Nhiều du khách vứt rác bừa bãi khi đến giếng cổ Gio An
Nhiều người vứt rác bừa bãi gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường khi về tham quan, tắm, nghỉ mát tại hệ thống giếng cổ Gio An (xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị).
Ngày 1/5, ông Lê Phước Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Gio An (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cho biết, số lượng du khách đến tham quan, tắm, nghỉ mát tại các giếng cổ trên địa bàn đã giảm so với những ngày trước đó.
Theo đó, dịp Lễ 30/4, 1/5 năm nay là đợt ghi nhận số lượng du khách đến tham quan, nghỉ mát tại các giếng thuộc hệ thống giếng cổ trên địa bàn đông nhất từ trước đến nay. “Đỉnh điểm, trong các ngày 29, 30/4, mỗi ngày ước tính có hơn 1.000 du khách đến các giếng cổ để tham quan, tắm, nghỉ ngơi và đa phần là người nơi khác đến. Họ thường đến các giếng từ khoảng 8h - 16h mỗi ngày”, ông Hiếu nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Gio An, số lượng du khách nói trên đã kích cầu cho hoạt động kinh doanh, mua bán của địa phương. Tuy nhiên, trong thời điểm này, vẫn còn bất cập cần khắc phục.
Cụ thể, ông Hiếu cho hay, nhiều du khách mang theo đồ ăn, nước uống để sử dụng trong quá trình đến tắm tại các giếng cổ. Đa phần trong số này đã tự dọn dẹp sau khi ra về, nhưng vẫn còn nhiều người vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan khu vực giếng cổ.
“Nhiều du khách trước khi ra về đã chủ động thu gom, dọn dẹp vị trí đã ngồi nghỉ trước đó sạch sẽ. Tuy nhiên, vẫn có không ít người vứt bừa bãi các loại bao bì, ly nhựa, đồ ăn thừa… ra khu vực xung quanh. Đặc biệt, gặp thời tiết nắng nóng, đồ ăn thừa này nhanh chóng bốc mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường. Có khi mùi hôi khiến người khác đến sau không thể ngồi lại ở vị trí đó nữa”, ông Hiếu mô tả lại.
Được biết, hiện tại, xã Gio An giao việc quản lý các giếng cổ trên địa bàn cho các khu dân cư và công tác dọn dẹp, vệ sinh môi trường ở các khuôn viên giếng đa phần được người dân, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn thực hiện dưới hình thức tự nguyện.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng thôn An Nha (xã Gio An) cho biết, thôn đã thành lập tổ tự quản và trong dịp lễ vừa rồi thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở du khách giữ gìn vệ sinh chung khi đến tham quan, tắm, nghỉ ngơi tại giếng, tuy nhiên, vẫn có nhiều người tổ chức ăn uống và sau đó vứt rác bừa bãi trong khu vực giếng cổ.
Bà Trần Thị Thu Sương, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Gio An cho biết, cơ quan đã giao cho Chi hội phụ nữ ở các thôn vận động, tổ chức lực lượng phối hợp cùng với các tổ chức đoàn thể khác trên địa bàn tham gia dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường, cảnh quan trong khuôn viên các giếng cổ.
Cũng theo bà Sương, việc dọn dẹp nói trên được thực hiện theo tinh thần tự nguyện, không có trả thù lao và được thực hiện định kỳ vào các ngày cuối tuần, dịp Lễ, Tết. Những ngày qua, dù các Chi hội phụ nữ, các lực lượng tại địa phương đã tăng cường dọn dẹp nhưng vẫn không thể xử lý hết số rác bị nhiều người vứt bừa bãi.
Phó Chủ tịch UBND xã Gio An Lê Phước Hiếu thông tin, hiện tại, mỗi năm địa phương được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/1 giếng để thực hiện việc quản lý, bảo vệ hệ thống giếng cổ Gio An và nói: “Xã Gio An vui mừng và luôn chào đón du khách đến tham quan các giếng cổ trên địa bàn nhưng giá như tất cả mọi người đều có ý thức bảo vệ vệ sinh chung nữa thì sẽ tốt hơn nhiều”.
Tại xã Gio An có hệ thống khai thác và xử lý nước trên địa bàn (được gọi là giếng cổ Gio An) với 14 giếng cổ. Đây là hệ thống khai thác, xử lý nước độc đáo, được xây dựng từ hàng nghìn năm trước và đã được xếp hạng di tích quốc gia.
Các giếng cổ được phân bổ ở 5 thôn của xã Gio An, cụ thể: giếng Côi, giếng Dưới, giếng Búng, giếng Trạng, giếng Đào ở thôn An Nha; giếng Gái 1, giếng Gái 2, giếng Nậy ở thôn An Hướng; giếng Tép, giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai ở thôn Hảo Sơn; giếng Máng ở thôn Long Sơn và giếng Pheo ở thôn Tân Văn.