Lưới an sinh cho người lao động
Với những giải pháp đồng bộ, thị trường lao động những tháng đầu năm 2024 tiếp tục duy trì đà phục hồi, đây là nhân tố tích cực để triển khai hiệu quả chính sách an sinh xã hội cho người lao động.
Thị trường lao động ổn định, thu nhập tăng
Sau gần 1 năm thất nghiệp, bước sang năm 2024 chị Lê Thị Xuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn lo lắng vì sợ tiếp tục thất nghiệp. Tháng 5/2023 chị nghỉ việc vì doanh nghiệp (DN) không có đơn hàng. Thất nghiệp ở ngoài tuổi 40 với chị Xuân đi xin việc quả là quá trình đầy khó khăn để có tiền trang trải cuộc sống. Cuối cùng chị xin đi làm dọn dẹp với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng. “Với số tiền này tôi không đủ chi tiêu, không những vậy thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) bị gián đọan vì tôi không đủ khả năng đóng tự nguyện. Thật may mắn đầu năm 2024, tôi tham gia Phiên giao dịch việc làm do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội tổ chức. Tại phiên giao dịch này tôi đã quyết định nộp hồ sơ đi học nghề ngắn hạn. Toàn bộ chi phí học nghề được Nhà nước chi trả từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Ngay sau khi tôi hoàn thành khóa học đã được Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội giới thiệu việc làm. Hiện nay tôi đang làm kế toán cho một Công ty với mức lương 8 triệu đồng/tháng, cộng làm thêm giờ cũng như thưởng doanh số mỗi tháng tôi thu nhập khoảng 10 - 12 triệu đồng” - chị Xuân chia sẻ.
Thực tế, mặc dù có những dự báo về rủi ro tiềm ẩn do tình hình khó khăn của nền kinh tế thế giới, nhưng với cơ hội tuyển dụng vẫn rộng mở và đa dạng, thị trường lao động vẫn đang tiếp tục phát triển. Theo Báo cáo khảo sát thị trường tuyển dụng năm 2023 - 2024 của JobsGO, kế hoạch tuyển dụng năm 2024 của các DN đang phản ánh rất đa dạng. Theo báo cáo, 39,6% DN dự định tăng tuyển thêm từ 10-30% nhân sự, trong khi có 31,6% dự định tuyển thêm dưới 10% nhân sự. Điều này tạo ra tín hiệu tích cực cho người lao động.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình lao động việc làm quý I/2024 cho thấy, lực lượng lao động đã quay trở lại theo xu hướng bình thường trong giai đoạn trước thời kỳ dịch Covid-19. Cụ thể, quý I/2024, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 51,3 triệu người, giảm 127 nghìn người (tương ứng giảm 0,25%) so với quý trước nhưng tăng 174,1 nghìn người (tương ứng tăng 0,34%) so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lao động có việc làm giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn (giảm 1,77%) và ở nam giới (giảm 0,97%).
Không chỉ tăng về số lao động, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2024 là 7,6 triệu đồng, tăng 301 nghìn đồng so với quý trước và tăng 549 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, số người và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức trước đại dịch. Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2024 khoảng 1,05 triệu người, giảm 10,3 nghìn người so với quý trước và tăng 5,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Lợi ích lớn nhất của BHXH là lương hưu, đảm bảo tuổi già an vui cho người lao động. Có thể thấy, chính sách BHXH đang trở thành điểm tựa vững vàng cho rất nhiều cán bộ, người lao động khi về già. Việc được hưởng các chính sách hỗ trợ, cơ bản nhất và cũng là thiết thực nhất là tiền lương và chế độ khám chữa bệnh miễn phí giúp chất lượng sống của người dân sau khi hết tuổi lao động được nâng lên đáng kể.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù tỷ lệ % hưởng lương hưu khá cao (tối đa 75%) nhưng do mức đóng thấp, thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu ngắn, tình trạng người lao động nghỉ hưu trước tuổi nhiều, đóng không đúng mức tiền lương, thu nhập thực tế tại một số đơn vị sử dụng lao động… dẫn đến mức hưởng bình quân hiện nay của nhiều người lao động còn thấp. Đây cũng đang là vấn đề được cơ quan BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm.
Không để người lao động “lọt lưới an sinh”
Ngoài giải pháp đảm bảo thị trường lao động linh hoạt tạo công ăn việc làm cho người lao động, công tác đảm bảo an sinh, mở rộng lưới an sinh cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ. Theo báo cáo ngành BHXH Việt Nam trong quý I/2024, các chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Số người tham gia BHXH gần 17,4 triệu người, tăng 1,6%. Trong đó, BHXH bắt buộc hơn 15,9 triệu người; BHXH tự nguyện trên 1,4 triệu người. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 14,2 triệu người, tăng 1,67%. Số người tham gia BHYT gần 90,2 triệu người, tăng 0,28%.
Có được kết quả trên là do quý I/2024 tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, toàn diện; kết quả tháng 3/2024 cao hơn tháng 1 và tháng 2; tình hình quý I/2024 khởi sắc hơn quý IV/2023 trên hầu hết các lĩnh vực; công tác an sinh xã hội có những điểm sáng.
Phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm là mục tiêu quan trọng được ngành LĐTBXH đặt ra ngay từ đầu năm 2024. Theo đó, ngành phấn đấu hoàn thành 3 chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao: năm 2024, phấn đấu tỉ lệ thất nghiệp đạt dưới 4%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 69%, trong đó lao động được cấp chứng chỉ, bằng cấp đạt 28%; giảm nghèo đạt chuẩn đa chiều trên 1% đồng thời hoàn thành 16 chỉ tiêu ngành đặt ra.
Để thực hiện được mục tiêu, lãnh đạo Bộ LĐTXH cho biết, trước hết sẽ tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2003 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội... của Trung ương, tham mưu cho Chính phủ ban hành chương trình hành động phát triển của cơ quan điều hành đất nước, đồng thời hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng thể chế, trọng tâm là trình Quốc hội thông qua Luật BHXH (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi).
Phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, đa dạng, nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là người yếu thế, dân tộc thiểu số… Trong đó chú trọng vừa phòng ngừa, khắc phục, vừa thích ứng rủi ro hướng tới xây dựng mạng lưới an sinh bao trùm, bền vững, mọi người đều được tham gia và thụ hưởng thành quả xã hội.
Có thể thấy, với nhiều giải pháp đồng bộ, thị trường lao động những tháng đầu năm 2024 tiếp tục duy trì đà phục hồi với nhiều chỉ số tăng nhẹ, số người tham gia BHXH bắt buộc cũng như tự nguyện có xu hướng tăng. Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức trong việc đảm bảo thị trường lao động, cũng như mở rộng lưới an sinh xã hội thông qua chính sách BHXH.
Lực lượng lao động cả nước hiện có 52,1 triệu người, tuy nhiên, mới có trên 17,489 triệu người (khoảng 30%) lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Đó là số người đã được cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH. Như vậy, hiện gần 34 triệu lao động (khoảng 70%), chiếm 2/3 lực lượng lao động cả nước, chưa được thu thập, nắm thông tin về tình trạng lao động, việc làm. Đây là những lao động phi chính thức, không được tiếp cận các chính sách an sinh về BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp.
Nhằm mở rộng lưới an sinh, tại Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ LĐTBXH đề xuất đưa thêm 3 nhóm lao động vào diện đóng bảo hiểm thất nghiệp, gồm: người có giao kết hợp đồng xác định thời hạn từ một tháng trở lên; người làm việc không trọn thời gian mà có tổng tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn lương đóng BHXH bắt buộc, thấp nhất bằng một nửa lương tối thiểu tháng vùng 1; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hưởng tiền lương.