Sa sút trí tuệ - không chỉ là chuyện của tuổi già
Sa sút trí tuệ là hội chứng lâm sàng gây ra bởi tổn thương não. Biểu hiện đặc trưng là suy giảm các lĩnh vực nhận thức như trí nhớ, định hướng, ngôn ngữ, trí giác, suy luận... Hội chứng này đang có xu hướng “trẻ hóa”.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy khoảng 7% người trên 60 tuổi bị sa sút trí tuệ. Cứ mỗi 3 giây sẽ có thêm 1 người mắc bệnh sa sút trí tuệ. Số người mắc chứng sa sút trí tuệ được dự báo sẽ lên tới 82 triệu người vào năm 2030, phần lớn đến từ các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Tại Việt Nam, ước tính có hơn 500.000 người bị sa sút trí tuệ. Hội chứng có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau, trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer (chiếm 60 - 80% tổng số các bệnh nhân sa sút trí tuệ). Hội chứng này gây ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ, định hướng, năng lực học tập, ngôn ngữ, khả năng hiểu, tính toán và phán đoán nhưng ý thức không bị ảnh hưởng.
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Kiên (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), sa sút trí tuệ là một bệnh lý về não không hồi phục, dần dần phá hủy trí nhớ, khả năng ngôn ngữ và năng lực tư duy. Thậm chí, bệnh nhân không thể hoàn thành ngay cả những việc nhỏ nhất. Việc phát hiện và điều trị sớm có thể giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Bác sĩ Kiên cho hay nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer tăng lên theo tuổi tác, bắt đầu từ khoảng 65 tuổi. Nhiều nghiên cứu cho thấy các yếu tố sau có khả năng thúc đẩy bệnh phát triển như người bệnh đái tháo đường; stress, căng thẳng, muộn phiền kéo dài; cholesterol cao; hút thuốc; ít giao tiếp xã hội.
Ở giai đoạn đầu, giảm trí nhớ là triệu chứng đầu tiên của bệnh. Người bệnh có thể nói quanh co, khó tìm từ; nhầm lẫn vị trí quen thuộc; không chú ý đến trang phục; mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành các công việc hằng ngày; khó khăn trong quản lý tiền nong, hóa đơn; thay đổi khí sắc và nhân cách, lo âu.
"Khi có những biểu hiện về sa sút trí tuệ, người nhà và cả bệnh nhân hãy dành thời gian để tìm hiểu bệnh và chăm sóc người bệnh. Đồng thời đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế thăm khám, chẩn đoán bệnh càng sớm càng tốt", bác sĩ Kiên khuyến cáo.
Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho rằng quan trọng nhất là bệnh nhân phải được chẩn đoán sớm, can thiệp sớm sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Nếu trong gia đình có người cao tuổi nên quan tâm sức khỏe các cụ để theo dõi các biểu hiện hành vi. Nếu phát hiện có những dấu hiệu sa sút trí tuệ nên đi khám để bác sĩ hỗ trợ điều trị.
Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh lý kèm theo làm tiến triển sa sút trí tuệ. Ví dụ người mắc bệnh đái tháo đường không được quản lý tốt sẽ khiến đường huyết tăng cao, làm bệnh Alzheimer tiến triển nặng hơn. Bởi vậy, người cao tuổi cần quản lý tốt các bệnh lý nền.
Điều đáng lo ngại, hiện nay sa sút trí tuệ không chỉ diễn ra với người cao tuổi mà nhiều người trẻ cũng đối mặt với bệnh Alzheimer. Với lối sống ít vận động, lười giao tiếp và lệ thuộc vào công nghệ như hiện nay thì bệnh ngày càng nặng.
"Dù tuổi tác là yếu tố nguy cơ cao nhất đối với căn bệnh sa sút trí tuệ, nhưng với vòng quay của cuộc sống hiện đại, sa sút trí tuệ không còn là hội chứng của riêng người già mà nhiều người trẻ và đối tượng trung niên. Đó là việc lười vận động, lười giao tiếp và cuộc sống gắn bó quá nhiều với công nghệ. Dù chúng ta thường xuyên giao tiếp nhưng đó là sự tương tác tĩnh với môi trường không có thực, có thể tiếp nhận mà không diễn đạt bằng lời..." - PGS.TS Nguyễn Trọng - Phó Chủ tịch Hội phục hồi chức năng Việt Nam cho biết.