Biến đổi khí hậu ngày một gay gắt
Không ít người cho rằng, biến đổi khí hậu là chuyện người ta, không phải chuyện của mình. Nhưng rõ ràng là thời tiết cực đoan đang gõ cửa từng nhà, mới đầu mùa hè nhưng nắng nóng tới độ sốc nhiệt đã hoành hành khắp từ Bắc chí Nam. Nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long hạn mặn tấn công, còn ở Tây Nguyên các hồ chứa nước thủy lợi lẫn thủy điện đều đang cạn dần.
Khác với dự đoán của giới chuyên gia khi cho rằng năm nay hạn mặn tại ĐBSCL không quá nặng nề so với các năm trước, nhưng thực tế đã cho thấy điều ngược lại, khi mà suốt từ đầu tháng 4 tới nay mưa thì không có còn mặn lại kéo dài nhiều đợt, lấn sâu vào nội đồng có nơi tới hơn 100km. Tới nay đã có 3 tỉnh trong vùng đã phải công bố tình huống thiên tai khẩn cấp, là Tiền Giang, Cà Mau và Long An.
Hạn hán kéo dài đã khiến mực nước các kênh, rạch vùng ngọt ĐBSCL xuống mức thấp; nhiều nơi khô cạn. Người, cây trồng, vật nuôi và cả nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng cũng đều thiếu. Cao điểm vừa qua có khoảng 73.900 hộ dân của 13 tỉnh ĐBSCL bị thiếu nước sinh hoạt.
ĐBSCL, nơi cung cấp lương thực và sinh kế cho hàng chục triệu người, phải đối mặt với thiệt hại mùa màng gần 3 tỷ USD/năm do bị nước mặn xâm nhập vào đất canh tác ngày càng nhiều. Nghiên cứu của Viện Khoa học Tài nguyên nước (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường), khoảng 80.000ha trang trại trồng lúa và trái cây có thể bị ảnh hưởng do nhiễm mặn.
Cơ quan Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo hạn hán kéo dài hết tháng 4, đến đầu tháng 5 sẽ xuất hiện mưa giông chuyển mùa. Nhưng tại thời điểm này vẫn chưa thấy mưa.
Đáng chú ý, phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF), ngày 19/3, ông Thomas - Giám đốc quốc gia của IFC (thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới - WB) cho rằng, biến đổi khí hậu “là một trong những thách thức thời đại mà Việt Nam đang phải đối mặt”. Báo cáo phân tích môi trường gần đây của WB cho thấy Việt Nam đã mất 3,2% GDP vào năm 2020 do tác động của biến đổi khí hậu. Xa hơn nữa, tác động của biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam thiệt hại 12-14,5% GDP vào năm 2050.
“Những con số này gợi lên nhiều suy nghĩ cho tương lai sắp tới” - ông Thomas nói.
Làm gì để tăng cường khả năng chống chịu trước những tác động của biến đổi khí hậu ngày một dữ dội, đó không còn là chuyện xa vời mà đã trở nên cấp bách. Tính toán của IFC, nguồn tài chính cần thiết để tài trợ cho những nỗ lực này có thể vào khoảng 6,8% GDP của Việt Nam mỗi năm, hoặc tổng cộng 368 tỷ USD cho đến năm 2040.
Nói với báo chí, đại diện lãnh đạo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, khu vực ĐBSCL tổng lượng mưa năm nay thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%, nhiều nơi cả tháng không có mưa, như tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu. Trong khi đó hạn mặn tiếp tục diễn ra. Từ ngày 6 - 17/5 vẫn là một trong những đợt cao điểm xâm nhập mặn.
ĐBSCL, vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản của cả nước đang đối diện với biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Ứng phó với vấn nạn này ngày một khó khăn, phức tạp khi mà lượng nước sông Mekong chảy về ngày một ít, phù sa vơi hụt dần, sạt lở, sụt lún gia tăng, nguồn nước ngầm cạn kiệt trong khi triều cường dâng đẩy mặn vào ngày một sâu hơn.
Nhiều chương trình cấp quốc gia được triển khai và đã thu được một số kết quả. Nhưng, đó không phải là câu chuyện của một tháng hay một năm, mà là công việc lâu dài vì biến đổi khí hậu sẽ vẫn diễn ra ngày một khốc liệt hơn. ĐBSCL rất cần được đầu tư lớn theo chiều sâu, để có thể lấy lại vị thế của một vùng đất trù phú bậc nhất cả nước.
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030 ngày 21/6/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, ĐBSCL có vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển của vùng còn khó khăn. Tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 của vùng khoảng 460 nghìn tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư đó cho thấy nỗ lực rất lớn của Chính phủ. Vấn đề còn lại là triển khai thực hiện hiệu quả đến đâu. Các địa phương trong vùng cần triển khai các dự án, công trình chống biến đổi khí hậu sớm ngày nào tốt ngày đó. Không thể chần chừ vì bất cứ lý do gì.