Chiêu trò của môi giới bất động sản
Khi thị trường bất động sản “lắc lư”, thì cũng là lúc đội quân cò nhà đất “xung trận”. Không kể đến những “cò” nghiệp dư, ngay cả những địa chỉ gọi là mua bán bất động sản “chính danh” trên mạng cũng rất khó tin.
Việc giá nhà chung cư tăng cao một phần do môi giới bất động sản (BĐS) thổi giá. Đội quân môi giới BĐS không bán nhà, bán đất mà họ bán thông tin. Thị trường càng tù mù thì thông tin càng có giá, môi giới càng đục nước béo cò. Họ còn làm nó tù mù hơn, thật giả lẫn lộn, để "lùa khách".
Khi thị trường minh bạch, thì người môi giới BĐS được hiểu là thay mặt người bán để tiết kiệm thời gian cho chủ nhà. Họ kết nối giữa người bán với người mua. Nói tóm lại, đó là một kiểu trung gian mua bán thông tin chấp nhận được.
Ở nhiều nước, người môi giới BĐS phải được quản lý theo hồ sơ gắn mã định danh, khi đó mỗi giao dịch, rao bán đều được ghi lại. Hồ sơ về họ cho biết các căn nhà đã bán và phản hồi của khách hàng (kể cả người bán lẫn người mua), những khiếu kiện liên quan... Chính vì thế, người môi giới phải cố gắng giữ uy tín để có các khách hàng mới.
Nhưng, thực tế ở ta lại rất khác, khi mà kịch bản thả mồi để "lùa" khách diễn ra ở hầu hết mọi trường hợp giao dịch, gây nhiễu loạn thị trường và tạo ra rủi ro, phiền phức cho người mua. Trong nhiều trường hợp, khi người mua đã ưng ý và cần đàm phán giá với chủ nhà thì môi giới lại không thực hiện. Sau đó, cò lại thay chủ nhà thông báo tăng giá bán, nhằm ăn giá chênh cao.
Thận trọng trước thông tin rao bán của môi giới không bao giờ thừa. Đặc biệt là việc đăng tải thông tin ảo để tìm kiếm khách hàng thật. Chiêu trò chủ yếu và dễ nhận biết nhất là đăng nhiều thông tin hấp dẫn nhưng không có thực, hoặc dắt khách hàng tới sản phẩm BĐS không đúng nội dung đăng tải. Để bán một lô đất, môi giới lại đi đăng nhiều thông tin các lô đất khác trong khu vực với giá bán khác nhau. Nhiều khi là giá thấp để dụ người mua.
Ví dụ, một căn nhà 3 tỷ đồng nhưng môi giới đăng tin 2,5 tỷ đồng thì chắc chắn có khách liên hệ. Nhưng khi vào cuộc, cò lại nói căn nhà đó không còn nữa và giới thiệu khách sang căn khác giá cao hơn hoặc không đẹp bằng. Vì thế, nhiều người khi gặp tình huống này sẽ rất mệt mỏi nhưng cũng không có cách nào để kiểm tra về uy tín cũng như sự trung thực của “cò”.
Nhiều người hoạt động trong lĩnh vực BĐS cho biết, không một website nào có thể dám nói chắc 100% tin đăng là thật. Người mua nhà cần cân nhắc tới các tin đăng quá tốt về giá và luôn phải so sánh với giá trung bình của thị trường.
Khi thị trường BĐS biến động, giá căn hộ chung cư tăng mạnh thì môi giới dùng chiêu trò lướt sóng để kiếm lợi nhuận, bằng cách chỉ đặt cọc với chủ nhà, chủ đất sau đó rao bán lại, khi có khách mua thì họ sang tay ngay để ăn chênh lệch. Thậm chí, cò loại này còn lập ra các Fanpage, hội nhóm mạng xã hội và website chuyên rao bán nhà, đất rồi thay phiên nhau rao bán nhà, đất ở mức giá cao. Các môi giới còn liên kết với nhau để tự tương tác, bình luận khen ngợi về mảnh đất, căn hộ hoặc tự tạo ra các giao dịch mua bán BĐS, để dẫn dụ người khác.
Liên tục đăng tải bài viết trên mạng xã hội để tạo hiệu ứng kích cầu, cho khách hàng thấy rằng khu vực này đang sốt, từ đó thu hút người quan tâm là chiêu thức cũ của cò nhà đất nhưng vẫn rất hữu dụng. Tạo sóng ảo, bày trò bắt tay mua bán, đưa ra công chứng để tạo giao dịch ảo, "tay trái" bán sang "tay phải"... chiêu thức của cò BĐS có thể nói là rất biến hóa, nếu không thận trọng người mua rất dễ thua thiệt.
Thật khó tin những lời ngon ngọt của “cò” BĐS, không chỉ lúc mua mà còn cả lúc bán. Ví dụ khách hàng mua một căn hộ với giá 2 tỷ đồng. Trong vòng 4 năm, gia chủ muốn bán lại, bên môi giới sẽ trừ đi 20%, tức là 400 triệu đồng. Gia chủ không bán, lui lại năm sau thì sẽ tỷ lệ khấu trừ sẽ là 22-23%. Với các căn hộ ở dự án chưa có sổ hồng, mức khấu hao sẽ tăng lên, có khi tới 30%.
Môi giới là nghề trung gian, ăn phần trăm lợi nhuận chênh lệch trong các giao dịch nhà, đất. Tuy nhiên, với nhiều chiêu trò, mức chênh lệch là rất lớn, khiến người mua mất lòng tin và giá nhà đất bị thổi phồng. Không ít người mua căn hộ chung cư do không tìm hiểu kỹ đã mất vài trăm triệu đồng cho môi giới.
Cũng vì sự lộn xộn ấy mà đã xảy ra nhiều vụ người mua lật kèo, dẫn đến cãi cọ, ẩu đả. Quan trọng nhất là từ phía người mua, cần hết sức thận trọng, không thể “gửi trọn niềm tin” vào đội ngũ môi giới nhà đất. Từ đó, cho dù cò có nhiều chiêu thức đến đâu thì cũng có thể tránh được.