Thêm cơ hội để doanh nghiệp phục hồi
Thông tư 02 được gia hạn sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc trả nợ, còn ngân hàng tránh được nguy cơ nợ xấu tăng cao.
Thông tư 02 ngày 23/4/2023 (Thông tư 02) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Thông tư có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024. Thực tế cho thấy, kể từ khi Thông tư 02 được ban hành đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) giảm bớt áp lực trả nợ vay ngân hàng. Theo đó, DN được gia hạn nợ, giãn nợ mà không bị chuyển nhóm nợ và vẫn tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo lộ trình, Thông tư 02 sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế mới bắt đầu phục hồi, DN còn khó khăn, NHNN Việt Nam đã trình Chính phủ gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng nữa.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, việc cơ cấu, giãn hoãn nợ được đánh giá là rất hiệu quả trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN trong thời gian vừa qua. Vì vậy, nhiều DN kiến nghị ngân hàng gia hạn thêm để giảm bớt áp lực.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, thời gian qua, nhiều hiệp hội, DN đã đề xuất kéo dài thời gian áp dụng Thông tư 02, trong bối cảnh kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, DN vẫn gặp khó và cần thêm thời gian có nguồn lực trả nợ vay.
Ông Tú cũng nhấn mạnh với việc tạo điều kiện kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, Thông tư 02 sẽ giúp giảm áp lực trả nợ cho khách hàng, góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN, tạo điều kiện cho người dân, DN tiếp tục quay vòng nguồn vốn và tiếp cận vốn vay mới để phục vụ sản xuất – kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng, qua đó góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thông tư 02 cũng quy định các khách hàng vay đủ điều kiện sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyền xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu nợ. Thời gian cơ cấu không vượt quá 12 tháng từ ngày khoản nợ đến hạn.
Sau khi cơ cấu, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro theo lộ trình. Trong đó, dự phòng phải trích bổ sung với các khoản nợ cơ cấu lại được thực hiện theo 2 giai đoạn, tối thiểu 50% vào ngày 31/12/2023 và trích đủ 100% vào cuối năm 2024.
Tại Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02 (ngày 25/4), NHNN đã chỉ đạo tất cả các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và hệ thống các TCTD tập trung coi đây là một chính sách quan trọng. NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại cần có các hướng dẫn nội bộ, quy trình thủ tục đơn giản, dễ hiểu, dễ làm và tạo điều kiện tốt nhất cho DN. Bên cạnh đó, việc thực thi chính sách cũng cần phải đảm bảo công khai minh bạch, tránh lợi dụng chính sách để che giấu nợ xấu.
Hiện nay, một số ngân hàng cũng đã hiện thực hoá Thông tư 02. Đơn cử, Agribank đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong toàn hệ thống triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng được thực hiện kể từ ngày 24/4/2023 đến hết ngày 30/6/2024.
Nói về Thông tư 02, TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng: Trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và việc NHNN khẩn trương ban hành Thông tư nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân và DN là động thái kịp thời. Việc giãn nợ sẽ giúp bảo đảm khả năng tiếp cận vốn của người dân và DN, cho phép họ không phải chuyển nhóm nợ, từ đó thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. “Khi DN, hộ kinh doanh được tháo gỡ khó khăn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hướng tới việc đạt các mục tiêu quan trọng đặt ra từ đầu năm” – ông Lực nói và cho biết thêm, riêng Thông tư 02 vẫn có "van" an toàn về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ, theo đó, NHNN yêu cầu TCTD trích lập dự phòng rủi ro có lộ trình. Các TCTD phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024...
Theo ông Lực, quy định trên của NHNN khá chặt chẽ nhằm bảo đảm ngay cả trong tình huống xấu nhất xảy ra, các TCTD có đủ nguồn lực kiểm soát và xử lý tình hình. Bên cạnh đó, Thông tư 02 đưa ra thời hạn cụ thể, trước mắt là tới 30/6/2024. Thời gian cho phép cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ tối đa 1 năm kể từ ngày khoản đó được cơ cấu lại… “Việc đặt thời hạn là cách xây dựng chính sách duy trì khả năng kiểm soát rủi ro của các ngân hàng. Thông tư 02 cũng có định hướng các ngân hàng phải có các quy định đảm bảo rõ ràng, thống nhất, không đặt thêm điều kiện, thủ tục phức tạp gây khó khăn khi triển khai việc cơ cấu thời hạn trả nợ cho người vay vốn” - ông Lực nhấn mạnh.