Xã hội

Bất ngờ du lịch đầu hè

Nhóm phóng viên 03/05/2024 12:04

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các khu, điểm du lịch ở Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã đón hàng trăm nghìn lượt du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng. Tổng doanh thu của ngành du lịch 3 tỉnh này trong dịp nghỉ lễ lên tới hơn 6.000 tỷ đồng. Điều đáng nói, nhiều du khách bất ngờ với cung cách phục vụ tại các điểm đến. Đó là sự thân thiện, cởi mở và hiếu khách; giá cả tại nhà hàng, khách sạn, thậm chí ở những tiệm tạp hóa cũng được niêm yết rõ ràng, minh bạch…

anh-cv.jpg
Du khách quốc tế đến Ninh Bình trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Ảnh: Minh Đường.

Ninh Bình: Gần 60.000 lượt khách quốc tế

Theo đó, trước, trong và sau dịp nghỉ lễ năm nay, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức hàng loạt sự kiện, chương trình, hoạt động, lễ hội kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng và 10 năm ngày Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh. Song song với 2 hoạt động kỷ niệm chính, Ninh Bình còn tổ chức Lễ hội Tràng An, diễn ra ngày 26/4; Giải chạy bộ Marathon “Dấu ấn di sản 2024” ngày 28/4 với hơn 1.000 người tham gia. Đặc biệt, trong tối 30/4, tại phố cổ Hoa Lư đã diễn ra đêm nhạc “Rực rỡ Hoa Lư” với sự tham gia của hàng loạt ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng như Mỹ Tâm, Gill...

Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình yêu cầu Ban quản lý các khu, điểm du lịch triển khai đồng bộ giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch; tạo mọi thuận lợi cho du khách tham quan. Đồng thời, đảm bảo các điều kiện về kinh doanh du lịch, thực hiện nghiêm các điều kiện, về vấn đề cháy nổ, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn cho du khách. Thực hiện niêm yết công khai và bán đúng giá niêm yết, đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ, không nâng giá, chèo kéo, ép khách mua hàng.

anh-1.jpg
Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động thu hút nhiều du khách nước ngoài. Ảnh: Đình Minh.

Tại khu du lịch sinh thái Tràng An, dù mới khoảng 6 giờ sáng ngày 1/5 nhưng đã có nhiều đoàn khách xếp hàng mua vé xuống thuyền, không diễn ra cảnh chen lấn, xô đẩy. Công tác vệ sinh môi trường, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo khá tốt. Tại Vườn quốc gia Cúc Phương, trong 5 ngày nghỉ lễ, các đoàn xe nối đuôi nhau di chuyển vào cổng chính của khu vườn. Thời điểm này, Cúc Phương đang là giai đoạn đẹp nhất, quyến rũ nhất trong năm khi “rừng vào hội”. Bên cạnh những hoạt động tham quan, trải nghiệm, du khách còn được chiêm ngưỡng vô vàn cánh bướm, đom đóm bay rợp trời.

Theo ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, trong 5 ngày nghỉ lễ, tỉnh đã đón trên 470.000 lượt khách, trong đó có trên 41.800 lượt khách nội địa; 58.200 lượt khách quốc tế. Doanh thu ước đạt 600 tỷ đồng.

anh-2.jpg
Du khách tắm biển Sầm Sơn rất đông nên lực lượng cứu hộ bãi biển phải thường xuyên túc trực. Ảnh: Quách Du.

Thanh Hóa: 5 ngày thu 3,8 nghìn tỷ đồng

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5, một số khu du lịch trọng điểm của tỉnh đã rơi vào tình trạng quá tải do lượng du khách đổ về đây tham quan, nghỉ dưỡng tăng cao. Tại một số khu du lịch biển như Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn), Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Pù Luông (huyện Bá Thước)... đều nằm trong tình trạng quá tải. Cụ thể, TP Sầm Sơn đón 905 nghìn lượt khách; thị xã Nghi Sơn đón 86,7 nghìn lượt khách; Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến đón 89,8 nghìn lượt khách; TP Thanh Hóa đón 65,6 nghìn lượt khách; Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông đón 62,5 nghìn lượt khách...

Cùng với đó, nhiều khu, điểm du lịch văn hóa, sinh thái trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đồng loạt đón lượng lớn khách như: Di sản thế giới thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc) đón 11,7 nghìn lượt khách; Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân) 9,2 nghìn lượt khách; Khu du lịch cộng đồng Bản Mạ (Thường Xuân) 3,7 nghìn lượt khách...

Tại Sầm Sơn, bắt đầu từ lễ khai trương Lễ hội du lịch biển 2024 (27/4), lượng du khách đổ về đây đông kín tuyến phố chính và các bãi tắm. Các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi luôn trong tình trạng “cháy” hàng… Ông Trần Đình Long, một du khách đến từ TP Hải Dương nhận xét: “Tôi rất bất ngờ về cung cách phục vụ của người làm du lịch ở đây. Thân thiện, cởi mở và hiếu khách. Giá cả tại nhà hàng, khách sạn, thậm chí tại cả những tiệm tạp hóa, dịch vụ nhỏ cũng được niêm yết rõ ràng, minh bạch. Cùng với đó là bờ biển dài, sạch, đẹp vào loại nhất nhì cả nước đã hoàn toàn chinh phục chúng tôi. Có lẽ không cần phải chờ đến mùa hè năm sau mà ngay trong năm nay, khi các cháu học sinh được nghỉ hè, chúng tôi sẽ quay lại đây để tiếp tục khám phá Sầm Sơn”- ông Long chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương (phường Bến Thủy, TP Vinh, Nghệ An) nhận xét: “Trước lượng du khách quá tải tại các bãi tắm, lực lượng bảo vệ, cứu hộ bờ biển luôn túc trực sẵn sàng để ứng phó khi có sự cố không may xảy ra. Điều này là một điểm cộng đối với một khu du lịch biển như Sầm Sơn. Cùng với đó là chất lượng dịch vụ lưu trú, ăn uống rất tốt. Phòng ốc đẹp, sạch sẽ, sang trọng nhưng giá cả khá hợp lý. Tôi nghĩ, Sầm Sơn sẽ vươn lên để có mặt trong top những khu du lịch biển hàng đầu Việt Nam trong thời gian không xa.”

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp đón và phục vụ khách an toàn, cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức quy mô, hấp dẫn, tổng doanh thu du lịch của toàn tỉnh Thanh Hóa trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay đạt hơn 3,8 nghìn tỷ đồng, tăng 32,8% so với dịp nghỉ lễ cùng kỳ năm 2023.

Nghệ An: Du lịch "trốn nắng" đắt khách

anh-3.jpg
Thác Khe Kèm điểm du lịch hấp dẫn tại miền Tây xứ Nghệ hút khách. Ảnh: H.L.

Bắt đầu từ ngày 28/4, tại Nghệ An tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài, phổ biến từ 39 đến 41 độ C, lại đúng dịp nghỉ lễ nên các điểm khe suối, sông ngòi, thác nước được người dân đổ xô đến để tránh nóng và biến các địa điểm này thành nơi ăn uống, vui chơi trong dịp nghỉ lễ. Cụ thể, một số điểm du lịch sinh thái thu hút khách về trốn nắng như thác Khe Kèm (Con Cuông), thác Sao Va trên dòng Nậm Việc (Quế Phong), thác Nha Vang (Tương Dương), quần thể thác 7 tầng (Quế Phong)... Thậm chí, tại các vùng núi hoang sơ, các khe suối tự nhiên, hồ đập nuôi trồng thủy sản... cũng được người dân chọn để trải nghiệm.

Được nghỉ lễ 4 ngày, anh Phan Văn Hà, trú tại TP Vinh cùng gia đình, bạn bè chọn thác Liếp, huyện Thanh Chương làm nơi giải nhiệt. "Biết về thác Liếp qua các trang mạng xã hội, dịp nghỉ lễ này, chúng tôi ngược núi, tránh nắng. Thực sự là một trải nghiệm thú vị vì vừa được tắm vừa được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ" - anh Hà cho biết.

Là địa phương có hệ thống khe suối dày đặc nên Tương Dương có nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng, đặc biệt là cá mát - một đặc sản hiếm có. Những năm qua, nhờ được khoanh nuôi, bảo vệ tốt nên cá sinh trưởng và phát triển nhanh, đem lại nguồn lợi lớn cho người dân. Gần đây, nhiều mô hình du lịch cộng đồng sinh thái đã hình thành, mở ra sinh kế mới cho đồng bào vùng cao. Điển hình, ở xã Lưu Kiền, gần đây hình thành điểm du lịch sinh thái bản Xoóng Con, suối Nậm Khiên thu hút hàng nghìn lượt khách khắp nơi đổ về, cao điểm từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm.

Trong khi đó, tại thác Khe Kèm, đập Phà Lài (huyện Con Cuông) cách TP Vinh 130km, dịp 30/4 vừa qua cũng thu hút lượng lớn khách du lịch về tham quan, tắm mát. Anh Nguyễn Văn Hoàng, trú tại TP Chí Linh (Hải Dương) chia sẻ: “Hôm nay cả gia đình mới được về tham quan, tắm mát. Thực sự là thác Khe Kèm tuyệt vời, nước mát lạnh, khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, trong lành. Sau khi lên bờ, chúng tôi được thưởng thức các đặc sản gà nướng, xôi tím, măng rừng, cơm lam, cá mát…”.

Ngoài việc các điểm du lịch sinh thái, sông suối, thác nước… hút khách trốn nóng, điều mà người dân, du khách đánh giá cao là không còn tình trạng chặt chém như những năm trước. Đơn cử như tại điểm du lịch thác Khe Kèm, giá cả các loại dịch vụ ở đây đều đã được niêm yết công khai nên du khách không phải lo chuyện hét giá. Ông Trần Xuân Cường - Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết: Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, toàn tỉnh Nghệ An đón và phục vụ 950 nghìn lượt khách, trong đó khách lưu trú ước đạt 350 nghìn lượt, tổng thu du lịch ước đạt hơn 1.700 tỷ đồng.

Nhóm phóng viên