Nhiều lỗ hổng trong đảm bảo an toàn lao động
Vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tại Yên Bái vừa qua khiến nhiều công nhân bị nạn, một lần nữa đặt ra vấn đề về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong các nhà máy, doanh nghiệp.
Báo động tai nạn lao động
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2017, tháng 5 hàng năm được lấy là Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Đây là dịp để nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động; là tháng cao điểm tổ chức các hoạt động đảm bảo ATVSLĐ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động về mọi mặt, cả vật chất, tinh thần. Mặc dù vậy, sau gần 10 năm triển khai tháng ATVSLĐ công tác quản lý giám sát cũng như tuân thủ các quy định về ATVSLĐ vẫn còn nhiều khoảng trống.
Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Chu Thị Hạnh cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc; giảm số vụ tai nạn lao động (TNLĐ), giảm thiệt hại do tai nạn lao động (TNLĐ) gây ra. Mặc dù vậy, công tác ATVSLĐ vẫn còn một số tồn tại. Tuy có xu hướng giảm, nhưng số vụ TNLĐ, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại.
“Năm 2023, cả nước đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động, trong đó có 662 vụ TNLĐ chết người với 699 người. Số người bị thương nặng do TNLĐ là 1.720 người” - bà Hạnh cho biết.
Chú trọng công tác huấn luyện
Thực tế cho thấy, dù đã có nhiều bài học đắt giá trong việc tuân thủ cũng như tạo môi trườg làm việc an toàn cho người lao động nhưng đến nay câu chuyện về đảm bảo an toàn lao động vẫn chưa thực sự được người sử dụng lao động và người lao động chú trọng. Mới đây, ngày 22/4 đã xảy ra vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, trụ sở tại thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình. Trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ máy nghiền số 3 của Nhà máy Xi măng Yên Bái (đơn vị trực thuộc Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái) thì sự cố bất ngờ xảy ra, làm cho 7 công nhân tử vong và 3 người khác bị thương.
Từ vụ việc xảy ra tại Yên Bái, ông Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ cho rằng, các quy định về quy chuẩn an toàn lao động đã khá đầy đủ đơn cử như: Quy chuẩn kỹ thuật số 05/2012 của Bộ LĐTBXH về khai thác và chế biến đá, Quy chuẩn quốc gia số 06/2020 của Bộ LĐTBXH về ATVSLĐ trong không gian hạn chế đến các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn đều yêu cầu khi hệ thống vận hành phải tuân thủ rất nhiều quy định nghiêm ngặt… Chính vì vậy, cần điều tra làm rõ đơn vị này có thực hiện các quy trình đó hay không? Bên cạnh kiểm tra quy trình, quy phạm làm việc an toàn thì cần xem xét công tác huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động để họ nắm được các kỹ năng cần thiết hay chưa.
“Để xảy ra sự cố này, cần nghiêm túc rút ra các bài học kinh nghiệm nhằm phòng tránh xảy ra những việc tương tự” - ông Thơ nhấn mạnh.
Trao đổi với báo chí, TS Đặng Xuân Trọng - Chủ tịch HĐQT Công ty Kiểm định và Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động TPHCM cũng cho rằng, hiện nay hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật từ Luật ATVSLĐ, các Nghị định, Thông tư, Quy chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn Việt Nam đều cơ bản đầy đủ, đồng bộ. Tuy nhiên, trên thực tế một số doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm; chưa chú trọng trong công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động. Việc huấn luyện cũng còn hình thức, chưa sát với thực tiễn, chưa tập trung vào người lao động, công việc họ làm, kỹ năng xử lý, thao tác đúng, quy trình, biện pháp làm việc an toàn cụ thể.
Theo ông Trọng, thời gian tập huấn an toàn vệ sinh lao động là bắt buộc và theo chương trình khung quy định của Bộ LĐTBXH, song chương trình huấn luyện tại doanh nghiệp thường chưa đầy đủ cả về thời gian, hình thức, nội dung, chương trình lý thuyết, thực hành và việc kiểm tra sát hạch. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động còn mỏng, thực hiện chưa tốt, chưa triệt để dẫn đến các vi phạm về ATVSLĐ chưa được phát hiện, xử lý kịp thời...
Hậu quả của việc vi phạm an toàn lao động là vô cùng to lớn vì vậy để ngăn ngừa tai nạn lao động, bên cạnh các quy định của pháp luật, mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần thực hiện nghiêm công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; chú trọng việc huấn luyện cho đối tượng quản lý, người làm công tác ATVSLĐ tại cơ sở về việc xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn.
Nhằm tăng cường kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Tháng Hành động an toàn, vệ sinh lao động (1/5 - 31/5) năm nay được chính thức phát động vào ngày 26/4, cùng với Tháng Công nhân. Chủ đề Tháng Hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 là “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”.
Nhiều người thương vong trong vụ nổ tại xưởng gỗ ở Đồng Nai
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, vụ nổ lớn nghi do lò hơi tại Công ty Sản xuất gỗ ở xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) vào sáng 1/5 khiến 6 người tử vong, 5 nạn nhân bị thương nặng.
Thông tin về vụ việc, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, khoảng 8h30 ngày 1/5, tại Công ty TNHH Gỗ Bình Minh (thuộc ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) xảy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng; Do lỗi kỹ thuật lò hơi nổ làm 6 công nhân tử vong tại chỗ và 5 người bị thương đã được đưa đi cấp cứu.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, Công an tỉnh cùng các đơn vị chức năng đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo đưa người bị nạn đi cấp cứu, thực hiện các biện pháp giải quyết ban đầu, phong tỏa và khám nghiệm hiện trường để điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc. Đồng thời, thăm hỏi, động viên các nạn nhân đang cấp cứu tại bệnh viện.
UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp UBND huyện Vĩnh Cửu và các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thăm hỏi chu đáo, kịp thời động viên, hỗ trợ gia đình có người thân bị tai nạn lao động và làm các thủ tục liên quan đến nạn nhân bị tai nạn. Phối hợp Công an tỉnh, các đơn vị liên quan để điều tra, xác định rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm sai phạm liên quan vụ tại nạn lao động nêu trên.
Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn lao động trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các cơ sở tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn lao động, nhất là cơ sở kinh doanh có sử dụng nồi hơi công nghiệp, bình chịu áp lực, tuyệt đối không để xảy ra các trường hợp tương tự.
A.Quang