Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ ẩm thực
Tuần lễ ẩm thực truyền thống Huế 2024 chủ đề “Ẩm thực Huế với bốn phương” diễn ra dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 với sự tham gia của các tỉnh, thành phố như Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Kiên Giang, Cần Thơ và TPHCM...
Sự kiện do UBND TP Huế tổ chức nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực Huế, hướng đến tổ chức thường niên. Quan trọng hơn cả là Huế đang vận động để đưa thành phố trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực ẩm thực vào năm 2025.
Tại đây có không gian “Ẩm thực truyền thống Huế” trưng bày và trình diễn ẩm thực truyền thống Huế; không gian “Ẩm thực Huế với bốn phương” quy tụ tinh hoa, đặc sắc ẩm thực 3 miền Bắc - Trung - Nam...
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải chia sẻ: Món ngon xứ Huế có sự kết hợp ẩm thực Champa với món ngon của người Việt, món ngon dân gian cả nước hòa quyện với món ăn cung đình. Món ăn Huế rất phong phú, có thể giản dị, mang hương vị đồng ruộng, đầm phá, núi sông song cũng không kém phần sang trọng, tinh tế với cách bài trí món ăn mang đậm tính chất cung đình.
Căn cứ vào kết quả nghiên cứu khảo sát của các nhà nghiên cứu, trong kho tàng ẩm thực Việt có khoảng 1.700 món thì Huế có đến 1.300 món ăn và thức uống, chia làm 3 dòng chính: Cung đình, dân gian và chay. Ẩm thực Huế ẩn chứa nét tinh tế, thanh nhã, vượt khỏi nhu cầu vật chất bình thường để tiến đến một loại hình nghệ thuật cao mang đặc trưng phong cách riêng. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đánh giá: Ẩm thực được xem là “kho báu” của cố đô Huế với hàng nghìn món ăn từ cung đình đến dân gian, các món chay, bánh, bún, chè đặc sản..., đều được du khách đánh giá cao.
Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) đang thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 – 2024” nhằm xây dựng “Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” và “Bản đồ trực tuyến ẩm thực Việt Nam”. Năm 2022, Hiệp hội nhận được 421 đề cử món ẩm thực và lựa chọn 121 món tiêu biểu nhất để trao chứng nhận. Trong đó, Huế có 6 món được tôn vinh gồm: Bún bò Huế, chè bột lọc bọc heo quay, cơm hến, bánh lọc, vả trộn hoa màu chay và cơm hấp lá sen chay.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) ra đời từ năm 2004, với sự tham gia của 180 thành phố thuộc 72 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đến năm 2023, có 301 thành phố đã gia nhập mạng lưới nhằm thúc đẩy “nguồn lực văn hóa” và “sáng tạo văn hóa” làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững. Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới, gồm: Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; thiết kế; điện ảnh; ẩm thực; văn học; nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc.
Năm 2022, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (VICAS) đã soạn thảo Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam tham gia vào Mạng lưới của UNESCO dựa trên nghiên cứu tiền khả thi, đề xuất một lộ trình cho một số thành phố, trong đó có Huế.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết: Trong chiến lược bảo tồn và phát triển di sản ẩm thực Huế, mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo về ẩm thực của UNESCO cùng với kinh đô ẩm thực Việt Nam và hệ thống di sản UNESCO sẽ là 3 trụ cột chính. Đây sẽ là nền tảng để phát huy tiềm năng, thế mạnh, củng cố vị thế là trung tâm văn hóa lớn và đặc sắc của cả nước, góp phần định vị giá trị ẩm thực Huế trên thế giới, đồng thời khơi dậy tiềm năng công nghiệp văn hóa nơi đây.