Nối dài hành trình hiến máu cứu người
Hiến máu tình nguyện không còn là phong trào, đã trở thành một hoạt động thường xuyên, liên tục của hàng vạn người dân trên mọi miền Tổ quốc.
51 tỉnh, thành phố tham gia Hành trình Đỏ 2024
Diễn ra lần đầu tiên vào năm 2013, chương trình hiến máu Hành trình Đỏ với sứ mệnh “Kết nối dòng máu Việt” đã đi qua 11 kỳ tổ chức thành công. Năm 2024, bước sang lần tổ chức thứ 12, chương trình dự kiến có sự đồng hành của 51 tỉnh, thành phố. Đây là năm có số địa phương đăng ký tham gia nhiều nhất từ trước đến nay.
Năm 2013, xuất phát từ tình trạng khan hiếm máu cho điều trị vào dịp hè, chương trình Hành trình Đỏ ra đời với 2 đoàn tình nguyện viên xuyên Việt qua 15 tỉnh, thành phố trong 22 ngày. Vượt qua muôn vàn khó khăn, sự kiện năm đầu tiên đã tổ chức được 15 ngày hội hiến máu tại 15 địa phương và 30 điểm hiến máu hưởng ứng khác, thu về tổng cộng 17.516 đơn vị máu. Đến nay, chương trình hiến máu Hành trình Đỏ đã ngày càng lớn mạnh, trở thành chiến dịch hiến máu quy mô nhất, hiệu quả nhất ở nước ta.
PGS.TS Nguyễn Hà Thanh - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Trưởng ban tổ chức Hành trình Đỏ cho biết, trong suốt hơn một thập kỷ qua, Hành trình Đỏ không chỉ góp phần mở rộng nguồn người hiến máu, thực hiện nhịp nhàng công tác điều phối máu giữa các địa phương, đào tạo lực lượng tình nguyện viên để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hiến máu mà còn khơi dậy tình yêu thương, nghĩa đồng bào, tô thắm thêm truyền thống tương thân tương ái của dân tộc.
Hành trình Đỏ năm 2024 do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần VTVCorp, các Trung tâm Truyền máu, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện - Hội Chữ thập đỏ 51 tỉnh, thành phố tổ chức. Chương trình sẽ khởi động vào ngày 1 - 2/6 tại tỉnh Đắk Lắk và kéo dài đến hết ngày 28/7, dự kiến tiếp nhận khoảng 120.000 đơn vị máu.
Tỷ lệ người hiến máu tình nguyện đạt 97%
Tại Hội nghị công tác truyền máu toàn quốc năm 2024 diễn ra mới đây tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Hà Thanh - Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu trung ương thông tin, nếu như năm 1994, tỷ lệ người hiến máu tình nguyện gần như là 0%, hầu hết là những người bán máu, thì đến nay, tỷ lệ người hiến máu tình nguyện đã đạt 97%.
Phong trào hiến máu tình nguyện đã phát triển từng ngày đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn dân. Lượng máu tiếp nhận tăng đều qua hàng năm. Kể từ năm 2014 đến nay, mỗi năm các cơ sở y tế đều tiếp nhận được trên 1 triệu đơn vị máu. Hiến máu tình nguyện không còn là phong trào mà đã trở thành hoạt động thường xuyên. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian tới, theo ông Thanh, cần hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách liên quan đến công tác truyền máu cho phù hợp với tình hình thực tế; nâng cao công tác tổ chức điểm hiến máu, đặc biệt là công tác xét nghiệm sàng lọc, điều chế các sản phẩm máu, công tác quản lý chất lượng trong hoạt động truyền máu, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động truyền máu.
TS.BS Trần Ngọc Quế - Giám đốc Trung tâm máu quốc gia cho biết thêm, năm 2023, cả nước tiếp nhận 1.587.890 đơn vị máu tăng 6% so với năm 2022; trung bình mỗi tháng, cả nước tiếp nhận gần 130.000 đơn vị máu. Số lượng đơn vị máu tiếp nhận thể tích lớn hơn hoặc bằng 350ml chiếm 66%. Tỷ lệ hiến máu nhắc lại gần 60%. Tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt khoảng 97%. Cả nước có 77 cơ sở y tế có tiếp nhận máu, trong đó: 48 cơ sở y tế thuộc tuyến trung ương, tuyến tỉnh, 29 cơ sở y tế tuyến huyện.
Theo TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá, máu và các chế phẩm của máu chưa thể sản xuất được và phụ thuộc hoàn toàn vào người cho vì vậy những kết quả đạt được trong năm qua rất đáng khích lệ. Trong năm qua, các cơ sở truyền máu điều chế được gần 3 triệu chế phẩm máu theo nhu cầu, tăng 15% so với năm 2022. Bộ Y tế đánh giá cao sự điều phối, hỗ trợ của các Trung tâm Truyền máu trên cả nước, đặc biệt đã hỗ trợ hàng chục nghìn đơn vị máu cho Đồng bằng sông Cửu Long trong suốt 1 năm qua.
Ông Khoa cũng đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng chuyển đổi số y tế và đồng bộ hệ thống dữ liệu quốc gia vào quản lý dịch vụ máu, trước hết là người hiến máu; phát triển phần mềm trong quản lý, nâng cao sự kết nối giữa các cơ sở truyền máu. Các Trung tâm Máu cần quan tâm đến việc đào tạo, tuyển chọn nhân lực làm công tác truyền máu; đảm bảo thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm vật tư, hóa chất sinh phẩm, túi máu…, không để gián đoạn hoạt động tiếp nhận và cung cấp máu trong thời gian tới; đào tạo chuyển giao kỹ thuật hướng đến dịch vụ truyền máu ngày càng chất lượng - hiệu quả - bền vững.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tùng - Phó Giám đốc Trung tâm máu quốc gia, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, để công tác truyền máu an toàn cần quản lý chất lượng của hoạt động truyền máu. Cần áp dụng ISO 9001 cho các cơ sở truyền máu; áp dụng chất lượng phòng xét nghiệm của Bộ Y tế và ISO 15189 cho phòng Xét nghiệm sàng lọc máu ở các trung tâm tiếp nhận máu và phòng xét nghiệm cấp phát máu bệnh viện; tiếp tục tập huấn quản lý chất lượng cho các cơ sở truyền máu.
PGS.TS Nguyễn Hà Thanh cho biết, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương với vai trò đầu ngành trong lĩnh vực huyết học, truyền máu tiếp tục tham mưu Bộ Y tế trong việc xây dựng, đề xuất sửa đổi văn bản pháp quy; xây dựng chiến lược, kế hoạch trong việc đảm bảo nguồn máu và sẵn sàng phối hợp với các cơ sở y tế trong việc đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật nhằm hướng đến dịch vụ máu ngày càng chất lượng – hiệu quả - bền vững.