Du lịch

Một kỳ du lịch còn điều tiếng

Hoàng Minh 02/05/2024 14:07

Với kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài ngày, năm nay nhiều điểm đến du lịch thu hút hàng vạn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, do sự quá tải, cung không đáp ứng được cầu đã gián tiếp mang đến những "trải nghiệm" đáng quên cho nhiều du khách.

Đến hẹn lại ùn tắc

Được xem thời điểm “mở hàng” cho mùa du lịch hè, kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay được ghi nhận có nhiều tín hiệu tích cực khi lượng khách tăng cao so cùng kỳ năm 2023. Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, chỉ trong 5 ngày nghỉ lễ từ ngày 27/4 đến 1/5, ngành du lịch Việt Nam ước phục vụ khoảng 8 triệu lượt khách, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong kỳ nghỉ lễ năm nay, công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch trên phạm vi toàn quốc đạt khoảng 60%, những ngày cao điểm đạt trên 70%. Một số điểm đến ven biển đạt tỷ lệ lấp đầy 95-100% trong thời gian nghỉ lễ.

anh-1-1-.jpg
Bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) quá tải trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. (ảnh Đình Minh).

Tuy nhiên, do nhu cầu du lịch tăng cao, câu chuyện ùn tắc, cháy phòng, chặt chém… vẫn là những khoảng lặng mà năm nào cũng được nhắc lại. Trong những ngày qua, trên các nên tảng mạng xã hội không thiếu những chia sẻ không vui tại nhiều điểm đến du lịch. Đơn cử, hình ảnh chỉ nhìn thấy người và người tại bãi biển Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hòn Gai (Quảng Ninh)… Hay du khách tắm cùng rác tại khu du lịch sinh thái Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định). Trải nghiệm uống 2 ly nước mía với giá 100 nghìn đồng tại Ninh Bình.

Nhiều du khách đến Hạ Long trong kỳ nghỉ lễ năm nay cũng phải “than trời” vì hết sức khó khăn trong việc tìm quán ăn, cũng như giá cả cao hơn thường ngày. Cùng với đó, nhiều điểm du lịch cũng thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc cục bộ như tại TP Hạ Long, bến phà ra đảo Cát Bà, tuyến đường ven biển Nha Trang, nội đô TP Đà Lạt… Trong kỳ nghỉ lễ vừa qua nhiều điểm đến cũng rơi vào tình trạng cháy phòng như tại Côn Đảo, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu…

Có thể nói, những câu chuyện trên xuất phát cả từ yếu tố chủ quan và khách quan, nhưng đang cho thấy du lịch Việt Nam vẫn còn đó những điểm nghẽn chưa được tháo gỡ. Bởi nhiều năm qua cứ vào thời gian cao điểm của mùa du lịch là các điểm đến phải loay hoay với bài toán cung và cầu.

Câu chuyện thu hút lượng khách đến dù cao nhưng không tỷ lệ thuận với chất lượng phục vụ. Nhiều du khách muốn có một kỳ nghỉ “chữa lành” cho bản thân nhưng nhận lại là những bức tức, phiền toái không đang có. Chưa kể năm nay do giá vé máy bay tăng cao, thời tiết nắng nong nên nhiều du khách đã lựa chọn đi du lịch bằng hình thực tự túc nên nhiều địa phương chưa có được kịch bản ứng phó với tình trạng quá tải, ùn tắc.

anh-2-1-.jpg
Ùn tắc tại bến phà ra Cát Bà (ảnh: Bùi Hiền).

Nhìn nhận về thực tế này, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh bày tỏ, việc quá tải đang là một vấn đề bất cập với du lịch Việt Nam. Chính người dân địa phương ở các khu vực du lịch trọng điểm phải chịu các vấn đề như tình trạng đông đúc, tắc nghẽn giao thông, rác thải và tiếng ồn. Bên cạnh đó, vì quá tải nên du khách cũng đã có những trải nghiệm đáng quên.

Vì vậy, ngành du lịch cần tính đến khả năng đa dạng hóa điểm đến và trải nghiệm, xem đây là chìa khóa để ngăn chặn tình trạng du lịch quá mức, cho phép ngành du lịch phục hồi và phát triển bền vững. “Để hướng tới du lịch bền vững, giải quyết tình trạng quá tải, việc phát triển điểm đến vệ tinh là cần thiết và chắc chắn đi cùng đó là công tác quy hoạch, kế hoạch và quản lý triển khai thực hiện” ông Khánh bày tỏ.

Cần thay đổi để phát triển du lịch bền vững

Với sự phát triển trong những năm qua, nhất việc phục hồi sau nhanh chóng sau đại dịch Covid-19 không thể phủ nhận ngành du lịch Việt Nam đang có những thay đổi theo hướng chuyên nghiệp. Thực tế, trong suốt dịp nghỉ lễ vừa qua, những phản ánh, tố cáo bị chặt chém ở các tụ điểm du lịch nổi tiếng ngày càng ít, bởi các chủ quán đã được tuyên truyền về việc niêm yết giá và sẽ bị phạt nặng khi cố tình chặt chém.

Nhiều chủ nhà hàng cũng chia sẻ, với sự phát triển của mạng xã hội hiện nay một khi ham lợi nhỏ, bên cạnh việc phải nộp phạt nguy cơ bị tẩy chay hoàn toàn có thể dẫn đến khả năng phá sản. Hay những chia sẻ về những trải nghiệm không vui của nhiều du khách cũng được nhiều người khuyên là nên “hoan hỉ” vì đây là việc bất khả kháng khi lượng người đổ về các điểm du lịch quá lớn.

anh-3.jpg
Bãi tắm Hòn Gai (Quảng Ninh) trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (ảnh: Hạ Long thả gió).

Tuy nhiên, để mỗi điểm đến luôn tạo được những trải nghiệm hấp dẫn cho du khách, ngành du lịch đang cần có những thay đổi đồng bộ, giải quyết triệt để những vướng mắc. Đơn cử như vấn đề chặt chém, chèo kéo, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội Nguyễn Trần Hoàng Phương cho biết, tình trạng tình trạng chặt chém, chèo kéo du khách luôn là vấn đề nhức nhối tại nhiều điểm đến du lịch, đặc biệt là vào các dịp nghỉ lễ. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý mua hàng của khách.

Tuy nhiên, thống kê cho thấy, việc chặt chém đa phần xảy ra đối với khách du lịch tự túc, khách đi lẻ (không qua công ty du lịch)… Thực trạng này không chỉ ở Việt Nam mà còn tồn tại ở nhiều quốc gia khác nhau.

Tuy nhiên, điểm khác nhau là sự quan tâm, tầm nhìn của chính quyền tại mỗi quốc gia, mỗi địa phương và quyết tâm giải quyết vấn đề ở mỗi nơi. “Vì vậy, để giải quyết triệt để vấn đề này, ngoài các biện pháp xử lý mạnh, chúng ta cần quan tâm đến biện pháp dài lâu là nâng cao ý thức người bán hàng, vận động tuyên truyền người dân cùng chung tay xây dựng hình ảnh đẹp về du lịch Việt Nam...” ông Phương bày tỏ.

anh-4.jpg
Du khách uống 2 cốc nước mía giá 100 nghìn đồng tại Ninh Bình. (ảnh Facebook).

Hay như câu chuyện “cháy phòng” vào những mùa cao điểm thì bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thì câu chuyện nguồn nhân lực vẫn đang là vấn đề còn bỏ ngỏ. Sau đại dịch cho đến thời điểm này nhiều cơ sơ lưu trú vẫn phải loay hoay lấp khoảng trống nguồn nhân lực chất lượng cao. Ở phân khúc thấp, nhiều khách sạn 2 sao, 3 sao hiện nay phải huy động cả người nhà cùng làm du lịch vào những thời gian cao điểm.

Với mục tiêu đón năm 2024 đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 850 nghìn tỉ đồng, du lịch Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội và thách thức. Ở đó, mỗi mùa cao điểm du lịch sẽ là những phép thử cho từng điểm đến, các địa phương, các nhà quản lý nhìn lại để từ đó có những đánh giá, điều chỉnh, khắc phục những điểm yếu. Bởi hơn bao giờ hết với ngành du lịch bên cạnh những chỉ số tăng trưởng, hơn bao giờ hết là “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.

Hoàng Minh