đa dạng hóa nguồn cung. Năm 2023, Việt Nam ghi nhận mức kỷ lục 23 tỉ USD về vốn đầu tư FDI được giải ngân và gần 30 tỉ USD vốn FDI cam kết, mở đường cho dòng vốn FDI tăng mạnh trong tương lai.
Niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục được củng cố, minh chứng qua con số 6,17 tỷ USD vốn FDI đăng ký cấp mới trong quý I/2024, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, vốn đăng ký mới đạt hơn 4,77 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, vốn giải ngân đạt 4,63 tỷ USD; tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Tiến tới sự phát triển bền vững, công bằng và thịnh vượng
Cuối tháng 3, Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng (VGLF) 2024 diễn ra tại Paris (Pháp) với chủ đề “Vươn mình trong biến động: Việt Nam và Con đường phía trước” đã thu hút hơn 100 người Việt có tầm ảnh hưởng từ 20 quốc gia cùng sự góp mặt của học giả quốc tế. Diễn đàn tập trung thảo luận về cách thức để Việt Nam tiến tới sự phát triển bền vững, công bằng và thịnh vượng.
Nói như GS Nguyễn Đức Khương - Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) thì đó là cuộc hội ngộ đặc biệt, ngày của sự hội tụ trí tuệ, tri thức, tinh thần, năng lượng, và tinh hoa văn hoá Việt Nam. Nhiều người có tầm ảnh hưởng đã vượt qua nhiều chặng đường, thách thức về không gian và thời gian để đến với VGLF 2024.
Dẫn lại câu nói “chúng ta đang ở một bước ngoặt trong chiến lược phát triển. Những chiến lược từng hoạt động tốt trong quá khứ khó có thể tiếp tục hoạt động tốt trong những thập kỷ tới” của Joseph Stiglitz - nhà kinh tế học người Mỹ và chủ nhân của Giải thưởng Nobel kinh tế năm 2008, ông Khương cho rằng trong môi trường quốc tế thay đổi liên tục và khó dự đoán, Việt Nam cần tìm ra con đường riêng hướng tới sự bền vững, công bằng và thịnh vượng.
Đây là lần thứ hai VGLF diễn ra kể từ sau VGLF 2019 để thảo luận về các lĩnh vực khác nhau như y tế, công nghệ, thương hiệu, kinh tế, năng lượng… nhằm tìm kiếm về cách thức “đưa Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến Việt Nam”, từ đó nhận diện những thách thức và cơ hội của Việt Nam trên con đường tiến tới thịnh vượng.
Tại phiên toàn thể VGLF 2024, ông Philipp Rosler - nguyên Phó Thủ tướng Đức nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, đây là lúc cần hợp sức lại và đó cũng chính là cách tốt nhất để phát triển. Theo ông Rosler, Việt Nam hiện ở đúng thời điểm, nhiều cơ hội để tìm ra con đường tiến tới thịnh vượng.
Phát biểu tại tọa đàm nhánh trong khuôn khổ VGLF 2024, chủ đề “Thời đại kỹ thuật số có thể đảm bảo sự thịnh vượng của các quốc gia?”, ông Hamilton Mann - Phó Chủ tịch phụ trách số hóa, Thales (Pháp) lưu ý các quốc gia, trong đó có Việt Nam rằng đổi mới sáng tạo sẽ không mang lại hiệu quả nếu không đi đôi với sự tiến bộ, người dân bị thiệt thòi.
“Sẽ không có tiến bộ nếu không có sự khám phá. Tư duy của một nhà thám hiểm đặt vào con người chứ không phải trí tuệ nhân tạo (AI) hay bất kỳ máy móc nào. Tận dụng công nghệ cần kết hợp con người với AI để giải quyết những vấn đề lớn. Tuy nhiên, con người là ưu tiên hàng đầu. “Sự nhìn nhận của con người là rất quan trọng, mọi điều xảy ra tiếp theo không phụ thuộc vào công nghệ mà phụ thuộc chính vào chúng ta” - ông Hamilton nói.
Tìm kiếm con đường riêng để phát triển phồn thịnh
Theo GS Nguyễn Đức Khương, chúng ta đang sống trong một thế giới rất mới, nơi thế giới phẳng gặp gỡ với thế giới ảo, đan xen và hòa quyện. Những trở ngại cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu còn khá lớn khi mà các cuộc chiến tranh và các thách thức từ cạnh tranh địa chính trị, địa chiến lược liên tục tiếp diễn. Trong môi trường quốc tế thay đổi liên tục và khó dự đoán như vậy, Việt Nam cần tìm ra con đường riêng.
GS Khương cho rằng, Việt Nam đang nằm giữa những dòng chảy kinh tế với nhiều chiều, nhiều cường độ khác nhau. Trong bối cảnh đó, không nên ngược chiều mà nên thuận chiều với các dòng chảy dựa trên triết lý ngoại giao được Việt Nam thực hiện suốt thời gian qua. Đó là hợp tác song phương, đa phương, cùng có lợi, tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Cụ thể, cần chú ý để đón các dòng chảy về vốn vào Việt Nam. Đó là xây dựng một nền kinh tế năng động để tạo sức hút đối với dòng chảy nguồn lực đầu tư nước ngoài. Mặc dù, dòng vốn đầu tư hiện nay đang trong xu hướng suy giảm song Việt Nam vẫn là điểm sáng đầu tư, là thị trường hấp dẫn với các DN quốc tế với nhiều chính sách ưu đãi và lợi thế cạnh tranh trong đầu tư. Cùng đó, xây dựng niềm tin đầu tư chiến lược để hút vốn đầu tư chất lượng trong các lĩnh vực tăng trưởng xanh và bền vững, công nghệ cao, chip hay bán dẫn… bởi đây là những lĩnh vực vừa cần nhiều vốn, vừa cần thời gian.
Nhìn vào nền kinh tế Việt Nam, GS Nguyễn Đức Khương cũng như các vị học giả tham dự VGLF 2024 cùng cho rằng, trong quá trình phát triển cần luôn hướng tới mục tiêu “đưa Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến Việt Nam”. Năm 2024 tuy còn nhiều khó khăn, nhiều yếu tố khó lường nhưng kinh tế Việt Nam vẫn trên đà tiến. Dự báo GDP sẽ ở mức từ 5,5% - 6,5% thuộc nhóm quốc gia tăng trưởng cao của thế giới.